Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và câu chuyện cầu an ở Phật Quang Sơn

14/02/2017 20:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Trong những ngày đầu Xuân này, tôi có dịp sang Đài Loan để tham dự lễ hội cầu an tại Phật Quang Sơn (TP Cao Hùng). Đây là một trong những lễ hội lớn ở Đài Loan, diễn ra từ ngày 9 - 12/2 dương lịch, thu hút tới 600.000 du khách cùng đổ về” – dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.

Đầu năm mới, dư luận sôi sục về những hình ảnh không đẹp về lễ hội. Những hình ảnh đó hầu hết không nằm ở bản chất của lễ hội, mà chủ yếu là do người đời - những người thực hành hay trẩy hội gây ra. Đi lễ hội như thế nào cho đúng, cho văn hóa, văn minh? Cùng báo Điện tử Thể thao & Văn hóa chia sẻ cách trẩy hội của một số nhân vật đáng chú ý.


Khi đến Phật Quang Sơn, cảm giác thật vui vẻ. Không hề có các cảnh mời mọc mua lễ ngay từ ngoài cổng, không có ăn mày xếp hàng dài. Thong dong bước vào khu quảng trường chính, tượng Phật xa xa, đèn lồng rợp trời, một dàn tay máy khủng với đồ nghề lỉnh kỉnh đã đứng chờ sẵn. Mọi người rì rầm nói chuyện trong phấn chấn nhưng cũng không quá ồn ào. Có khu cho trẻ em chơi riêng trong lúc chờ đến 7 giờ tối bắt đầu chính thức buổi lễ.

Lễ cầu bình an năm nay ở Phật Quang Sơn cũng nhằm kỷ niệm 50 năm mở Phật Quang Sơn, kết hợp với hiệu ứng 3D lập thể và trình diễn âm thanh. Rất đông người dân và khách du lịch đã đến đây từ ban ngày, xếp hàng chật kín ở quảng trường chính, thậm chí ngồi phệt luôn xuống đất háo hức chờ đợi trong trật tự. Đâu đó có tiếng người tiếng xuýt xoa vì gió lạnh trong tiếng nhạc nhè nhẹ.

Ngồi phệt xuống đất cùng mọi người, tuy bụng bảo dạ đông nghịt như vậy không biết tình hình an ninh trật tự ra sao, có bị rạch túi hay mất trộm gì không. Nhưng nhìn quanh, thấy ai nấy đều thành tâm hướng về tượng Phật trong tâm thế rất bình thản. Tình hình an ninh rất tốt, mọi người cũng rất nhường nhịn nhau, hơn 600.000 người đổ về dự lễ đêm 11/2 nhưng không hề thấy các cảnh chen lấn xô đẩy cũng như móc túi trộm cắp.

Đúng 7 giờ tối, đèn đóm đã được tắt hết, tiếng tụng kinh đột ngột dâng cao, và ánh sáng 3D rọi chiếu lên trời cao, rọi xuống như lời chúc tốt lành từ trên trời cao gửi xuống. Tất cả không hẹn mà gặp đều cùng chắp tay cầu nguyện bình an cho gia đình và người thân. Và màn trình diễn cuối cùng với pháo bông được bắn lên rực rỡ, ai nấy đều hân hoan và rộn rã với niềm vui sống và ánh sáng vào tương lai.


Đèn lồng hình gà rực rỡ ở Phật Quang Sơn

Được biệt, chương trình “ánh sáng cầu nguyện 3D” được tổ chức 3 lần mỗi đêm vào các giờ: 19 giờ (giờ chính), 20 giờ và 20 giờ 30 phút kéo dài suốt từ ngày 9 - 12/2.

Hân hoan như những đứa trẻ, sau khi kết thúc lễ cầu bình an, chúng tôi cùng ra ngắm nhiều tiết mục trình diễn sôi nổi bên ngoài như lễ rước kiệu Phật, xem múa lân tung kẹo lộc. Cả người lớn và trẻ con tranh nhau xô đi nhặt kẹo, ai nhặt được đều hớn hở vô cùng. Nhiều người khác lại tranh thủ đi nếm thử vô số đồ chay đặc sắc trên dãy phố chay ẩm thực trong chùa. Từ già trẻ lớn bé, sư sãi đều vô cùng vui vẻ nhưng trật tự xếp hàng chọn món. Dãy phố ẩm thực dài thật dài, dẫu nếm mỗi hàng một chút thì có nếm được vài ba món đã đủ no.

Vệ sinh trên dãy phố này thật đáng khen, không có tình trạng vứt rác bừa bãi. Mọi người dân đều có ý thức dọn đồ thừa vào các thùng rác bên đường. Dọc hai bên phố liên tục có đèn chăng rực rỡ cùng nhiều mô hình các con vật với đèn đóm sáng trưng thật vui mắt. Nam thanh nữ tú, kể cả các ông già bà cả đều vui vẻ đứng chụp vài kiểu lưu niệm. Đi chùa đầu năm cầu bình an vừa thanh thản vừa vui vẻ lạ lùng. Nhiều khi những niềm vui nho nhỏ chỉ vậy mà thôi.


Lễ rước kiệu Phật ở Phật Quang Sơn

Nhiều tay máy đến từ chiều chiếm chỗ

Du khách tranh thủ trước buổi lễ

Người già cũng tự sướng tại chùa

Phật Quang Sơn được mệnh danh là “kinh đô Phật giáo xứ Đài Nam”, nằm ở khu vực Đông Bắc của làng Đại Thọ - TP.Cao Hùng - Đài Loan (Trung Quốc). Quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ này do Pháp sư Tinh Vân - một bậc danh tăng ở thế kỉ 20 lãnh đạo các chúng đệ tử sáng lập vào năm 1967. Từ sự đóng góp của các phật tử, giữa hoang sơ, Phật Quang Sơn ngày nay đã trở thành một thánh địa Phật giáo.

Sau khi Phật Quang Sơn vang danh tại Đài Loan và Trung Hoa đại lục, đại sư Tinh Vân đã nhường chức trụ trì cho các đệ tử và đi chu du khắp nơi, truyền đạo. Vì vậy, Phật Quang Sơn có đến 200 chi nhánh trên thế giới, trong số đó có các đạo tràng quy mô, uy nghiêm không kém, như: Tây Lai tự (Mỹ), Nam Thiên tự (Úc), Nam Hoa tự (châu Phi)…

Đến với Phật Quang Sơn, bạn sẽ phải sững sờ với sự hùng vĩ và đồ sộ của các công trình nơi đây. Với hơn 20 tòa điện, lầu, đường trang nghiêm, Phật Quang Sơn là nơi hội tụ rất đảo tín đồ Phật giáo. Pho tượng Phật sừng sững, nổi bật với nụ cười hiền từ trên nền trời xanh.

Đây là pho tượng đồng cao nhất thế giới hiện nay với chiều cao lên đến 108m. Hai hàng bảo tháp như làm nên hai bức tường thành che chở cho con đường đến với tượng Phật. Phật Quang Sơn là nơi sở hữu hàng ngàn pho tượng Phật dát vàng quý giá. Đặc biệt, đến với Phật Quang Sơn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng 100 vạn bản Tâm Kinh do hàng trăm người sao chép tay. Báu vật trân quý cốt lõi của Kỷ Niệm Quán Phật Đà, chính là xá lợi răng Phật hiếm có trên đời.

Theo kinh điển ghi chép, sau khi đức Phật nhập niết bàn, xá lợi răng Phật chỉ lưu lại có ba chiếc, một chiếc tại Phật Quang Sơn, hiện nay đem tôn trí trong điện Phật Ngọc - Kỷ Niệm Quán Phật Đà, để tín chúng cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ bái và đã trở thành trọng điểm cho hàng ngàn tín chúng.

Trạc Tuyền (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link