04/08/2018 09:53 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi tôi bước chân vào Hãng phim truyện Việt Nam - VFS, anh đã là một người nổi tiếng. Nhưng cũng là lúc nghiệp diễn của anh dường như đang chững lại. “Anh Chí” của Làng Vũ Đại ngày ấy đang rực rỡ trong mắt người hâm mộ điện ảnh, rực rỡ trong mắt đồng nghiệp, mà không hiểu sao cứ phảng phất mội nỗi buồn trong mắt.
Tôi nhận ra điều này khi ngồi nép trong một góc quán nước nhỏ sau phòng chiếu phim, nhìn trộm các diễn viên khóa 2 ngồi tụ lại với nhau uống chén trà xuông và bàn tán về những vai diễn của mình. Trong mắt một cô bé con mới ra trường, điều này thật kỳ lạ.
Mãi sau này, khi đã thành bạn bè thân thiết, tôi mới biết hóa ra đó là nỗi buồn thường trực trong anh. Nỗi buồn bẩm sinh, do anh mồ côi từ lúc trong bụng mẹ. Cha anh là liệt sĩ – hy sinh trong lúc đánh nhau giáp lá cà với quân Pháp ở mặt trận Chợ Đồng Xuân trong thời kỳ 60 ngày đêm kháng Pháp đầy anh dũng của người Hà nội. Mẹ anh một mình nuôi con trong muôn vàn khó khăn, không tái giá. Có lẽ vì thế, anh coi trọng gia đình, coi trọng mẹ mình trên hết thảy.
Những khó khăn éo le trong hoàn cảnh gia đình anh, không bao giờ anh nói ra, không bao giờ than thở. Nhưng dần dần tôi cũng biết, anh cùng chị Mùi – người vợ đẹp cả người cả nết của anh – phụng dưỡng hai bà mẹ già và một người anh đau ốm của chị trong nhiều năm. Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, nhiều nghệ sĩ chìm trong khó khăn cùng cả nước. Thậm chí với nhiều gia đình, miếng ăn còn không đủ. Anh chị gồng gánh cái gian nan tột cùng của một gia đình có hai lao động chính, với hai con gái nhỏ và ba người lớn hoàn toàn không còn khả năng lao động…
Tôi không biết họ làm cách nào để dìu nhau qua những năm tháng ấy. Chỉ biết đại thể chị đã nghỉ việc ở một cơ quan nào đó, ở nhà mở một quán cà phê nhỏ để vừa chăm con, chăm sóc mẹ già và người anh đau ốm, để anh có thể đi làm phim. Đại thể, anh hóa thân vào các vai diễn một cách tận tình tận lực và tài hoa, trong khi sau lưng anh, gánh nặng cơm áo gạo tiền trút cả trên vai chị. Và điều đó thật khó khăn với anh. Nhưng đam mê điện ảnh cứ kéo tuột anh đi. Và chị quyết không để mình cùng gánh nặng gia đình trở thành vật cản với sự nghiệp mà anh đang theo đuổi. Niềm tự hào về gia đình trong anh là tất yếu. Nhưng nỗi buồn thường trực cũng vì thế mà hiện diện trong anh, ngay cả khi anh nổi tiếng, cả khi anh trở thành biểu tượng một thời của điện ảnh Việt, cả sau này khi những khó khăn đã qua đi, nhờ tài đảm của chị mà sự thiếu thốn vật chất không còn ám ảnh gia đình anh nữa.
Bùi Cường quả đã có cơ hội để thực hiện một bước ngoặt ngoạn mục trong đam mê của mình. Sau rất nhiều vai diễn lớn nhỏ, anh từng tham gia làm phim trong vai trò trợ lý, rồi phó đạo diễn. Năm 1990, thời kỳ phim xã hội hóa lần thứ nhất bùng nổ, chúng tôi có cơ hội làm một phim dã sử bằng nguồn vốn tư nhân: “Tráng sĩ Bồ đề”. Nhà đầu tư mời đạo diễn Lê Mộng Hoàng từ trong Nam ra. Có hai diễn viên đang nổi đình nổi đám trong Nam lúc đó nữa, là Lý Hùng và Lê Tuấn Anh. Bùi Cường được mời làm phó đạo diễn cho ông Lê Mộng Hoàng. Ông Lê Mộng Hoàng lập tức quý anh sau lần tiếp xúc đầu tiên. Và sau đó, ông mạnh dạn đẩy anh vào việc như thể anh là một đạo diễn thực thụ. Và đó là bước ngoặt mà anh hằng mong đợi.
Sau Tráng sĩ Bồ đề, anh thực sự bước vào một cung bậc mới trong nghề điện ảnh. Để chỉ năm sau, Anh hùng râu quặp ra đời với doanh thu đáng ngưỡng mộ. Tôi còn nhớ, với tư cách là biên kịch của phim ấy, tôi lần đầu tiên đến tư gia của anh, chứng kiến cuộc sống thật của một nghệ sĩ sau những hào quang màn ảnh. Hiện thực ấy khiến tôi lặng đi, và thương quý anh chị vô cùng. Kể từ đó, tôi còn hợp tác với anh trong vài dự án khác, trong đó có kịch bản phim Người đàn bà không con mà anh vô cùng tâm huyết.
Càng làm việc cùng nhau, chúng tôi càng quý trọng nhau hơn. Nhưng điều khiến tôi đặc biệt ngưỡng mộ anh, đó là cái đam mê làm nghề đến mức hồn nhiên của anh. Mới cách đây vài tháng, anh còn gọi điện cho tôi để hỏi rằng “Mấy cái phim mà tao với mày làm ấy, được giải gì ấy nhỉ?”. Bùi Cường là thế, cứ làm thôi, không mấy quan tâm đến việc tác phẩm của mình có được giải gì hay không. Có lẽ do nhiều người thúc ép, hoặc dù sao cũng là việc phải làm, anh đành bỏ thời gian để làm hồ sơ xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Và vì thế tự nhiên anh lại ngoái nhìn, tổng kết lại cả quãng đời cống hiến và thành tựu của mình. Không biết đó có phải là một dấu hiệu của định mệnh không, mà bây giờ, khi mà việc vinh danh NSND cho anh đã đến rất gần, thì anh lại “bỏ trốn”, rời khỏi cõi tạm này?
Vẫn biết sinh – lão – bệnh – tử là quy luật ai cũng phải trải qua. Nhưng việc Anh “ra đi” đột ngột như thế này thật khó chấp nhận với tôi, với nhiều bạn bè đồng nghiệp khác, và với chị Mùi – người vợ tuyệt vời của Anh. Chia tay anh, tôi không nghĩ nhiều về những hào quang anh đã có, những cống hiến mà anh đã dâng tặng cho điện ảnh Việt, cũng như thái độ lao động nghệ thuật tận tình tận lực của anh. Trong mắt tôi, Bùi Cường là một Con Người đích thực, vậy thôi.
Trịnh Thanh Nhã (nhà biên kịch)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất