27/11/2016 07:12 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một người đàn ông 23 tuổi hôn vào môi một bé gái 4 tuổi, đóng giả là con gái của anh ta, là một trong những cảnh của chương trình truyền hình thực tế Bố ơi, mình đi đâu thế? trên kênh Mango TV ở Trung Quốc. Chương trình này đang gây tranh cãi, nhiều nhà hoạt động bảo vệ trẻ em tại đất nước tỷ dân vô cùng bức xúc.
Một số nhà hoạt động bảo vệ trẻ em cho rằng, những cảnh thân mật và gần gũi về thể xác giữa một người nam giới trưởng thành không phải là ruột thịt với một bé gái đóng giả làm con gái anh ta trên truyền hình là cổ súy cho bệnh ấu dâm trong các gia đình Trung Quốc, nêu gương xấu cho cả các bậc cha mẹ và trẻ em.Những cảnh thân mật bị cho là không phù hợp
Tổ chức Bảo vệ các bé gái, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Bắc Kinh, đã kêu gọi các nhà sản xuất chương trình ngừng phát sóng.
Thí sinh tham gia trong chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? của Mango TV có Dong Li, kiếm thủ từng tham gia thi đấu ở Olympic Rio và cô bé Arale (tên thật là Cui Yahan) đóng giả con gái anh. Loạt chương trình này, được bắt đầu phát sóng hôm 7/10, được xem là màn tập sự làm cha, khi các nhân vật nổi tiếng được ở bên và chăm sóc con cái những người khác trong hai ngày.
Kiếm thủ Dong Li và bé gái Cui Yahan (Arale) 4 tuổi trong chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” mùa thứ 4
Tuy nhiên, cặp “cha con” trong mùa thứ 4 của Bố ơi, mình đi đâu thế? bị coi là quá thân mật vì hai thí sinh, cách nhau 19 tuổi, đã “diễn” như cha con thật. Chẳng hạn, họ ngủ cùng giường và khi ngủ thì cô bé mặc áo và quần lót. Trong chương trình, bé Arale nói thẳng rằng khi lớn lên bé muốn kết hôn với chú Dong Li. Trong khi đó, Dong Li đùa lại rằng cô bé 4 tuổi này là bạn gái lý tưởng và anh sẽ đợi cô bé trưởng thành.
Hành vi của cặp “cha con” này trong một số trường hợp khác cũng bị chỉ trích và cho rằng nó khuyến khích người ta tin các mối quan hệ thân thiết giữa các bé gái và người đàn ông chẳng hề “liên quan” là phù hợp đạo đức. Đáng chú ý là cảnh Arale mặc quần áo của Dong Li và nói với “cha” rằng “con cảm thấy ở bên chú thích hơn là ở với mẹ”.
Nhưng Mango TV đã bảo vệ chương trình của mình và nói rằng sự tương tác giữa cặp “cha con” trong đó là kết quả của “vẻ đẹp và sự thuần khiết”, là chương trình mang tính giáo dục những người bố trẻ hoặc những người sắp làm cha.
Trong khi đó, Dong Li cho biết, thực tế việc chăm sóc bé Arale là một đạo diễn nữ của chương trình. Thế nhưng, Mango TV tiếp tục khiến cư dân mạng tức giận khi tải một video clip ghi hình cặp “cha con” Dong Li và Arale hát ca khúc Let’s Fall in Love (Hãy yêu nhau).
Không phải ai cũng có suy nghĩ tiêu cực
Cục Báo chí, Xuất Bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã ra lệnh cấm các nhân vật danh tiếng xuất hiện trong những chương trình tương tự với con cái, nhằm giảm sự tham gia của trẻ vị thành niên. Khi sản xuất chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? Mango TV được xem là đã lập “mưu kế” để lách luật khi tìm nhân vật “đóng thế” bằng cách “mượn” con của người khác.
Chương trình này được dàn dựng theo định dạng của Hàn Quốc và lập tức hút khán giả khi được Đài Truyền hình Hồ Nam phát sóng lần đầu tiên hồi năm 2013. Công chúng háo hức theo dõi xem những người cha cố gắng tránh khỏi thất bại như thế nào, thể hiện vai trò của mình ra sao khi họ được giao những nhiệm vụ chăm sóc con trong một hành trình xa nhà, không có vợ bên cạnh, trong bối cảnh nhiều người ở Trung Quốc vẫn cho rằng việc chăm sóc con cái là của phụ nữ.
Song không phải tất cả khán giả đều phản đối chương trình, Geng Yanchao, một người bố trẻ, có hai con sống ở Bắc Kinh, lại nghĩ rằng việc trao đổi phụ huynh và con cái như vậy khiến người chơi có được trải nghiệm tốt.
“Một đứa trẻ bình thường có thể trở nên tự tin hơn khi tham gia chương trình này. Khi trẻ em sống xa cha mẹ chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, kể cả chúng còn rất nhỏ” - Geng Yanchao nói.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất