27/09/2016 21:28 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Đà Lạt, một thời hương xa (Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975) của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa phát hành là một góc nhìn vừa phổ quát vừa khá riêng biệt về Đà Lạt. Đây cũng là một trong số ít sách nghiên cứu về Đà Lạt, dù thành phố này đã quá nổi tiếng và quá thân thuộc. Vì sao Nguyễn Vĩnh Nguyên dành nhiều công phu cho Đà Lạt là câu hỏi mà bất kỳ độc giả nào cũng muốn nghe câu trả lời.
Đọc sách này, độc giả dường như được trò chuyện với Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Bạt Tụy, Phạm Công Thiện, Lê Uyên Phương, Hoàng Nguyên, Đinh Cường, Linda Lê…* Ngoài cái duyên gắn bó, ngoài thưa vắng sách vở nghiên cứu trước đây, anh "nợ" Đà Lạt những điều gì mà phải viết sách này?
- Tôi chẳng nghiêm trọng lắm trong chuyện viết, nên tự thấy không nợ gì cả. Tôi thuộc thế hệ hậu chiến có may mắn gắn bó với Đà Lạt, dù ngắn ngủi. Thời sinh viên ở Đại học Đà Lạt, tôi được ngồi học ở trong những giảng đường xây dựng từ cuối thập niên 1950, nơi từng là không gian văn hóa - giáo dục khai phóng, sáng tạo, tự trị học thuật trong quá khứ - Viện Đại học Đà Lạt.
Nơi đó, những nhân vật lớn của văn hóa miền Nam như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Khắc Dương, Đỗ Long Vân, Nguyễn Văn Trung hay Trần Thái Đỉnh… từng ghé qua, truyền trao tri thức, niềm đam mê học thuật cho một thế hệ vàng của miền Nam có nhiều đóng góp văn hóa về sau (cả cho đến ngày nay) như Trần Trọng Thức, Huỳnh Phan Anh, Diệu Hương, Nguyễn Thuyên, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thùy Nhân... Tôi nhiều lần nhìn những vết tích của các giảng đường cũ và tự hỏi, làm sao tái hiện, nối kết hiện tại bạc màu này với một quá khứ vàng son đã chìm khuất bởi bụi thời gian và những định kiến?...
Tôi cũng từng có những ngày thất nghiệp đói meo ngồi ở cà phê Tùng nhìn mưa thuở Đà Lạt còn tương đối yên bình và tự hỏi, những Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn hay Đinh Cường… cũng có tuổi 20 băn khoăn ở đây, họ ngồi chính chỗ ngồi này nhưng “cảm thức nhìn mưa” trong bối cảnh văn hóa của tuổi trẻ những năm đầu thập niên 1960 từ điểm nhìn này chắc sẽ khác? Khác ra sao?... Và tôi làm một cuộc viễn du vào vùng trí quyển văn hóa đô thị của thời hoàng kim để tìm kiếm những câu trả lời, trước hết là cho mình.
* Qua cuốn sách, Đà Lạt ngày trước và sau này (cột mốc 1975 chẳng hạn) có những gì khác biệt, được mất?
- Cuốn sách không giải quyết vấn đề so sánh trực tiếp thực tế đô thị Đà Lạt trước và sau 1975 mà chỉ đi vào những hiện tượng văn hóa, nhân vật, sự kiện với tôi là tiêu biểu (giai đoạn 1954 - 1975) thông qua thao tác kết nối tư liệu, ghi chép và phân tích. Cái khác biệt về căn bản, có lẽ mỗi người đọc sẽ tự nhận ra sau khi đọc sách. Tôi muốn cuốn sách là một hành trình mang tính gợi mở và để dành câu trả lời thấu đáo nhất cho độc giả của mình.
Bìa cuốn sách “Đà Lạt, một thời hương xa”
* Vì sao Đà Lạt hay như thế mà lâu nay thưa vắng sách vở? Có cái gì cấm kị, e ngại...?
- Về biên khảo, nghiên cứu đô thị học, Đà Lạt không nằm ngoài các vấn đề phức tạp chung của đô thị miền Nam trước 1975. Nhưng tôi nghĩ một phần khác nằm ở chỗ vai trò địa chính trị và văn hóa Đà Lạt từ sau 1975 không còn ở “đỉnh cao” (từ dùng của Eric T. Jennings - nhà nghiên cứu Canada trong cuốn Đỉnh cao đế quốc) như thời thực dân, thời hoàng triều cương thổ và Việt Nam cộng hòa, nên ít người chịu quan tâm đến.
Người ta thích cảm giác ngắm nhìn, thụ hưởng khung cảnh đô thị đó bằng thị giác hơn là để những giá trị thâm trầm của nó xâm chiếm tâm trí của mình, biến mình thành một kẻ bị lưu đày trong nó. Thứ mỹ cảm bề mặt cho thành phố này nhiều du khách và cư dân mới nhưng cũng đồng thời đem đến những thỏa mãn chung chung, dễ đạt được.
* Viết xong cuốn sách, tâm hồn/linh hồn Đà Lạt theo anh là gì?
- Tôi không coi cuốn sách là một tổng kết. Cuộc tri hành, đi vào tâm hồn đô thị Đà Lạt hãy còn dài ngày. Tôi chưa thể cho phép mình khái quát gì vào lúc này.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất