Đề cử là Bảo vật Quốc gia: Hộp vàng Ngọa Vân - Xứng tầm 'bảo vật'!

09/10/2018 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ có trọng lượng tương đương với 1,5 cây vàng, vậy nhưng chiếc hộp hình hoa sen được tìm thấy tại Đông Triều (Quảng Ninh) lại là kết tinh của những giá trị vô cùng đặc biệt về văn hóa và lịch sử.

Vừa qua, cùng với một hiện vật khác là bình gốm Hoàng Tân (được phát hiện năm 1998), chiếc hộp này đã được tỉnh Quảng Ninh lập hồ sơ đề cử công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia đợt 7 (kết quả cuối cùng sẽ có vào cuối năm 2018).

“Bông sen vàng” đặc biệt

Chiếc hộp vàng đặc biệt này được phát hiện ngày 21/6/2012 tại khu vực gần xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Đó là thời điểm, tuyến đường lên am Ngọa Vân nằm khu vực này đang được hoàn thiện. Và khá thú vị, người tìm thấy chiếc hộp vàng hình hoa sen – biểu tượng của Phật giáo – lại là một nhà sư: Đại đức Thích Quảng Hiển, trụ trì chùa Trung Tiết ở ngay gần đó.

Chú thích ảnh
Hộp vàng hoa sen được phát hiện tại Đông Triều (Quảng Ninh)

Theo lời Đại đức, trên đường lên am Ngọa Vân, ông tình cờ vấp phải vật lạ nằm ngập trong đất, nhô một phần nhỏ ra ngoài. Thấy có dáng một chiếc hộp lạ, ông nhặt lên xem, rồi tỉ mẩn lấy nước rửa hết lớp đất dẻo bám bên ngoài.Màu vàng chói của kim loại lộ ra...

Theo phỏng đoán ban đầu, nhiều khả năng, việc thi công tuyến đường lên am Ngọa Vân đã làm chiếc hộp này phát lộ một phần, sau đó được Đại đức Thích Quảng Hiển phát hiện tiếp. Rất nhanh sau đó, chiếc hộp vàng được chuyển tới tại Phòng văn hóa huyện Đông Triều. Và sau đợt khảo sát của các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, vào tháng 10/2012, Hội đồng giám định cổ vật thuộc Bộ VH,TT&DL đã tổ chức giám định chiếc hộp này trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng.

Theo kết quả giám định, chiếc hộp (gồm phần thân và nắp rời nhau) có chiều cao 4,2 cm, đường kính đế 3,5 cm, đường kính miệng 4,9 cm và làm bằng vàng ròng, với trọng lượng tương đương 1,5 cây vàng. Phần thân của chiếc hộp được trang trí hoa văn cánh sen, và khi đậy khít cùng phần nắp, thì toàn bộ hộp mang hình dạng của một bông hoa sen đang độ mãn khai đẹp nhất.

Đáng nói, chiếc hộp này được chế tác vô cùng đặc biệt và tinh xảo. Riêng phần nắp hộp là 4 lớp cánh với tổng cộng 87 mảnh được xếp thành vòng tròn đồng tâm, mang dáng dấp của một đài sen. Ở phần tâm của nắp hộp là phần núm mang hình một đài sen nhỏ, với các đường chỉ nổi và diềm văn chấm tròn. Ngoài ra, toàn bộ phần thân hộp và nắp hộp đều được chạm khắc chìm hình hoa chanh 4 cánh, với các dây hoa văn bao quanh đường riềm của từng cánh sen.

Chú thích ảnh
Đền An Sinh, nơi gắn với lăng mộcác vua Trần tại Đông Triều

“Của hiếm” trong di sản thời Trần

Hơn một tháng trước, với sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành về khảo cổ và di sản, Sở VH,TT&DL Quảng Ninh đã thành lập Hội đồng thẩm định để đánh giá toàn diện về hiện vật này, cũng như hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận hiện vật là Bảo vật Quốc gia. Theo đề nghị chung, hiện vật được lấy tên gọi chính thức là “hộp vàng Ngọa Vân”, gắn với điểm phát lộ.

Trong những đợt nghiên cứu trước đó, qua so sánh phong cách trang trí, đặc biệt là với loại hình hoa văn cánh sen và loại hoa văn hoa chanhthường gặp trên các loại cổ vật thời Trần, chiếc hộp được xác định có niên đại dao động trong các thế kỷ XIII và XIV. Thực tế, theo nhận xét của PGS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam), những hiện vật tạo hình hoa sen khá phổ biến vào thời Trần – khi đây là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh và trở thành hệ giá trị quan trọng để kết nối toàn dân.

Dù vậy, theo PGS Tín, việc giới khảo cổ phát hiện những hiện vật bằng vàng có niên đại thời Trần lại là điều vô cùng hiếm gặp. Nổi bật trong số này chỉ có 5 chiếc đĩa vàng chạm hoa văn dây lá được phát hiện tại Hưng Yên trong thập niên 1960, tuy nhiên đó lại là hiện vật mang phong cách thời Lý. Ngoài ra, đầu thập niên 2000, giới nghiên cứu cũng phát hiện một số mảnh vàng tại Hoàng thành Thăng Long nhưng không xác định được hình dạng. Do vậy, việc một hiện vật bằng vàng còn nguyên vẹn được tìm thấy tại Đông Triều – nơi phát tích và cũng là địa điểm xây dựng các lăng mộ vua Trần từ sau năm 1320 – là phát hiện vô cùng quan trọng với ngành khảo cổ.

Riêng về tính năng của hiện vật, đã có những giả định rằng hộp vàng này được tạo tác để đựng xá lỵ - khi am Ngọa Vân tại Đông Triều chính là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn trong lịch sử.Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều chuyên gia tán đồng hơn nằm ở phỏng đoán: đây là loại đồ ngự dụng được sử dụng trong vương triều Trần. Trên thực tế, vị trí tìm thấy hộp vàng cũng nằm rất gần với quần thể lăng mộ các vua Trần, cùng thuộc xã An Sinh.

Nhưng, dù còn đang trong quá trình “giải mã”, hộp vàng Ngọa Vân vẫn hội tụ đầy đủ những tiêu chí cần thiết để được công nhận là Bảo vật Quốc gia: hiện vật độc bản, còn đủ các bộ phận cấu thành với các họa tiết hoa văn sắc nét; thể hiện tư duy thẩm mỹ, sự tinh tế, tỉ mỉ và tay nghề bậc cao của người chế tác; mang giá trị văn hóa lịch sử, đặc biệt khi thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa vương triều Trần và Phật giáo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt...

Anh Bảo

Ngọa Vân Am mây trắng

Ngọa Vân Am mây trắng

Chúng tôi ngược đường lên núi Bảo Đài, nay gọi là núi Vảy Rồng, để đến thăm khu di tích Ngoạ Vân Am. Đây là nơi Hoàng đế - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) đã tu luyện những năm tháng cuối cùng của cuộc đời và hoá Phật, được coi như thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link