16/11/2017 13:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Salvator Mundi (Savior of the World), bức tranh vẽ Chúa Jesus Christ của danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci đã đạt giá kỷ lục mọi thời sau khi được mua với giá 450 triệu USD (380 triệu euro) tại cuộc đấu giá do hãng Christie's tổ chức hôm 15/11. Đây là giá kỷ lục đối với bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào được đấu giá hoặc bán trao tay.
Salvator Mundi nằm trong số hơn 20 bức tranh còn tồn tại của Da Vinci và là tác phẩm duy nhất thuộc quyền sở hữu tư nhân. Chủ nhân mới của bức tranh chưa được tiết lộ.
Giá cao nhất được trả cho một tác phẩm nghệ thuật được đấu giá từng thuộc về bức tranh Women of Algiers (Version O) của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso. Bức tranh này đã đạt giá 179,4 triệu USD (152 triệu euro) tại cuộc đấu giá của hãng Christie’s diễn ra hồi tháng 5/2015.
Còn mức giá cao nhất được trả cho một tác phẩm nghệ thuật từng thuộc về bức tranh Interchange của Willem de Kooning. Bức tranh này được Tổ chức David Geffen bán trao tay hồi tháng 9/2015 với giá 300 triệu USD.
Một người hậu thuẫn cho cuộc đấu giá bức tranh Salvator Mundi đã khẳng định rằng bức tranh này đạt giá khởi điểm ít nhất 100 triệu USD. Sau 19 phút, những người có mặt trong cuộc đấu giá đã vỗ tay khi mức giá được trả cho bức tranh lên tới 300 triệu USD.
Và khi búa gõ xuống cho cuộc trả giá lần cuối cùng, mức giá đã lên tới 400 triệu USD. Giá 450 triệu USD mà bức tranh đạt được bao gồm cả phí bảo hiểm của người mua, mức phí của chủ nhân mới bức tranh trả cho hãng đấu giá.
Bức tranh Salvator Mundi cao 66cm, được Da Vinci vẽ vào khoảng năm 1500. Bức tranh mô tả Chúa Jesus mặc áo choàng mang phong cách thời Phục hưng, tay phải Ngài giơ lên ban phước lành và tay trái cầm một quả cầu pha lê.
Tuy nhiên, Salvator Mundi đã trải qua một con đường khá gập ghềnh từ xưởng vẽ của Da Vinci tới cuộc đấu giá vừa qua. Bức tranh này từng thuộc quyền sở hữu của Vua Anh Charles I và nó đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng cho đến năm 1900, Salvator Mundi đã xuất hiện trở lại và được một nhà sưu tầm Anh mua.
Song thời điểm đó, người ta vẫn cho rằng bức tranh này là do một học trò của Da Vinci vẽ chứ không phải của danh họa.
Hồi năm 1958, bức tranh lại bị bán và đến năm 2005 được một nhóm các nhà buôn nghệ thuật mua lại với giá 10.000 USD. Nhưng lúc đó bức tranh đã bị hư hại nặng và đã bị vẽ lại một phần. Các nhà buôn nghệ thuật đã tiến hành phục chế bức tranh và xác thực đây chính là tranh của Da Vinci.
Năm 2013, tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev đã mua bức tranh này với giá 127,5 triệu USD trong một cuộc mua bán riêng và sau đó cuộc mua bán này đã trở thành chủ đề của một vụ kiện.
Hãng Christie's nói rằng hầu hết các học giả đồng ý đây là tác phẩm của Da Vinci, mặc dù một số nhà phê bình đã đặt câu hỏi về bố cục tranh và cho rằng việc phục chế quá nhiều đã làm mờ đi tác quyền của tác phẩm.
Hãng Christie's đã thu hút sự quan tâm của công chúng tới Da Vinci, được coi là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời, bằng chiến dịch truyền thông và tuyên bố đây là “Bức tranh cuối cùng của Da Vinci”.
Salvator Mundi từng được trưng bày ở Hong Kong (Trung Quốc), San Francisco, London và New York trước khi được đấu giá.
Ở New York, thành phố không có bảo tàng nào sở hữu tranh Da Vinci, người yêu nghệ thuật đã xếp hàng dài bên ngoài trụ sở Trung tâm Rockefeller của Christie’s để được chiêm ngưỡng Salvator Mundi, vào hôm 14/11.
Tuấn Vĩ
Theo AP
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất