02/06/2021 07:40 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải Dế Mèn lần 2-2021 đã khép lại bằng một lễ trao giải đặc biệt vào đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tại trụ sở báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), số 11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đặc biệt ở chỗ lễ trao giải chỉ có sự góp mặt của các chủ nhân giải thưởng và các thành viên BTC, Hội đồng giám khảo...
Trước đó, do dịch Covid-19 tái bùng phát, nên Lễ trao giải dự kiến được tổ chức (không khán giả trực tiếp) tại TP.HCM vào sáng 1/6 phải tạm dừng. Dẫu vậy, Lễ trao giải ở Hà Nội vẫn là một sự kiện đầm ấm và đáng nhớ.
Gặp lại thần đồng nhờ… Dế Mèn
Đáng nhớ nhất là chuyện nhà văn Bình Ca (tên thật là Trần Hữu Bình) - tác giả của tiểu thuyết Đi trốn - xuất hiện tại Lễ trao giải cùng vợ. Tại đây ông có cuộc gặp gỡ thú vị với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo.
Nhà văn Bình Ca nhớ lại: “Tôi gặp Trần Đăng Khoa vào khoảng đầu những năm 1970. Ngày đó, Khoa đang nổi như cồn với Từ góc sân nhà em, Góc sân và khoảng trời. Một buổi sáng tôi được bố (nhà văn Hữu Mai) đưa tới Tạp chí Văn nghệ Quân đội chơi. Bố giới thiệu tôi với một cậu bé: Đây là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Khoa nhanh nhẹn tiến về phía tôi, chìa tay ra: "bạn, mình là Trần Đăng Khoa”.
Tôi rất ấn tượng với phong cách giao tiếp tự tin và niềm nở đó của anh. Nửa thế kỷ sau, gặp lại ở Đài Tiếng nói Việt Nam, khi tôi làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, còn Khoa là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy của Đài. Sau 50 năm, cách giao tiếp của Khoa vẫn y nguyên như lần đầu gặp tôi, tự tin, chủ động và niềm nở. Khoa không nhớ tôi, tất nhiên rồi, còn tôi thì vẫn gặp anh trên ti vi suốt”.
Tác giả tiểu thuyết Đi trốn xúc động nói tiếp: “Hôm nay tôi lại gặp Khoa trong Lễ trao giải Dế Mèn. Anh là người trao, còn tôi nhận. Nếu Khoa không hỏi thì tôi cũng chẳng nhắc lại. Tính tôi nhút nhát và hiền, nên ngại mang tiếng kiếm cớ kết thân với người nổi tiếng. Khoa cực kỳ ngạc nhiên khi biết tôi là con nhà văn Hữu Mai, và càng ngạc nhiên hơn khi người anh của Hữu Việt, nghe nói có thời giữ chức phó chủ tịch của một cái tỉnh nào đó, lại chính là tôi, Bình Ca”.
Nghe những lời kể của nhà văn Bình Ca, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng “giật mình lục lại những ký ức xưa”. Ông nói: “Thực ra tôi biết ông Bình Ca, nhưng chỉ là biết ông Bình Ca từng làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ngày nào, từng được tôi tiếp đón ở Đài Tiếng nói Việt Nam chứ không hề biết một Bình Ca, con nhà văn Hữu Mai và là anh trai nhà thơ Hữu Việt. Tôi càng không hề biết cái ông Bình Ca từng làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình này cũng dính dáng đến văn chương, không nghĩ ông ấy là tác giả của Đi trốn và trước đó là Quân khu Nam Đồng. Tôi cũng không nhớ nhà văn Hữu Mai đã đưa Bình Ca đến gặp tôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cách đây mấy chục năm trời”.
Trao đổi với người viết xoay quanh cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ này, nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo: “Tôi thấy cuộc gặp gỡ này thật may mắn cho tôi. Bởi nếu biết trước Bình Ca là ai mà tôi lại ngồi ghế giám khảo thì rất dễ… mang tiếng. Vì không biết ông ấy nên càng cho thấy giải thưởng Dế Mèn đã rất khách quan, minh bạch…”.
Khi được hỏi: Bây giờ ông đã biết nhà văn Bình Ca là con nhà văn Hữu Mai, anh trai nhà thơ Hữu Việt rồi thì ông thấy nhà văn Bình Ca so với bố và em trai thế nào? Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Muốn biết phẩm chất văn chương Bình Ca như thế nào thì tôi nghĩ tốt nhất bạn hãy cứ đọc Quân khu Nam Đồng và Đi trốn của anh ấy sẽ biết!”.
Tiếp tục lan tỏa “khát vọng Dế Mèn” đến toàn xã hội
Chương trình Lễ trao giải Dế Mèn được đơn giản hóa, không truyền thông tham dự, BTC không phát biểu chào mừng, Hội đồng giám khảo không đọc Báo cáo tổng kết, không MC dẫn dắt chương trình. Nó đúng nghĩa là một cuộc gặp gỡ, lắng nghe và trò chuyện, cùng nhau tận hưởng cái gọi là tinh thần hiệp sĩ của giải thưởng, là khát vọng đẹp đẽ mang tên “Dế Mèn”.
Tinh thần hiệp sĩ và khát vọng Dế Mèn đã được thể hiện ở chỗ, trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đời sống văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi vốn dĩ vẫn là một khoảng trống, nhưng báo Thể thao và Văn hóa vẫn tiếp tục tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi trong năm qua.
Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo thì: “Giải Dế Mèn chỉ khuôn vào đề tài/ chủ đề thiếu nhi. Đó là một mảng chủ đề mà cả xã hội luôn kêu thiếu vắng tác phẩm hay, thiếu vắng người viết. Nhưng trong suốt những ngày chấm giải Dế Mèn lần 2, chúng tôi nhận ra rằng, chỉ trong khuôn khổ của giải thưởng này thôi đã thấy không hề thiếu những tác phẩm hay để trao giải. Mà ngược lại, dường như chỉ… thiếu giải để trao”.
NSND Nguyễn Thị Phương Hoa là đạo diễn và họa sĩ của bộ phim hoạt hình Khúc gỗ mục, giành 1 trong 5 giải Khát vọng Dế Mèn năm nay. Chị tới dự giải cùng với đồng tác giả kịch bản bộ phim là đại tá Phan Đức Tuấn, bạn chị, nguyên là Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh. Một lần tình cờ được đọc truyện Khúc gỗ mục của anh, chị thấy rất thú vị và họ cùng nhau chuyển thể thành kịch bản phim hoạt hình. Một câu chuyện phim giản dị nhưng thấm đẫm chất nhân văn, dường như gửi gắm rất nhiều tâm sự của hai tác giả kịch bản, cũng là tâm sự của rất nhiều người đối với thế hệ trẻ.
Tác giả kịch bản Khúc gỗ mục Phan Đức Tuấn bày tỏ, dù Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn còn “non trẻ”, nhưng giải thưởng đã tôn vinh, khích lệ và phát hiện được những tài năng mới. Theo ông, những tác giả như Cao Khải An, Xèo Chu, Nguyễn Đới Chung Anh... được tôn vinh cho thấy sự tiếp nối cần được vun đắp, bồi dưỡng...
Còn với nhà văn Bình Ca, ông đã rất vui khi được trao giải Khát vọng Dế Mèn. Ông cho rằng trong đời sống xã hội Việt Nam đề tài về tuổi thơ luôn là mỏ vàng ròng, chưa được khai thác đúng mức. Ông hy vọng ngoài những giải thưởng như Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa, sự vào cuộc của các cơ quan văn hóa chính là một sự khích lệ, không chỉ người viết, mà còn cả với bạn đọc trẻ tuổi.
Nhưng trước khi trông chờ vào các cơ quan, đơn vị khác, ông tin tưởng rằng báo Thể thao và Văn hóa tiếp tục là "hiệp sĩ" đi đầu trong việc duy trì giải thưởng Dế Mèn hàng năm, ngõ hầu để tinh thần, khát vọng ấy tiếp tục lan tỏa trong xã hội.
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất