Dịch giả Lê Quang: “Sách Nobel có khi còn sai chính tả”

14/05/2012 15:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) -  “Các dịch giả có 100 lý do để bỏ nghề, nhưng rồi nhiều người vẫn ở lại, chỉ bởi nghề thanh tao quá”, dịch giả Lê Quang - dịch giả tiếng Đức uy tín với các bản dịch Tình ơi là tình, Người đọc… - chia sẻ trong tọa đàm về văn học dịch tại Ngày Văn học châu Âu diễn ra cuối tuần qua tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội).

Dịch giả Lê Quang cũng là một cộng tác viên lâu năm thân thiết của báo TT&VH. Anh đã chia sẻ rất thẳng thắn:



Dịch giả Lê Quang (bìa phải) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong buổi tọa đàm “Giới thiệu văn học nước ngoài tại Việt Nam” hôm 12/5.

 Đừng nghĩ sách đoạt Nobel là nhất thế giới

* Trong tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có nói: “Sách dịch hay thì người ta khen tác giả hết lời, còn nếu sách dở thì lại chê dịch giả”. Rất muốn nghe cảm nghĩ của anh về câu nói này.

- Tôi thấy không gì có phải buồn. Cũng như khi người ta đá bóng ấy, người sút vào gôn bao giờ cũng được khen, còn anh thủ thành để lọt lưới thì hầu như luôn bị đổ lỗi. Đó là một sự thật hiển nhiên. Người ta chỉ nhìn khâu cuối cùng để hướng vào đó mà chê hoặc khen, cũng là điều dễ hiểu. Dịch giả bản lĩnh phải thấy tại sao người ta chê, phải nhận ra rằng có “công đóng góp” của mình thì mới làm nên sự dở đó.

* Nhưng biết đâu cái dở là của nhà văn, của tác phẩm gốc còn dịch giả chỉ truyền tải trung thành?

Năm 2007, bản dịch Tình ơi là tình của Lê Quang cũng từng bị phê phán, một cách nhầm lẫn, là “cẩu thả, thô thiển và phạm những lỗi sơ đẳng” khi không viết hoa tên riêng, viết hoa từ sau dấu chấm, không thụt vào đầu dòng… Nhưng thực ra đó là cách viết có chủ ý của nhà văn Elfriede Jelinek. Thay đổi là phá hỏng dụng ý của tác giả.

- Tôi đã dịch một nhà văn đoạt giải Nobel (cuốn Tình ơi là tình của nhà văn Elfriede Jelinek - PV) và phát hiện bà ấy viết sai chính tả. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng giải Nobel là một thành trì bất khả xâm phạm và sách đoạt Nobel là phải nhất thế giới. Lỗi thủ công là chuyện bình thường, chính dịch giả cũng có thể bị mắc.

Ở tuổi này, tôi cũng có thể nói là vững vàng hơn một số bạn trẻ về nhân cách làm nghề, tôi xem mỗi lời chê là một cái cớ để soi lại mình. Bị chê không nhất thiết là một việc tiêu cực.

* Có người nói, ở Việt Nam, sách Nobel có lượng bán thua xa các tiểu thuyết tình yêu Trung Quốc, nhưng thực tế, ở nhiều nước khác sách Nobel cũng bán ế chứ không riêng gì Việt Nam.

- Tôi thấy sách Trung Quốc bán chạy ở Việt Nam là có lý, bởi suy nghĩ, tâm lý tình cảm trong sách Trung Quốc rất gần với người Việt Nam.

* Nhưng chẳng lẽ, sách Nobel khó đọc đến thế, thưa anh?

- Có ví dụ này hơi sáo mòn nhưng cũng phải nói lại. Hoa hậu Thế giới là cô gái đẹp nhất người ta chọn ra trong hàng tỉ phụ nữ, nhưng có thể có người vẫn thấy xấu. Nobel không phải là một giá trị bất biến, cũng không phải là một khuôn mẫu về văn học, buộc người ta phải đọc. Việc đọc và cảm thụ văn hóa là một việc làm cá nhân.

Chưa kể, tôi còn có nghi vấn là các giải Nobel bao giờ cũng có khía cạnh chính trị. Phải đặt câu hỏi tại sao năm nay người ta lại chọn một nhà văn Ai Cập, năm sau lại một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù có thể trước đó, những nhà văn này chưa bao giờ có sách bán chạy một cách tử tế. 



Độc giả xem và mua sách trong Ngày Văn học châu Âu.

 10 năm nữa sẽ có con mắt công bằng hơn?

* Quay lại chuyện phê phán dịch thuật gần đây trên báo chí. Nhưng, điều tôi muốn nói là, độc giả khen hoặc chê là còn… may mắn chán, có một việc khiến dịch giả đau lòng hơn cơ, đó là: độc giả không thèm đọc tác phẩm.

- Về mặt lý thuyết, gây dư luận còn hơn là chìm nghỉm. Được đem ra bàn luận, kể cả khen lẫn chê, còn hơn là người ta không biết mình là ai cả. Nhưng trên thực tế, tác phẩm khi đưa ra thị trường mà bị chê thì… Người làm việc về chữ nghĩa rất mẫn cảm.

Tôi phải nói rằng, phê bình, khen-chê ở ta rất duy cảm. Tôi không biết mọi người có mếch lòng hay không nhưng người Việt Nam có tâm lý chạy theo đám đông rất rõ rệt. Thấy người khác mua xe màu ốc bươu thì mình cũng mua, mặc dù nó đắt hơn cái xe màu đỏ đến 2 chỉ vàng. Xét riêng về mặt văn hóa thì đó là một tâm lý có hại. Người ta phải chín chắn, có quan điểm văn hóa, thẩm mỹ riêng của mình và đủ dũng cảm để bảo vệ quan điểm. Tại sao tôi phải đọc cái mà ông hàng xóm đọc, nếu như nó không phải gu của tôi?

* Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, độc giả nhiều khi chưa đọc sách, nhưng cứ phê phán như thể họ nắm rõ sự yếu kém của nền dịch thuật. Chẳng hạn, có độc giả chưa đọc Lolita bản dịch của Dương Tường, nhưng tự cho đó là bản dịch dở, tuyên bố không đọc.

- Chuyện gì cũng cần sàng lọc qua thời gian. Chúng ta đang sống trong một thời buổi thị trường sách đột phát, nên người ta cần một bản lĩnh để sàng lọc giữa thóc và gạo, giữa gạo và trấu. Sau 10 năm, chúng ta nhìn lại, lúc đó sẽ có con mắt công bằng hơn. Chứ còn cứ ngồi than phiền: “Tại sao dạo này dịch thuật kém như thế?”, đó không phải là quan điểm tích cực.

Tiến sĩ Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe ở Việt Nam: “Trước khi sang Việt Nam làm việc, tôi đã đi tìm các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ở Đức để đọc, nhưng kết quả chỉ là con số không. Đến khi đã làm việc Việt Nam, tôi cũng chỉ có thể đọc một số ít tác phẩm Việt Nam qua giới thiệu của các đồng nghiệp người Việt ở Viện Goethe. Tôi mong chính phủ Việt Nam có một hạn mức, nhỏ thôi cũng được, để đào tạo một đội ngũ biên dịch giỏi. Bởi để dịch tốt một thứ tiếng thì ít nhất cũng phải sống trong bầu văn hóa đó”.


Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link