20/12/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi tìm trong cuốn tự vị tiếng Việt của Paulus Huỳnh Tịnh Của in trong Nam từ cuối thế kỷ 19 cho đến mấy cuốn từ điển đương đại đang phát hành ở cả nước, đều không thấy có mục từ "xe rùa" để phản ảnh một phương tiện do con người tạo ra để vận chuyển một vật thường nặng hơn sức gánh vác hay đội trên đầu, từng rất phổ biến trên đường bộ ở nước ta trước khi Tây sang.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Tôi thắc mắc với một người bạn là một nhà ngôn ngữ học rất chuyên nghiệp thì anh cho biết là nó sẽ được bổ sung vào cuốn từ điển mới, sắp in. Đọc phần viết và cả hình ảnh minh họa thì nó thực chất là xe cút kít đến từ phương Tây vẫn tồn tại trên các công trường nhỏ, trang trại, chủ yếu bằng kim loại và bánh xe có vòng bi trơn tru đến mức khi vận chuyển không còn kêu "cút kít" nữa.
Nhưng chỉ căn cứ vào những bức ảnh chụp sớm từ cuối thế kỷ 19 cho đến muộn hơn gần giữa thế kỷ 20 thì thấy ở nước ta, đặc biệt là ở Bắc Kỳ, cả nông thôn lẫn đô thị rất phổ biến một loại xe một bánh được gọi là "xe rùa", mà không có một chút nào từ vẻ bề ngoài để liên tưởng tới một con rùa sinh học, lại càng không có dây mơ rễ má nào với cái xe cút kít của Tây.
Wikipedia cũng như nhiều tài liệu tra cứu đều đồng nhất loại phương tiện một bánh xe xuất hiện cả ở các nền văn minh Trung cổ ở châu Âu lẫn ở Trung Hoa… Tam quốc chí thì cho rằng chính Gia Cát Lượng là người đã sáng chế ra loại xe này và dùng nó để vận chuyển quân lương trong khi chống quân Tào Ngụy và còn chế thành các loại khí tài dùng trong các mưu kế của mình (trâu gỗ, ngựa máy...). Nhưng cũng rất khó hình dung giữa cái “xe rùa” đi lại trên đường làng hay đương phố thời cận đại có liên quan gì đến những đạo cụ dùng trong các phim cổ trang hay lịch sử của Trung Quốc được gọi là sáng chế của Khổng Minh…
Chí có điều, ở châu Âu hay Trung Quốc, từ lâu đã có các loại xe có 2 bánh đặt ngang nhờ đường sá rộng rãi, hệ thống giao hông đường bộ phát triển. Riêng Trung Quốc từ đời Tần đã đưa ra nguyên lý để thống nhất lãnh thổ quốc gia là "thư đồng văn - xa đồng quỹ" (chung một ngôn ngữ và thống nhất khoảng cách giữa 2 bánh xe)…
Còn ở nước ta, xưa con người đi lại chủ yếu là trên sông nước, bằng thuyền bè. Đường sá luôn bị đứt đoạn bởi các dòng nước chặn ngang (sông, suối, đầm, hồ…), khắp nơi là ruộng nước, đầm lầy lại nhiều nên hầu như (ở miền Bắc và Trung) nước ta không có loại xe có bánh xếp ngang như xe ngựa mà sau này người Pháp nhập vào xứ ta, hay xe bò, xe trâu từ trong Nam hay từ phương Bắc truyền tới, cùng hệ thống đường bộ được người Pháp quan tâm đầu tư vươn tỏa khắp xứ.
Xem ảnh xưa, ngay cả đường "thiên lý", "cái quan" trước khi Tây sang vẫn chỉ là những con đường hẹp, mặt đường đất khó đi lại nên ngoài sức gánh vác của con người, sự trợ giúp không nhiều của các loại đại gia súc (lừa, ngựa, trâu hay voi); cái phương tiện duy nhất, phổ biến và phù hợp hơn cả chính là cái xe một bánh mà ta vẫn gọi là xe rùa…
Bác sĩ Hocquard, người đi theo đoàn quân viễn chinh của Pháp hồi cuối thế kỷ 19, trong cuốn bút ký nổi tiếng của mình Một chiến dịch ở Bắc Kỳ đã mô tả rất chi tiết về những chiếc xe rùa mà ông gặp như sau: “Phố xá mới rồi còn yên tĩnh bắt đầu ồn ào. Bên cạnh chúng tôi, những dòng dài xe cút kít (trong bản dịch viết như vậy) qua lại, bánh gỗ đặc của chúng kêu to kinh khủng. Xe này đáng được mô tả. Chúng hoàn toàn được làm bằng gỗ. Các bộ phận được gắn kết với nhau bằng những chốt gỗ. Nó cũng có 2 chân để đậu trên mặt đất như xe cút kít của ta (loại xe ở Pháp) đặt ở bên dưới trọng tải. Trong điều kiện ấy và do bánh xe cao nên mặt sàn xe chứa trọng tải tương đối cao hơn giá đỡ. Vì vậy, khi xe có tải, phải quen mới giữ được thăng bằng và điều khiển được. Binh lính của ta (Pháp) phải cố gắng hết sức mà vẫn làm xe đổ luôn còn người An Nam quen giữ thăng bằng khi gánh gồng thì sử dụng xe cút kít của họ thoải mái".
Như thế là trong con mắt của người Âu tuy dùng tên gọi "xe cút kít" của người Pháp để định danh cho cái xe rùa của Bắc Kỳ, Hocquard đã nhận ra sự khác biệt rất căn bản giữa 2 chiếc xe của Tây và của Ta. Vậy còn của Tàu thì sao? Hãy quan sát những tấm ảnh chụp ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc hay gần hơn là Quảng Châu Loan lúc này đang là nhượng địa của Pháp trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), ta sẽ thấy xe của họ đặt giá hàng thấp hơn bánh xe để tận dụng 2 bên đặt hàng cân nhau để chở người thì rất tiện, nhưng phải là 2 người trở lên cho cân.
Trong khi “xe rùa” ở xứ ta thì bố trí chỗ đặt hàng có phần hợp lý hơn nên tạo sự cân bằng bền vững và trọng tâm phù hợp khiến có thể chở hàng nhiều và dễ hơn, phù hợp với sức vóc người Việt Nam vốn không lớn. Những chiếc xe này vận chuyển trên địa hình hạ tầng đường bộ nông thôn còn rất hạn chế, phù hợp với mạng lưới vận chuyển hàng hóa cho những chợ quê hay nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở các đô thị đường sá ít phát triển.
Ở Việt Nam, không thấy dùng xe rùa chở người, mà phổ biến nhất lại là chở… lợn. Chỉ đến khi xuất hiện chiếc xích lô thì xe rùa mới hết vai trò ở đô thị, nhưng nó vẫn tồn tại lâu hơn ở nông thôn. Vậy mà đến nay, những người làm công việc bảo tồn muốn sưu tầm một cái xe rùa, phương tiện từng phố biến nhất mới từ hồi nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, cũng là rất khó…
(Còn tiếp)
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất