Hàng vạn người trẩy hội Cổ Loa, Đền Sóc

01/02/2009 03:20 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 31/1 (tức mùng 6 tháng Giêng Kỷ Sửu), trong tiết xuân ấm áp, lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh) và lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã chính thức khai mạc theo nghi lễ truyền thống.

Lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn

Trước giờ khai hội, hàng ngàn người dân khu vực xã Cổ Loa và vùng lân cận đã tham gia lễ tế “bát xã” (gồm: Cổ Loa, Thư Cưu, Mạch Tràng, Cầu Cả, Sằn, Đài Bi, Văn Thượng, Ngoại Sát), rước kiệu, bài vị, hương án, hướng về đền Thượng-trung tâm của Loa Thành, dâng hương tưởng nhớ vua An Dương Vương.

Năm nay, nhiều xã đã đầu tư trang phục, kiệu rước mới khiến lễ rước càng thêm trang trọng, lòng người thêm phấn chấn. Hội Cổ Loa được huyện Đông Anh đầu tư tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao với tinh thần “cây nhà lá vườn”, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia như: vật dân tộc, bóng chuyền, thi đấu cờ người, hát quan họ trên Giếng Ngọc, hát tuồng của xã Cổ Loa và Xuân Nộn, rối nước Đào Thục.

Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian: chọi gà, thi đu, ném còn, kéo lửa thổi cơm,... Năm nay, hội thi bắn nỏ Loa Thành với sự tham gia của 120 thanh niên được tổ chức từ ngày mùng 5 Tết cùng với Hội khỏe thanh niên huyện.

Ban tổ chức đã duy trì 26 chốt an ninh, tổ chức 4 đội tuần tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời không để ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan tại các hàng quán; Đồng thời bố trí lực lượng thường xuyên thu dọn rác, vệ sinh môi trường trong khu vực. Các hoạt động trò chơi mang tính cờ bạc như cò quay, cua cá…bị dẹp bỏ.

Sáng sớm cùng ngày, tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), hàng vạn người dân quanh vùng và khách thập phương đã dồn về chân núi Sóc dự lễ khai hội đền Sóc (diễn ra trong 3 ngày 6, 7 và 8 tháng Giêng âm lịch).

Theo truyền thống, nhân dân 6 xã quanh khu vực đền Sóc làm lễ rước hương hoa, oản phẩm, trầu cau, voi chiến, giò hoa tre, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc…, thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng với Thánh Gióng và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc.

Điều đặc biệt nhất ở lễ hội đượm tính huyền thoại này là lễ dâng giò hoa tre, với những thanh tre cật vót mỏng, đầu tuốt bông nhuộm phẩm màu, tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được người Phù Linh dâng lễ ở đền Thượng, rước xuống đền Hạ rồi mới phát cho bà con và du khách. Người có được hoa tre là người có lộc may mắn đầu xuân nên ai cùng muốn có.

Hội đền Sóc có nhiều hoạt động văn hoá như: vật cổ truyền, thi đu, đập niêu đất, bắt vịt... Vài năm nay gần đây, lượng khách thập phương về dự hội đền Sóc tăng hơn trước, bởi nhiều người muốn nhân dịp này vãn cảnh núi Sóc, chùa Non, tham quan khu Học viện Phật giáo, công trình tượng đài Thánh Gióng.
 
Theo VietNamPlus

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link