Hát xẩm - có nên thuận theo tự nhiên?

25/01/2013 11:49 GMT+7 | Văn hoá

Mấy ngày gần đây, những nghệ sĩ và người yêu chuộng nghệ thuật hát xẩm tỏ ra hoang mang trước thông tin về sức khỏe của nghệ nhân hát xẩm 92 tuổi Hà Thị Cầu. Người ta lo lắng rằng, nếu nghệ nhân dân gian cuối cùng này ra đi, hát xẩm Việt Nam sẽ ra sao, và thế hệ sau liệu có kiên trì dùng tâm và tài để duy trì lối hát độc đáo này? Phải chăng công chúng đã lo lắng thái quá đối với sức sống của một hình thái nghệ thuật xuất phát từ dân gian?

Nghệ thuật có thời

Người dân Hà Nội những năm 80 hẳn không quên hình ảnh những người hát xẩm mù lòa trên những chuyến tàu điện, tàu nhanh, trước cửa các ga tàu hay các rạp hát. Chiếc gậy mòn vẹt và cây đàn cũ kỹ, giọng hát khê đặc, liêu trai và bóng những người hát xẩm rong mù lòa xiêu vẹo trên sân ga một thời, từng là những ký ức khó quên của nhiều sinh viên miền Bắc học tập tại Hà Nội.

Cho đến thời điểm đó, hát xẩm vẫn được coi là một nghề kiếm cơm của một lớp người nghèo khổ trong xã hội. Thời kỳ khó khăn đó, người ta không có nhiều lựa chọn cho những loại hình xướng ca cao cấp trong các nhà hát, nên hát xẩm trở thành một sinh hoạt ca hát bình dân, phù hợp với đại bộ phận dân chúng nghèo khó và nhiều suy tư, trăn trở trước cuộc đời.

Những năm 80, 90 hát xẩm không chỉ thịnh hành ở nhiều thành phố lớn miền Bắc, mà phổ biến ở khắp các tỉnh thành Bắc Bộ, đây là thời kỳ của những gánh xiếc rong, gánh hát xẩm và những gánh tạp kỹ tha phương lấy chút tài mọn làm kế sinh nhai. Hát xẩm tàu điện trở thành một nét văn hóa Hà Nội thời bao cấp và còn được duy trì cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, cho đến khi Hà Nội chấm dứt hoạt động tàu điện.


Cụ Hà Thị Cầu một nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng của Việt Nam.

Người hát xẩm vốn là những người có số phận không mấy may mắn, thấu hiểu nhân tình thế thái qua từng chặng đường tha phương mưu sinh, khiến họ trở nên đa cảm hơn bao giờ hết. Sự đa cảm ấy được dốc hết vào câu hát, khiến cho cả người hát và người nghe đều ngậm ngùi đồng cảm cho thân phận mình, thân phận người. Hát xẩm vốn xuất phát từ dân gian, đã trở nên dân gian, thấm thía và sâu sắc hơn bao giờ hết ở thời điểm ấy, thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng khoảng cách giữa người với người không quá xa như bây giờ. Có lẽ, hát xẩm gắn liền với tha phương và mưu sinh... mới bộc lộ đầy đủ nhất những tài hoa về âm nhạc và những sâu sắc về văn học của loại hình nghệ thuật này.

Và nghệ thuật chính là sống mãi trong lòng công chúng

Khi kinh tế bớt khó khăn, các loại hình xướng ca khác dần trở nên phổ biến thì những gánh hát xẩm rong cũng dần vắng bóng. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa dân gian cũng được chú trọng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Những người làm văn hóa hối hả tìm lại những nghệ nhân một thời, hối hả tìm lại tài liệu, thư tịch cũ, hối hả lên phương án bảo tồn, phát huy... nhằm làm sống lại tinh hoa của một thời vang bóng.

Và nghệ nhân Hà Thị Cầu là một phát hiện may mắn hiếm hoi trong sự hối hả ấy, bà được coi là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Dưới sự chỉ dạy của bà, nhiều lớp đào nương thế hệ sau đã trưởng thành và tiếp tục duy trì nghệ thuật hát xẩm. Nhà hát chèo Ninh Bình cùng với Cục Di sản - Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đang gấp rút tiến hành các hoạt động bảo tồn, phát huy và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận hát xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Một trong những hoạt động Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng tiến hành nhiều hoạt động nhằm tái hiện không gian Hà Nội xưa như trình diễn những canh hát xẩm đêm trước chợ Đồng Xuân...

Trên báo chí, thỉnh thoảng lại xuất hiện những cái tên của một thời vang bóng hay những cái tên mới đầy triển vọng cho nghệ thuật hát xẩm. Các tên tuổi nổi tiếng làng chèo, ca cải lương cũng tham gia sản xuất các đĩa CD hát xẩm...

Khi nghệ thuật “một thời vang bóng” được diễn xướng dưới hình thức bảo tàng hay sân khấu, có lẽ nó đã mất đi nhiều cái luyến láy, thâm trầm và tài hoa so với khi còn là một hình thức diễn xướng mưu sinh. Những cố gắng phục dựng nhiều loại hình diễn xướng dân gian của những nhà văn hóa rất đáng trân trọng nhưng có lẽ không nên khiên cưỡng, gò ép quá và càng không nên đặt trọng trách quá lớn lên vai thế hệ sau.

Nghệ thuật giống như mỹ nhân, tự mỹ nhân hoặc công chúng mới có khả năng làm cho nhan sắc của mình mặn mà mãi với thời gian. Có những người đã nằm sâu dưới ba tấc đất nhưng tấm bia vinh danh và ký ức về họ vẫn sống mãi trong lòng công chúng. Nền văn minh Maya không còn hiện hữu nhưng cả thế giới biết về nó và đang kế thừa. Nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng không tránh khỏi quy luật luân hồi của tự nhiên, nên nghệ thuật của bà, nghệ thuật của nhân dân, có lẽ cũng nên trả về cho nhân dân, để nó được hít thở tự do trong bầu không khí dân gian.

Theo Châu Nguyễn
Sức khỏe & đời sống

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link