01/07/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
LTS: Nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam), nguyên Tổng biên tập báo Tiền phong, vẫn được coi là “ông trùm hoa hậu” vì ông là người khởi xướng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 và đã có nhiều năm ngồi ghế “Trưởng ban tổ chức” cuộc thi này. Ông vẫn thường kể lại những câu chuyện thú vị về “hậu trường” của cuộc thi, và sau đây là chuyện về chiếc vương miện.
Nhiều nhà báo hỏi tôi về những chiếc vương miện của hoa hậu Việt Nam xuất xứ từ đâu, chiếc vương miện mà ông trao cho hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất Bùi Bích Phương năm 1988 có phải mua ở phố Hàng Đào (Hà Nội) không? Chiếc vương miện trao cho hoa hậu nào đắt nhất, giá trị văn hóa ở những chiếc vương miện như thế nào?
Đúng là chiếc vương miện trao cho hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất Bùi Bích Phương mua ở phố Hàng Đào, nhưng sản xuất ở Hong Kong (Trung Quốc); Còn về sau chúng tôi thường mua ở chợ Bến Thành do Thái Lan sản xuất.
Chiếc vương miện trao cho hoa hậu Việt Nam năm 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên (luân lưu) chính là chiếc vương miện do chính người Việt Nam làm và cũng là chiếc vương miện hoa hậu có một không hai.
Tôi đã gặp và trò chuyện với ông chủ của chiếc vương miện hoa hậu đạt hai kỷ lục Guinness Việt Nam, được định giá trên 2,5 tỷ đồng. Thật không ngờ lại là một người trẻ tuổi, đẹp trai, nhã nhặn và cởi mở, có nhiều kiến giải thú vị về văn hóa về cuộc sống hiện nay.
Ông nói rằng, chiếc vương miện mà ông trao cho hoa hậu Việt Nam 2014, thực ra là vô giá vì đó là tâm huyết của vợ chồng ông. Chiếc vương miện với 1.000 viên kim cương, 1 ký lô gam vàng và đặc biệt có 18 viên ngọc trai tự nhiên quý hiếm, trong đó có hai viên ngọc trai được sách kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục là viên ngọc trai tự nhiên lớn nhất và viên ngọc trai có hình trống đồng lớn nhất.
“Bao nhiêu là tâm huyết vợ chồng tôi gửi vào chiếc vương miện, làm sao để chiếc vương miện hoa hậu Việt Nam không chỉ có giá trị kinh tế mà nó còn có giá trị về văn hóa, nghệ thuật. Tôi kết hợp hình ảnh hoa sen và trống đồng của Việt Nam để chế tác chiếc vương miện ý nghĩa này…” - ông tâm sự.
Ông chủ ngọc trai Hoàng Gia Hồ Thanh Tuấn, chủ chiếc vương miện hoa hậu có một không hai sinh tại Sóc Trăng, trong một gia đình bố làm ruộng, mẹ tảo tần buôn bán nhỏ. Ông kể rằng, bố ông là Hồ Thanh Tùng, rất hiền, mẹ ông, bà Trần Ngọc Truyền rất đảm đang. Gia đình ông có bốn người con đều thành đạt và hiếu thuận với bố mẹ, họ hàng, được mọi người trong làng, trong xã yêu mến. Hồ Thanh Tuấn là con thứ hai.
Từ nhỏ, mẹ ông dạy con rất nghiêm khắc. Lên một tuổi vẫn chưa được ra khỏi làng. Quần áo mặc thường là đồ cũ. Triết lý dạy con của bà là luôn để cho các con “thiếu một chút”. Bữa cơm, cho các con ăn “thiếu một chút”, quần áo mặc hàng ngày cũng “thiếu một chút”, chứ không cho các con thích gì mặc nấy. Không để các con thiếu thốn, đói ăn, quá thua kém bạn bè trang lứa…, nhưng, cũng không để các con thấy đầy đủ quá, để các con khi lớn lên còn biết cách phấn đấu, biết cách vượt lên, biết rằng cuộc sống không dễ dàng gì! Để từ đó mà chăm học chăm làm, chăm chỉ trong cuộc sống hàng ngày…
Vợ chồng Hồ Thanh Tuấn có hai người con trai là Hồ Thanh Tân sinh năm 2001 và Hồ Thanh Tú sinh năm 2005. Cả hai đều học giỏi, ngoan ngoãn. Điều mà vợ chồng ông chủ ngọc trai Hoàng Gia tâm đắc là các con mình tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, buổi đầu đã biết cách chủ động trong cuộc sống hàng ngày, sống tình cảm và rất yêu thương bố mẹ, ông bà.
Chính Hồ Thanh Tuấn tâm sự rằng, khi đi công tác nước ngoài, đến các nước được coi là văn minh, phát triển, vợ chồng ông ngoài công việc còn luôn chủ động tìm kiếm sách vở nói về nuôi dạy con ngoan. “Mình tìm hiểu và học hỏi cách thức sống có văn hóa trong gia đình, cách thức dạy con của người ta, không phải là để áp dụng máy móc vào nhà mình. Học, lắng nghe và chọn lọc những cái gì phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, phù hợp với mình thì mình áp dụng. Như lối sống tự do chẳng hạn, ở Việt Nam ta hiểu khác, sống khác, không thể tự do để các con mình thích gì thì làm…” - Hồ Thanh Tuấn nói.
Hồ Thanh Tuấn thường lấy những bài học trong cuộc đời mình để giáo dục các con.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ngành Công nghệ viễn thông, Hồ Thanh Tuấn tham gia dự án về công nghệ thông tin cho một công ty nước ngoài trong việc nuôi trồng ngọc trai. Từ đó Hồ Thanh Tuấn phát hiện ra rằng, ở mỗi nước, mỗi miền chỉ có những thứ ngọc trai nào đó, nhưng đặc biệt ở Việt Nam có tất cả các loại ngọc trai. Ở Việt Nam có thể nuôi trồng, phát triển được tất cả các loại ngọc trai trên thế giới có. Phát hiện thú vị này đã làm nảy sinh ý định nuôi trồng, chế biến các loại ngọc trai ở nước ta.
Rồi Hồ Thanh Tuấn được tuyển chọn vào một công ty của Pháp nuôi trai lấy ngọc.
Đó là thời gian Hồ Thanh Tuấn vừa làm, vừa học hỏi về kiến thức, kinh nghiệm của một nước có truyền thống lâu đời về lĩnh vực ngọc trai.
Hồ Thanh Tuấn nhận thấy các cơ sở sản xuất nuôi trồng ngọc trai của công ty đặt ở châu Phi, kinh phí phải trả khá cao. Ở đó mỗi tháng phải trả lương cho một công nhân là 2.000 USD, còn ở Việt Nam mỗi tháng chỉ phải trả lương cho mỗi công nhân 200 USD. Đề xuất của Hồ Thanh Tuấn là chuyển các cơ sở nuôi trồng, chế tác từ châu Phi về Việt Nam đã được công ty mẹ chấp thuận và cở sở nuôi ngọc trai đầu tiên ra đời ở Việt Nam.
Năm 2007, thị trường ngọc trai ở Pháp gặp nhiều khó khăn, công ty mẹ thu hẹp sản xuất và đó cũng là lúc Hồ Thanh Tuấn quyết định tự mình mở công ty nuôi trồng và chế tác ngọc trai ở trong nước.
Qua 6 năm vừa làm, vừa học hỏi ở Pháp, Hồ Thanh Tuấn đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức và công ty ngọc trai Hoàng Gia của Hồ Thanh Tuấn đã ra đời và phát triển, 12 loại sản phẩm ngọc trai của công ty được người Việt và người nước ngoài ưa chuộng.
“Tôi luôn nghĩ về bài học “thiếu một chút” mà mẹ tôi đã dạy. Chính vì điều này mà thời gian qua, tôi luôn cảm thấy mình phải học, phải làm, phải phấn đấu để bù lại phần “thiếu” đó. Thiếu kiến thức thì học thêm về kiến thức, thiếu kinh nghiệm thì học thêm về kinh nghiệm, thiếu kinh phí thì tìm cách tạo nguồn kinh phí... Bài học mà tôi đã trải qua, tôi thấy thấm thía và đó là điều tôi đã dạy các con mình, dạy bằng chính những điều mình trải qua …” - Hồ Thanh Tuấn trải lòng.
Hồ Thanh Tuấn luôn cho rằng đối với một doanh nhân vấn đề văn hóa kinh doanh và văn hóa nói chung rất quan trọng. Quan niệm hạnh phúc là sự hài hòa. Hạnh phúc không phải là khi có được tất cả mà là khi phấn đấu để bù đắp những gì mà mình còn thiếu. Hạnh phúc không phải là khi anh đến đích mà là trên đường để đến đích. Hồ Thanh Tuấn cho rằng, làm kinh doanh là phải có lãi, nhưng không phải là duy nhất. Tuy là doanh nhân, nhưng tiền không phải là trên hết. Trên hết là xây dựng một gia đình thực sự có văn hóa, một gia đình phát triển hài hòa, một gia đình hạnh phúc.
Chính vì điều này mà vợ chồng Hồ Thanh Tuấn đã quyết tâm làm nên chiếc vương miện hoa hậu có một không hai, để minh chứng rằng người Việt Nam chúng ta cũng có những sản phẩm văn hóa độc đáo, mang nhiều ý nghĩa hiện đại không thua kém gì những nước văn minh, phát triển…
“Tôi luôn nghĩ về bài học “thiếu một chút” mà mẹ tôi đã dạy. Chính vì điều này mà thời gian qua, tôi luôn cảm thấy mình phải học, phải làm, phải phấn đấu để bù lại phần “thiếu” đó” (Hồ Thanh Tuấn). |
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất