'Sao lại đi chơi để bị giẫm đạp?' - Câu bình luận dồn nạn nhân vào con hẻm Itaewon thêm một lần nữa

02/11/2022 09:00 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống

Dù ở ngoài đời hay trên mạng, dù tác động vật lý hay bạo lực ngôn từ thì đám đông nào cũng đáng sợ.

Chuyện những người sống sót và bóng ma tâm lý sau đêm kinh hoàng ở Itaewon: 'Dù 5 hay 10 năm nữa, ký ức đó vẫn còn đeo bám tôi'

Chuyện những người sống sót và bóng ma tâm lý sau đêm kinh hoàng ở Itaewon: 'Dù 5 hay 10 năm nữa, ký ức đó vẫn còn đeo bám tôi'

Sự việc có thể qua đi nhưng những ám ảnh tâm lý với người sống sót sau thảm kịch sẽ còn mãi.

- Ham vui thì chịu. Đông người vô đó chen mệt người chứ chơi được cái gì? Mấy chỗ nào đông người là không bao giờ thấy mặt tôi.

 - Ở nhà không chịu… Ra đó làm gì?

- Đó là cái kết của sự ham vui.

- Nói thế thôi chứ sang năm lại đi tiếp. Nhà ngủ cho lành không chịu cứ thích đi hóng hớt.

- Thấy đông vậy sao không quay ra mà lại đẩy vào. Thật không hiểu nổi...

Không khó để bắt gặp những bình luận có nội dung đổ lỗi cho nạn nhân thế này, thậm chí còn khó nghe hơn nữa, ở phía dưới các bài đăng về thảm họa giẫm đạp ở Itaewon (Hàn Quốc) xảy ra vào tối 29/10 vừa qua. Dường như trong suy nghĩ của những người đổ lỗi, đi chơi Halloween thôi cũng là một cái sai, một cái tội gì đó nghiêm trọng, đáng phải trả giá bằng tính mạng. 

Những người đã nằm xuống vĩnh viễn không thể lên tiếng để bảo vệ chính mình. Người chịu tổn thương nhiều nhất trước sự công kích ác ý này không ai khác ngoài những người may mắn sống sót và người nhà của các nạn nhân. 

"Không thể trách ai trong việc này"

Minh Anh (tên nhân vật đã được thay đổi, đang sinh sống ở Seoul - Hàn Quốc) cũng là 1 trong số những người đã có mặt tại con hẻm ở Itaewon trong tối 29/10. Sau khi xảy ra sự việc, cô đã chia sẻ lại tình huống lúc đó và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Bản thân Minh Anh không bị ai công kích nhưng chia sẻ về chuyện này, cô cho biết:

"Thật sự không thể trách được ai trong sự việc này vì tất cả mọi người đều không nghĩ mọi chuyện lại có thể kinh khủng như vậy. Sau khi thoát ra và đi chơi khu khác thì chẳng ai biết chuyện không lành xảy ra. Thậm chí khi 119 và cảnh sát tới mà tất cả mọi người ở ngoài cũng không biết gì thì làm sao mà né được? Chỉ có người bị nạn và trước mắt mới định hình được tai nạn xảy ra thôi. 

Mình nghĩ ai cũng có quyền bày tỏ suy nghĩ của bản thân nhưng mong là mọi người đừng làm hay nói những điều để sau này phải hối hận. Việc đi chơi hay ở nhà là lựa chọn của mỗi người. Chuyện không may xảy ra và họ cũng đã thiệt mạng rồi, mong mọi người đừng buông lời cay đắng!".

Trước đó, Minh Anh đã kể lại việc mình đã may mắn thoát khỏi đám đông. Khoảng 9h30 cô và bạn đến con hẻm và thấy rất đông người. Năm ngoái cũng đi chơi Halloween ở đây và mọi thứ rất bình thường, không có hiện tượng xô đẩy nên cô vẫn quyết định dắt bạn đi vào. "Mình đi được mấy mét là chật cứng rồi nhưng không biết nên đi vào hay đi ra vì thấy người ta cứ hô hào nên tưởng có gì vui. Rất may mắn là mình đi được 5 mét nữa thì bị đẩy ngược ra ngoài nên quay người đi ra luôn, sang hẻm đối diện chơi" - Minh Anh nói.

Chú thích ảnh
(Ảnh: Twitter)

Tại sao lại nói "Sao không ở nhà, đến đó làm gì"?

Phùng Huy (tên của nhân vật đã được thay đổi) đã sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc được 6 năm. Anh cũng cho biết không chỉ Halloween mà hầu như lễ hội nào tổ chức tại Seoul, anh cũng đều có mặt tham dự. Tuy nhiên lần này, điều không ai mong muốn và lường trước được đã xảy ra, biến mọi thứ trở thành nỗi ám ảnh. 

Trong nhóm những người Việt tại Hàn Quốc, Phùng Huy kể lại những trải nghiệm, cảm xúc và sự sợ hãi của bản thân khi có mặt trong đám đông hôm ấy. May mắn hơn rất nhiều người, dù bị chèn ép, xô đẩy nhưng Phùng Huy và em gái vẫn có thể thoát ra ngoài, an toàn trở về nhà. 

"Hiện tại tinh thần của mình đã ổn định hơn nhưng em gái mình vẫn còn rất ám ảnh, chỉ ở trong nhà để bình tâm. Sau khi thoát ra, chúng mình chứng kiến rất nhiều thi thể trên đường phố. Điều này thực sự phải mất một thời gian dài mới có thể ổn hơn", Phùng Huy chia sẻ. 

Cũng theo anh chàng, dù trong bài đăng có ghi là quan điểm cá nhân, không nhận ý kiến trái chiều nhưng phía dưới phần bình luận vẫn có rất đông những bình luận tiêu cực, độc hại. Chủ yếu, những bình luận này có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, cho những người có mặt tại khu phố Itaewon đó. 

Chú thích ảnh
Hình ảnh được Phùng Huy chia sẻ (Ảnh: NVCC)

Nói về điều này, Phùng Huy cho hay: "Mình đọc rất nhiều bình luận ác ý, nói rằng tại sao biết đông còn đến, rằng mải chơi nên bị như vậy là đúng... Ban đầu mình rất khó chịu và cũng có đáp trả nhưng rồi mình nghĩ có nói đến đâu cũng không thay đổi được bởi đó là quan điểm của mỗi người. Ai cũng muốn có khoảng thời gian giải trí để bớt áp lực, căng thẳng. Có người thích đi cà phê, người lại thích đến những nơi đông người. Hơn nữa, lễ hội tổ chức ra là để nhiều người tới tham dự, tại sao lại nói chúng mình đến đó làm gì? Chuyện xảy ra là chuyện buồn, chúng ta chỉ nên chia sẻ, tưởng niệm đến những người không may qua đời chứ không phải lúc để đổ lỗi"

Trước nỗi đau xót lớn như thế, sao không cảm thông lại công kích?

Thu Nguyễn (tên của nhân vật đã được thay đổi) không trực tiếp có mặt trong sự kiện tại Itaewon nhưng cũng vô cùng hoang mang, lo lắng bởi bạn thân của cô tham dự lễ hội. "Biết bạn thân đã thoát ra khỏi nơi đó lòng mình nhẹ hẳn. Nhưng mình lại thấy vô cùng xót xa bởi những người thiệt mạng đều trạc tuổi mình, họ còn quá trẻ", Thu nói. 

Ở nhà theo dõi tin tức, Thu Nguyễn cảm thấy bất bình khi liên tục chứng kiến những bình luận vô cảm, thậm chí đổ lỗi cho nạn nhân. Cô bày tỏ: "Mình cảm thấy đau hộ cho những bạn có mặt ở đó và cả gia đình có người thân qua đời trong thảm kịch. Thay vì đồng cảm, mình không hiểu tại sao mọi người lại viết ra những lời công kích như vậy. Ai cũng muốn mình có buổi đi chơi vui vẻ, bao nhiêu năm Hàn Quốc chơi Halloween đều đông như vậy nhưng chỉ năm nay mới xảy ra tai nạn. Việc tham dự Halloween chưa bao giờ sai, tham dự để hưởng ứng, để bản thân vui lên có gì là sai?"

Thu Nguyễn cho biết, bạn thân của cô có mặt trong lễ hội đó cảm thấy ám ảnh bởi cảnh tượng kinh hoàng xảy ra. Những tiếng la hét, tiếng còi cấp cứu, cảnh sát... là những âm thanh đáng sợ. "Bạn thân mình là con trai nên phần nào cứng rắn hơn. Cậu ấy cũng hiểu rằng bản thân và cả những người có mặt trong lễ hội đó không đáng trách, không đáng để nhận những lời cay nghiệt như vậy từ người lạ. Do đó, cậu ấy chọn cách không quan tâm quá nhiều", Thu Nguyễn chia sẻ.

Có mặt tại Itaewon tối 28/10 - trước khi thảm kịch diễn ra 1 ngày, TikToker Bữu Vi Vu cũng đồng quan điểm với Thu Nguyễn. Anh cho biết mình không đồng tình với những bình luận ác ý: "Itaewon là khu vui chơi nổi tiếng tại Seoul mà gần như khách du lịch nào cũng đến. Lễ hội Halloween không bị lực lượng chức năng cấm thì việc mọi người cùng hưởng ứng, cùng vui vẻ tham gia là chuyện bình thường. Có cảnh sát để đảm bảo an ninh nhưng người quá đông và sự việc bất ngờ nên mới xảy ra hậu quả không ai mong muốn. Lúc này nên cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số, dành lời chia buồn đến gia đình họ cũng như người dân Hàn Quốc hơn là những bình luận ác ý, vô cảm như vậy".

Chú thích ảnh
Khu Itaewon 1 ngày trước khi thảm hoạ diễn ra cũng có rất đông người đổ về (Ảnh: Bữu Vi Vu)

 

Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện đổ lỗi cho nạn nhân sau một bi kịch, tội ác hay sự việc đau lòng nào đó. Thay vì làm rõ nguyên nhân và xác định người chịu trách nhiệm thì người ta lại quy mọi lỗi lầm vào chính nạn nhân và cho rằng họ xứng đáng bị như vậy. 

Một cô gái bị lạm dụng và quấy rối tình dục, liền có ý kiến dè bỉu vì cô ấy ăn mặc quá gợi cảm. 

Một ai đó bị cướp giật, lại có người khẳng định người đó không biết tự bảo vệ bản thân và bảo quản tư trang cá nhân. 

Một người trẻ chọn cách tự tử, ngay lập tức có bình luận rằng người trẻ đó (hoặc cả thế hệ trẻ đó) nhu nhược, thiếu ý chí, không mạnh mẽ.

Những tình huống này vẫn đã và đang diễn ra khắp nơi trên mạng xã hội!…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ lệch lạc này và một trong số đó là vì muốn tránh bị tổn thương. Những người đổ lỗi cho nạn nhân tự nhủ rằng mình sẽ không gặp chuyện nguy hiểm như vậy vì không có hành động như nạn nhân. 

Không dừng lại ở những con chữ hay lời nói trên MXH, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân gây ra những hệ quả nguy hiểm. Nó định hình suy nghĩ sai lệch về bản chất sự việc và đối tượng phải chịu trách nhiệm cho sự việc đó. Việc này cũng khiến những kẻ phạm tội, những người làm sai nghĩ rằng mình không sai và tiếp tục tái diễn. 

Với nạn nhân, việc bị đổ lỗi hoặc tự đổ lỗi có thể gây ra những ám ảnh về tâm lý và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Lẽ ra phải là người được bảo vệ, bênh vực thì họ lại bị tấn công thêm một lần nữa, từ đó không dám lên tiếng hay tố cáo những người làm sai. 

Nạn nhân là người bị hại, và khi không ở trong trường hợp của họ, bạn sẽ không hiểu người ta đã phải trải qua chuyện gì đâu…

Huyền Trang - Hải My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link