22/12/2020 21:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Có độ dày ngót 700 trang và giá bìa gần một triệu đồng, vậy nhưng cuốn sách kinh điển “Câu chuyện nghệ thuật” (The Story of Art) đã lập tức được tái bản chỉ sau 2 tháng phát hành.
Cụ thể, Câu chuyện nghệ thuật của tác giả E.H. Gombrich tiếp tục được công ty sách Omega + và NXB Dân Trí tái bản để ra mắt vào tháng 1/2021 tới. Ấn bản mới sẽ giữ nguyên thiết kế bìa sách kèm theo một số hiệu đính về mặt nội dung để hoàn thiện hơn.
Được phát hành lần đầu tại Việt Nam vào tháng 10 vừa qua với số lượng 5000 bản, Câu chuyện nghệ thuật được chuyển ngữ theo ấn bản mới nhất (lần thứ 16) và được dàn số trang tương đương bản gốc tiếng Anh của nhà xuất bản Phaidon nhằm đảm bảo tương ứng giữa nội dung cũng như hình ảnh minh họa. Ngay khi ra mắt, tác phẩm đã được nhiều độc giả và chuyên gia đánh giá khá tốt.
“Việc cuốn sách được tái bản chỉ sau 2 tháng phát hành là kỷ lục chưa từng có tại Omega+. Và chúng tôi cũng kỳ vọng cuốn sách có thể trở thành hiện tượng sách trong năm 2020, khi mà tác phẩm này đã xác lập kỷ lục hơn 8 triệu bản được bán ra trên thế giới” – ông Vũ Trọng Đại – Đại diện Công ty sách Omega+ cho biết – “Thực tế, dù lỡ hẹn một năm mới có thể chính thức ra mắt, tác phẩm vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn của độc giả ngay từ giai đoạn chuẩn bị đến khi phát hành”.
Câu chuyện nghệ thuật là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật của nhà sử học nghệ thuật gốc Áo E.H. Gombrich và được mệnh danh là một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả. Cuốn sách được in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng khác nhau.
Gần 700 trang sách là câu chuyện về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của tác giả về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo. Đặc biệt, nội dung sách được kể một cách dễ hiểu, không sử dụng bất kì biệt ngữ hay các ẩn dụ lý thuyết phức tạp, bởi ban đầu Gombrich viết cuốn sách với mong muốn dành cho các độc giả trẻ mới bước chân vào thế giới nghệ thuật.
“Trong tác phẩm Câu chuyện nghệ thuật, E.H. Gombrich đã diễn giải nghệ thuật theo cách khách quan nhất. Tác giả chỉ đề cập tới các tác phẩm mà ông đã từng được chiêm ngưỡng và tiếp cận để có thể đơn giản hóa, cũng như làm rõ thông điệp mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt” - họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ - “Với Gombrich, nghệ thuật là quá trình tạo tác của con người, phục vụ con gười và chứa đựng những giá trị lịch sử nhất định. Vì vậy, khi đọc sách, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về các tác phẩm và nhận ra nghệ thuật không có gì là quá ghê gớm cả”.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất