15/02/2018 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - GS.TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, trao đổi với báo Thể thao & Văn hóa - TTXVN).
* Theo lịch một số nước “đồng văn” phương Đông, năm Tuất là năm thuộc con Chó. Được biết GS là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu truyền thuyết người Việt – mà một số chuyên khảo đã được in trong sách “Văn học dân gian người Việt, góc nhìn thể loại” (2006, sách đã được Giải thưởng Nhà nước năm 2012). Vậy GS có thể cho biết vài nét về phong tục có liên quan đến Chó trong lịch sử dân tộc?
- Trước hết, cần khảo sát phần văn hóa vật thể. Đó là một số di tích thực địa hiện còn. Cụ thể:
1) Bệ thờ Chó đá ở thôn Phù Trung xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng Hà Nội, có bát hương, dân địa phương thường gọi chó đá là quan Hoàng Thạch (ý nói Chó đá là Thần hoàng – theo cách gọi của Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, tức là thần thành hoàng làng) Ngày rằm, mồng một, dân đều thắp nhang cúng bái cầu tài lộc...
2) Bệ thờ chó đá ở thôn Địch Vĩ, xã Phương Đình huyện Đan Phượng, cũng gọi quan Hoàng Thạch, có bài vị để trong đình làng với chữ Hán ghi Hạ giới Đại Vương.
Đáng chú ý là cụ từ khi khấn quan Hoàng Thạch ở bàn thờ đặt bên tả hồi trong đình thường đọc kiêng là “quan Hoàng Thạch Hạ giái đại vương” (Tức đọc Hạ Giới thành Hạ Giái).
Điều đáng chú ý nữa là chó đá ở Địch Vĩ là cả một nhóm chó lớn bằng đá xanh cao 1,40 mét, đàn chó con gồm 16 con kích cỡ không đồng đều, kiểu dáng khác nhau trông rất sinh động.
3) Bệ thờ chó đá ở thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội
Việc đặt chó đá trên bệ thờ còn thấy ở nhiều nơi, tuy nhiên phổ biến hơn vẫn là chôn chó đá ở cổng nhà, cổng làng với ý nghĩa canh giữ, trấn trạch, trừ tà...
Cách đây nhiều năm, tôi cùng PGS Trần Lâm Biền (Cục Di sản) sang khảo sát về chó đá ở Bắc Ninh, phát hiện trong kho Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu giữ rất nhiều chó đá. Đáng chú ý là nhiều chó đã có đục chữ Hán, gọi chó là thần cẩu (Chó thần). Trong số đó có Chó đá ghi rõ là Bạch tử linh thần (thần thiêng Chó trắng). “Chó trắng” có phần chắc là ghi theo lời sấm nói về Lý Công Uẩn mà một số tài liệu Hán Nôm có nói tới.
Như vậy, chỉ qua một số di tích thờ chó đá tiêu biểu hiện còn, cũng cho thấy rõ ràng tục thờ chó là có ở người Việt.
* Thế còn trong sử sách thì sao?
Sau đây chúng ta cùng xem xét phần văn hóa phi vật thể qua những huyền tích liên quan đến chó
1) Trước hết là một đoạn ghi chép trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư: “Trước ở viện Cảm Tuyền, chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp (nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh) có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ “thiên tử”. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm Thiên tử. Đến nay vua sinh năm Giáp Tuất lên làm Thiên tử quả là ứng nghiệm (Xem bản dịch NXB KHXH, 1983, tập 1, tr 241)
2) Sách Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền) soạn thời Lý Trần, mục “truyện sư Vạn Hạnh” cho biết khi Lý Công Uẩn còn giữ chức thân vệ, bấy giờ điềm lạ xuất hiện nhiều nơi như xoáy lông trên lưng con chó trắng “Viện Hàm Toại chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp, có hình chữ Thiên tử”... (Bản dịch NXB Văn học - Phân viện NC Phật học, 1990, tr 189)
3) Sách Việt sử diễn âm, sử ca Nôm thời Mạc, giữa TK 16, kể rằng Lý Công Uẩn mồ côi cha, mẹ ẵm đi ăn xin, khi đến gặp sư Lý Khánh Văn thì bỗng thấy:
Chó đồng trong cửa cắn ra
Khánh Văn mới hỏi này là sự duyên
Lão nhân ngày xưa đã truyền
Chó đồng hễ cắn thánh nhân đến nhà...
Chó đồng tức con chó đúc bằng đồng, là linh vật quý do ông cha để lại và dặn rằng khi nào chó đồng sủa ắt có thánh nhân đến nhà. Bấy giờ thấy ứng nghiệm, sư Khánh Văn bèn ẵm lấy cậu bé Công Uẩn vào nhà nuôi. Diễn ca kể nhiều điềm lành đến với ông vua khai sáng triều Lý như rồng phủ khi ngủ, rồng hiện khi định đô Thăng Long, nhưng điềm chó bơi từ quê Kinh Bắc, cụ thể là từ chùa Ứng Đại Thiên Tâm sang Long Thành làm nhà vua mừng lòng hơn.
4) Bộ sử ca Nôm đồ sộ cuối TK 17 Thiên Nam ngữ lục cũng chép truyện tương tự.
5) Bản thần tích viết bằng chữ Hán về mẹ Lý Công Uẩn (Ký hiệu thư viện Việt Hán Nôm VHV. 1236 ) kể rằng bà mẹ Lý Công Uẩn đêm năm mơ thấy thần chó đá rồi có mang sinh ra Công Uẩn.
Qua các tài liệu Hán Nôm vừa kể, không chỉ chó đá mà cả chó đồng cũng được người Việt coi là biểu tượng thiêng, là điềm lành.
* Qua trình bày sơ lược của GS về tục thờ cho, cũng như tín ngưỡng Chó về mặt tâm linh của người Việt, như vậy phong tục này liệu có liên quan gì đến vị vua khai sáng triều Lý cũng sinh vào năm Chó?
- Chắc chắn là có. Tuy nhiên cần có một cái nhìn tổng thể về mặt dân tộc học và văn hóa dân gian. Theo Tréc-xơ-nốp, nhà dân tộc học người Nga trong công trình Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương (Tư liệu dịch của khoa sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội) thì tục thờ Chó có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa mà nguồn gốc vốn xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi truyền vào từ thời đồng thau. Như thế tục thờ chó của người Việt vốn đã có gốc rễ rất lâu đời.
* Nhân nói về tục thờ chó đá, xin GS cho biết thêm về di tích đền Cẩu Nhi ở Hà Nội?
- Cách đây hơn 10 năm, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều tranh luận lùm xùm về đền Cẩu Nhi thờ cho trên hồ Trúc Bạch. Nguyên nhân có lẽ là do thiếu hiểu biết về văn hóa dân gian trong đó có những nguyên lý về truyền thuyết học, huyền thoại học.
Theo quan điểm của chúng tôi thi di tích này là có thật. Lịch Người Hà Nội 1970 (loại lịch chỉ dẫn đường phố, khổ nhỏ, có thể bỏ túi) do Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản, người sưu tầm biên soạn là nhà Hán học Tảo Trang và nhóm Trương Thị Thiết – Phùng Thái. Ở mục hồ Trúc Bạch có ghi rõ: giữa hồ trên cái gò nhỏ là di tích đền Cẩu Nhi đời Lý. Nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng có ảnh chụp về di tích đền Cẩu Nhi trong hồ Trúc Bạch. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên (Tạp chí Xưa & Nay) cũng có ảnh chụp ngôi đền này những năm 1960. Ông Nguyễn Vinh Phúc, trong sách Mặt gương Tây Hồ, NXB Trẻ 2003, cũng dẫn bản dịch về miếu Cẩu Nhi trong Tây hồ chí ( tr 99). Cuốn sách này có bài tựa của GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện khảo cổ học. Với các tư liệu đó, chúng tôi khỏi cần nói gì thêm.
* Xin cám ơn GS về cuộc trò chuyện.
Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) quê ở làng Nghĩa Đô. Trong Chuyện cũ Hà Nội, 1998, cũng cho biết thuở còn niên thiếu ông cũng từng thấy chó đá ngồi trên bệ bên cổng đình cổng chùa, to lừng lững như chó thật. Và bà ông cứ đến ngày rằm mồng một lại đem trầu cau, bát nước, nén hương đến chắp tay khấn Chó đá “Lạy thánh mớ bái”... coi chó đá như thần thánh. |
Anh Bảo (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất