100 năm sinh nhà văn Võ Quảng: 'Ai dậy sớm' - Tiếng hát tinh khôi

27/08/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Tuần đọc Võ Quảng” là sự kiện vừa được NXB Kim Đồng phát động nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh của ông (1920 - 2020). Lớp lớp trẻ em từ thuở ê a tập nói vẫn sẽ ngân nga những câu thơ trong trẻo như đồng dao của Võ Quảng trong Ai dậy sớm, Mầm non, Chị chổi tre, Anh đom đóm, Anh nắng sớm, Mời vào... Để giúp độc giả hiểu thêm về nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi này, TT&VH xin đăng tải một số bài viết của các cây bút chuyên nghiệp về ông.

'Những cánh đồng cổ tích': Thơ thiếu nhi, phảng phất nét từng trải

'Những cánh đồng cổ tích': Thơ thiếu nhi, phảng phất nét từng trải

Sau hiện tượng Nguyễn Phong Việt với thơ bán 30.000 bản, có một gương mặt thơ nữ, dù số lượng thơ in không cao như vậy, nhưng vẫn đáng chú ý, đó là Phạm Thị Ngọc Thanh, cũng là một hiện tượng mạng.

1. Tập thơ Ai dậy sớm nằm trong bộ sách Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng của NXB Kim Đồng. Thơ thiếu nhi của Võ Quảng bình dị gần gũi với cuộc sống thường ngày đã truyền cho các em nhỏ lòng yêu thương thế giới cỏ cây, loài vật, hướng tới tình yêu cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống thường ngày.

Hơn 50 năm cầm bút, bằng sự trân trọng tuổi thơ, tình yêu cuộc sống, ý thức sâu sắc, nhà văn Võ Quảng đã gieo trồng nên một vườn thơ đặc sắc dành cho trẻ thơ, xanh mãi với thời gian bởi nghệ thuật đặc sắc luôn giản dị, tươi trẻ, hấp dẫn.

Nhà thơ dẫn dắt tâm hồn trẻ thơ bay nhảy vào thế giới thiên nhiên rộng lớn và gần gũi. Thế giới thiên nhiên ấy rộn ràng ánh sáng của buổi ban mai, phóng chiếu sự chuyển động của đất trời, muôn loài… đang reo ca ngày mới trong niềm hân hoan tươi tắn: Ai dậy sớm/ Bước ra nhà/ Cau ra hoa/Đang chờ đón/ Ai dậy sớm/Đi ra đồng/ Cả vừng đông/ Đang chờ đón!Ai dậy sớm/ Chạy lên đồi/ Cả đất trời / Đang chờ đón! (Ai dậy sớm).

Trong nhịp vận hành của ngày - đêm, mùa màng, sức sống của thiên nhiên luôn là năng lượng lan truyền niềm vui. Thơ viết cho các em của Võ Quảng là một liên khúc rộng mở, đa thanh sắc, nổi lên như âm hưởng chủ đạo là sự “bừng nở của sự sống” từ lúc nắng mai đến đêm vàng ánh trăng: Những quả chín đỏ/ Hát dưới nắng mai/ Những chùm quả sai/ Cười trong nắng mới (Quả đỏ), hay: Buổi sớm lúc sương tan/Bờ tre làng lấp lánh/ Đỗ lại đàn cò trắng/ Tre như nở bừng hoa/Sáo sậu nổi hát ca/ Tre rung rinh trời sáng(Bờ tre làng).

Chú thích ảnh
Nhà văn Võ Quảng

Một dải thiên nhiên nhiều tầng bậc trong tập thơ Ai dậy sớm hiện lên tinh khôi, chan hòa trong cuộc sống thường ngày gần gũi nhưng đầy bí ẩn khám phá, chính là nét đặc sắc của thơ dành cho trẻ em của Võ Quảng, tạo nên sức hấp dẫn, thích thú. Ở đấy, mỗi bài thơ của Võ Quảng là một câu chuyện nhỏ sinh động, nhiều đối thoại, hành động biểu cảm đánh thức trí tưởng tượng của trẻ: Một anh Qụa Khoang/ Gặp chú Bói Cá/ Chuyện trò rôm rả…( Phải chung màu lại); Những bài thơ nhỏ xinh, giản dị bồi đắp đời sống tinh thần của con người, bắt đầu từ tuổi thơ; và giúp cho con người kéo dài sự tươi tắn của tuổi thơ. Trí tưởng tượng khoáng đạt, và hóm hỉnh của nhà thơ đã mang đến cho các em những vần thơ cô đọng giản dị, ngộ nghĩnh và vui tươi, với nhiều thế hệ bạn đọc, lưu giữ nơi kí ức tuổi thơ: Mặt trời gác núi/ Bóng tối lan dần/ Anh Đóm chuyên cần/ Lên đèn đi gác…/ Theo làn gió mát/…Anh Đóm quay vòng/ Như sao bừng nở/ Như sao rực rỡ/ Rụng ở vườn cam/ Rụng dọc bờ xoan/ Vườn cau, vườn chuối”(Anh đom đóm).

Bên cạnh những bài thơ sôi nổi, không ít những bài thơ còn là những tâm tình, đối thoại thủ thỉ lắng đọng, đồng điệu với những cung bậc cảm xúc của trẻ em: Dưới vỏ một cành bàng/ Còn một vài lá đỏ/ Một mầm non nho nhỏ/ Còn nằm nép lặng im…/ Một chú thỏ phóng nhanh/Chạy núp vào bụi vắng/ Và tất cả im ắng/Từ ngọn cỏ làn rêu…(Mầm non)

Chú thích ảnh
Tập thơ “Ai dậy sớm” ấn bản kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng, minh họa màu nước của họa sĩ Chu Linh Hoàng

2. Nhịp điệu trong thơ Võ Quảng là nhịp điệu của hình tượng và ý tưởng biến hóa nhịp nhàng. Những vần thơ giàu nhạc điệu dễ dàng để các em ngân nga hát trong sự hào hứng lúc vui chơi. Những âm thanh của cuộc sống, tiếng nói của loài vật được kết hợp với các động từ làm nhịp thơ trở nên linh hoạt, chắc khỏe, sôi nổi, bất ngờ.

Võ Quảng chọn thể thơ 3 tiếng, 4 tiếng hoặc 5 tiếng để viết cho các em, mang sắc thái của đồng dao với những dòng thơ gọn gàng, phù hợp với nhịp đọc, nhịp thở, khả năng nhận thức của trẻ thơ. Các em đón nhận mỗi bài thơ một cách gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc.

Hơn hết thơ viết cho thiếu nhi của Võ Quảng truyền đến cho các em lòng thương yêu thế giới cỏ cây, loài vật để từ đó hướng tới điều thiện lành điều thiện, yêu cái đẹp trong cuộc sống, ngợi ca giá trị của lao động, biết làm việc vì người khác. Đó là Anh đom đóm, một đốm sáng, một sinh thể phát sáng nhỏ nhoi, đêm đêm chuyên cần “lên đèn đi gác”, Chị chổi tre: Bước ra đàng/Thấy lá vàng/Rơi ngập đất/Chị chổi quét/Roặc, roăc, roặc!, là tiếng cây thông vi vu dịu nhẹ cho Sóc con ngon giấc: Thông vốn yêu Sóc/ Thấy vậy Thông rất lo/Thông phải ru nhỏ to/Vi vu cho Sóc ngủ (Vì sao Thông vi vu)…

Gắn bó với tuổi thơ, dành trọn sự nghiệp sáng tác văn học cho thiếu nhi, Võ Quảng đã để lại hàng trăm bài thơ là liên khúc những thiên đồng thoại nhỏ xinh, hồn nhiên, vui nhộn, cùng gắn bó chia sẻ nhu cầu ham hiểu biết khám phá thế giới xung quanh của trẻ thơ.

Đôi nét về nhà văn Võ Quảng

Nhà văn Võ Quảng (1/3/1920 – 15/62007) sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử, ông được học hành bài bản ngay từ nhỏ. Năm 17 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đảm đương nhiều chức vụ như: Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Đà Nẵng, Phó Chánh án Tòa án quân sự miền Nam Việt Nam...

Ngoài sáng tác văn chương, nhà văn Võ Quảng còn là Tổng biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng. Ông cũng từng viết kịch bản phim hoạt hình, dịch một số tác phẩm văn học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt. Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

(còn tiếp)

Thành Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link