Học múa yosakoi để tập… mỉm cười!

11/05/2010 10:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không có hoa anh đào thật để chiêm ngưỡng, nhưng Lễ hội satsuki (tiếng Nhật nghĩa là Tháng Năm vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ) vẫn có cả nghìn khách đến tham quan, với đủ mọi đối tượng, nhưng nhiều nhất là giới trẻ. Họ rất hứng thú với các gian hàng trò chơi và ẩm thực được mang trực tiếp từ Nhật Bản sang. Và đặc biệt, sự xuất hiện của 4 đội múa yosakoi Nhật Bản và 7 đội VN đã tạo nên sự sôi động và cuốn hút khán giả từ sáng đến 11h đêm.

Hòa mình với nụ cười yosakoi!

Trong suốt 2 ngày diễn ra lễ hội Lễ hội Satsuki sự xuất hiện của 4 đội múa yosakoi: Hanajuku Yosakoi Ren, Kokushimuso, SeaBlue, Maika, với gần 100 nghệ sĩ đến từ đất nước mặt trời mọc cùng 7 đội múa yosakoi VN: Hanoi Super Yosakoi, ĐH KHXH&NV, FPT, Trung tâm Nhật ngữ Kuki, ĐH Phương Đông, Ftu-hanu, TT Nhật ngữ Núi Trúc, với trên 300 người đã thu hút đông đảo giới trẻ đến tham dự, cổ vũ.


Một màn biểu diễn múa yosakoi của nhóm Nguyễn Quỳnh Trang
Nguyễn Quỳnh Trang (cựu sinh viên khoa Sinh - ĐHQG Hà Nội) - đội trưởng Hanoi Super Yosakoi, đồng thời phụ trách 7 đội múa yosakoi phía VN cho biết: "Tôi thấy lễ hội năm nay dễ chịu và vui vẻ vừa đủ, người biểu diễn có thể thoải mái thể hiện những điệu nhảy, khán giả tự do gặp gỡ trò chuyện với bạn bè mà không bị chen lấn, xô đẩy’’.

Còn Chung - một sinh viên - thích thú: “Đây là lần đầu tiên em được xem yosakoi truyền thống của Nhật Bản. Thật tuyệt vời!”.

Từ năm 1954, điệu múa này bắt đầu xuất hiện tại thành phố Kochi (Nhật Bản). Lần đầu tiên thấy kiểu múa mới lạ này, rất nhiều người đã gọi nó là kỳ quái, nhưng sau một thời gian ngắn, thì mọi người rất hào hứng, thả hồn vào điệu nhạc. Đến năm 2005, múa yosakoi đã phổ biến khắp nước Nhật với phong cách mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực, với những bước nhảy truyền thống trên nền nhạc hiện đại, sôi nổi, mạnh mẽ. Nhạc nền của yosakoi được tự do sáng tạo dựa trên bài hát có tên là Yosakoi Naruko Dancing của Takemasa Eisaku.

Đến với lễ hội, người xem có thể dễ dàng hòa mình và cười vui với nhiều điệu yosakoi vừa truyền thống vừa hiện đại của Nhật Bản. Truyền thống vì đây là điệu múa của vùng Kochi (Yosakoi theo tiếng địa phương của vùng Kochi này nghĩa là Đêm này mời bạn đến).


Ai cũng có thể tham gia múa yosakoi, bất kể tuổi tác hay giới tính. Những động tác trong yosakoi khá ngộ ngĩnh bởi mô phỏng hoạt động của người lao động như cày, cuốc... Thực chất, có thể thấy yosakoi không phải là một điệu múa truyền thống quá lâu đời. Nhưng trong những năm gần đây, sự phát triển rộng khắp và số lượng người tham gia đã cho thấy sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này. Yosakoi đã trở thành hình thức nghệ thuật không thể thiếu trong các lễ hội ở Nhật Bản

Tự lập nhóm để truyền dạy yosakoi

Còn ở VN, múa yosakoi được du nhập từ năm 2007 và để lại ấn tượng sâu sắc với giới trẻ trong Lễ hội hoa anh đào. Hiện nay, điệu múa hấp dẫn này đang “làm mưa làm gió với hàng ngàn fan hâm mộ và hơn 300 ‘’nghệ sĩ’’.

Tại sao yosakoi lại có thể phát triển đến như vậy? Theo Nguyễn Quỳnh Trang, vì thứ nhất, tuy được gọi là múa, nhưng những động tác trong yosakoi không phải chỉ có những động tác mềm dẻo mà còn có những động tác cần sự dẻo dai, khỏe mạnh gần giống với các động tác trong các môn võ, trong dance sport, aerobic,... thậm chí là hiphop. Thứ hai, yosakoi trở nên phổ biến vì tính cộng đồng của nó. Không bao giờ tìm thấy một đội yosakoi có dưới 10 người... mà thông thường có khoảng trên 30 người (ở lễ hội Koichi tối đa là 150 người) và nếu không đặt số lượng ở “max”, thì số người tham gia còn lớn hơn nữa!


Nguyễn Quỳnh Trang và trang phục Yosakoi
Cũng theo Nguyễn Quỳnh Trang, học múa yosakoi vừa khó, vừa không khó. Khó vì đây là điệu múa mới, xem qua băng sẽ không hiểu mà phải có người dạy. Trước đây, cô giáo Nanađến từ Nhật Bản đã sang và dạy múa cho 7 đội. Một năm trở lại đây, phong trào múa yosakoi phát triển mạnh, nên cô không sang nữa, Trang và nhiều bạn tâm huyết đã lập ra các nhóm để truyền dạy múa yosakoi cho những bạn trẻ yêu thích.

Bạn có thể tham gia múa yosakoi một cách dễ dàng, nhưng tất nhiên, để biểu diễn được trong các lễ hội, thì lại không đơn giản. Các “nghệ sĩ’’ phải mất nhiều thời gian tập mới có thể nhảy được, biểu diễn được. Hãy tưởng tượng, với 50 người biểu diễn cùng một động tác, chỉ một người có động tác sai sẽ rất dễ bị phát hiện. Và để 50 người/ 1 bài múa đều tăm tắp, đủ để khán giả phải trầm trồ thán phục thì phải tập luyện rất nhiều. Vì yosakoi có nhiều phần, mỗi phần lại có những động tác múa với lắc naruko bằng gỗ và trang phục hapi màu sắc khác nhau. Cho nên, thuộc và thể hiện đúng phần trích đoạn múa của mình thì các “nghệ sĩ” sinh viên VN phải tập trong mấy tháng.

Nguyên tắc “nụ cười”

Theo Trang, điểm độc đáo nhất của múa yosakoi là nụ cười: Một nụ cười thật tươi, thật rạng ngời xuyên suốt bài múa chứ không gượng gạo, đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Đó có thể nói là một nét rất Nhật bởi người Nhật rất coi trọng nụ cười và thực sự họ cười rất đẹp... Khi tham gia lễ hội yosakoi, bạn sẽ thấy các vũ công rất “hạnh phúc” trong điệu múa. Họ cười thoải mái ngay khi chưa múa và trong khi múa, cả những cái lắc hông, nghiêng đầu, bước lên trước rất nhịp nhàng, duyên dáng cũng ẩn chứa niềm hạnh phúc vô bờ.

"Ai lại không cười khi nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc đến nhường ấy”- Trang tâm sự: "cô giáo người Nhật Nana - người dạy múa cho đội của em và các đội yosakoi khác năm trước đã để lại ấn tượng rất sâu sắc bằng gương mặt luôn luôn cười tươi..."

Được cười thoải mái với bạn bè khi hòa mình trong điệu múa sôi động, Trang đã có nhiều kỷ niệm khó quên đó. Đến với Lễ hội hoa anh đào lần đầu tiên từ năm 2007, ngay lập tức Trang đã mê điệu múa yosakoi này và tham gia vào đội Hanoi Super Yosakoi. Đến nay, Hanoi Super Yosakoi do Trang phụ trách đang là “đầu tàu” của teen Hà Nội với hơn 160 "nghệ sĩ".

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link