Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 9): Chiếc cốc dâng rượu từ hơn 2.000 năm trước

30/11/2020 19:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiếc “nhĩ bôi” cán dài hay có thể đặt tên là “cốc dâng lễ” có vai trò quan trọng trong lễ nghi, tín ngưỡng Đông Sơn và đương nhiên chủ nhân của hiện vật này cũng rõ ràng giữ một vị trí xã hội, tâm linh quan trọng trong các cộng đồng cư dân Đông Sơn. Ngắm chiếc nhĩ bôi, ta có thể liên tưởng tới cuộc rước dâng rượu cho thần thánh hay thủ lĩnh rất điển hình trên những mặt trống đồng kinh điển nhất (Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ, Khai Hóa, Sông Đà…).

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 8): Kỳ lạ thói quen 'ăn đá' của cư dân cổ Xóm Trại

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 8): Kỳ lạ thói quen 'ăn đá' của cư dân cổ Xóm Trại

Đã có một hội thảo chuyên đề về vấn đề sử dụng chất khoáng trong đất đá tự nhiên của con người trên lãnh thổ Việt Nam và trên thế giới do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học tổ chức vào năm 2007. Trong đó, chúng tôi đã trình bày tư liệu và kết quả nghiên cứu về đá khoáng khai quật ở 2 địa điểm Xóm Trại và Đú Sáng năm 2004.

1. Đồ vật dùng để uống trong giới quý tộc, có 2 tay cầm, từ lâu đã được giới nghiên cứu Việt Nam cũng như phương Đông quen gọi là “nhĩ bôi” (ehr bei) bắt nguồn từ dụng cụ uống rượu phổ biến vào thời Tần Hán (bôi: cốc đựng; nhĩ: vành tai).

Chú thích ảnh
Nhĩ bôi Đông Sơn dạng cốc uống có 2 tay cầm dài rất độc đáo (gần như một chiếc thuyền)

Nhĩ bôi Tần Hán có phần chứa nước hình bầu dục, lòng thuyền và có 2 vành tay cầm trông như vành tai người. Nhĩ bôi tham gia bộ đồ tùy táng Đông Sơn từ khá sớm. Những mộ Châu Can với niên đại C14 ở thế kỷ 3-4 TCN đã phổ biến nhĩ bôi sơn then. Từ thế kỷ 1 TCN xuất hiện nhĩ bôi đồng bên cạnh nhĩ bôi xương gốm, đàn men mỏng. Chúng ghi nhận sự ảnh hưởng giao lưu với phương Bắc.

Chú thích ảnh
Chiếc nhĩ bôi (bị gãy một phần) tìm thấy trong cuộc khai quật mộ thân cây khoét rỗng ở Phương Nam, Uông Bí, Quảng Ninh

Tuy nhiên, có một dạng “nhĩ bôi” Đông Sơn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ sưu tập Tần Hán nào ở lãnh thổ Trung Hoa hiện tại. Đó là dạng cốc uống có 2 tay cầm dài rất độc đáo. Phần “cốc” chứa nước cao, loe rất giống chiếc cốc hiện đại. 2 tay cầm mọc ở dưới đáy và cong lên, kéo dài cân xứng sang 2 bên, khiến hiện vật có dáng hình gần như một chiếc thuyền (Hình 1).

Chúng tôi đã để ý đến hiện vật này từ hàng chục năm nay. Bắt đầu với hiện vật mang ký hiệu Lad 20 trong sưu tập CQK ở California (USA).

Chú thích ảnh
Chiếc nhĩ bôi được chủ nhân bộ sưu tập cho biết là được khai quật trong mộ thân cây khoét rỗng ở đồng bằng sông Hồng

Hiện vật dài 24cm chia làm 3 phần rõ rệt: Chính giữa là phần “cốc” hình ống trụ loe, đáy thu 6,5/7,5cm, miệng loe ra rộng 9,2cm, cao 8,5cm. Từ đáy cốc mọc ra 2 nhành tay cầm có gờ cao, bản rộng 5cm, dài 15cm, vươn cao lên khoảng 6cm và bẻ cong ở phần cuối tới khoảng 2cm nữa, đạt độ cao 8cm, gần độ cao miệng cốc, trông như dáng chiếc thuyền.

Trên thân cốc trang trí khắc vạch theo các băng vành tròn, chia thành 2 nhóm gần miệng và gần đáy tương tự như kiểu trang trí hiện vật Đông Sơn dạng “thố”. Phần tay cầm sát chân cốc mỗi bên là 2 hình nổi chữ S soắn đối xứng gương. Trên bản rộng tay cầm là các hình chữ S nối đuôi nhau, khắc chìm, tạo đồ án sóng nước.

Chú thích ảnh
Hình nhĩ bôi trên trang trí mặt trống đồng Đông Sơn

Rõ ràng, về nghệ thuật chế tác và trang trí, hiện vật mang phong cách Đông Sơn điển hình. Về chức năng, dụng cụ này không phải để uống bình thường mà có lẽ chỉ dùng cho việc dâng lễ với hai tay cầm rộng tạo ra như một chiếc khay.

2. Cuộc khai quật mộ thân cây khoét rỗng ở Phương Nam, Uông Bí, Quảng Ninh đã xuất lộ một chiếc nhĩ bôi tay dài tương tự, cho phép khẳng định niên đại Đông Sơn của hiện vật này. Hiện vật trong mộ Phương Nam hiện lưu tại bảo tàng tỉnh Quảng Ninh mang ký hiệu BTQN 5218 KL 868 cũng bị gãy một bên tay cầm, bản tay cầm có hoa văn trổ lỗ hình móc dấu phảy ôm lấy đồ án hình S sóng nước. Phần cốc còn nguyên miệng, nhưng đã gỉ mọt đứt khỏi phần chân (Hình 2).

Chú thích ảnh
Hình nhĩ bôi trên cán dao găm tượng đôi

Nhiều đồ đồng Đông Sơn xuất lộ cùng như tấm che ngực, rìu, giáo, mâm bồng, nhíp… cho phép xếp chúng vào khung tương đương nhóm Kiệt Thượng thuộc thời kỳ Âu Lạc - Nam Việt (thế kỷ 2 tr. CN).

Tại Hà Nội, hiện có 2 nhà sưu tập (Vũ Quốc Hội và Ngô Lương Giang) đang sở hữu 2 nhĩ bôi Đông Sơn cùng loại. Theo chủ nhân thì 1 chiếc khai quật trong mộ thân cây khoét rỗng đồng bằng sông Hồng (Hình 3), chiếc kia khai quật ở Thanh Hóa (Hình 3a).

Chú thích ảnh
Chiếc nhĩ bôi được chủ nhân bộ sưu tập cho biết là được khai quật ở Thanh Hóa

Hiện vật nhĩ bôi Đông Sơn kể trên còn được các nghệ nhân đương thời mô tả trong các nghi lễ Đông Sơn đặc biệt. Trên một tấm che ngực (hộ tâm phiến) Đông Sơn kiểu hình chữ nhật, có quai đeo nhạc thuộc sưu tập CQK mang ký hiệu TCN-1A có hình dãy chiến binh Đông Sơn đầu đội mũ lông chim ngồi thành dãy theo hướng ngược chiều kim đồng hồ (Tây sang Đông), gồm người thổi khèn (ở cuối), người mang qua, người cầm nhĩ bôi cán dài, người cầm muôi múc rượu, người cầm lao, người cầm qua, người cầm rìu, vị trí 2 người tiếp theo đi đầu bị hỏng, mới được sửa lại (Hình 3b, Hình 3c).

Chú thích ảnh
Hình chiếc nhĩ bôi được tạo tác trên trên một tấm che ngực (hộ tâm phiến) Đông Sơn

Cảnh mô tả trên rất điển hình một cuộc rước dâng rượu cho thần thánh hay thủ lĩnh như thường thấy trên mặt trống đồng kinh điển nhất (Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ, Khai Hóa, Sông Đà…). Khi xem xét kỹ lại bản gốc 2 trống đồng Cổ Loa, Guimet và thạp Hợp Minh, chúng tôi nhận ra những chiếc nhĩ bôi cán dài đó được dâng cao trong nhà sàn nghi lễ (Hình 4), nơi có dàn trống, khèn và vũ công nhảy múa xung quanh cũng như ở trên một số bình rượu đặt dưới lầu hay chính giữa các thuyền chiến trên trống, thạp đồng Đông Sơn.

Hình tượng trên khiến chúng tôi nhớ đến một bức tượng cán dao găm tượng đôi trưng bày tại nhà hàng Trống Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội. Bức tượng thể hiện 2 người, 1 tay ôm lưng nhau, tay kia cùng đỡ 2 đầu của một chiếc nhĩ bôi cán dài như vậy (Hình 5).

Chú thích ảnh
Hình chiếc nhĩ bôi được tạo tác trên trên một tấm che ngực (hộ tâm phiến) Đông Sơn

***

Như vậy, chúng ta đã có đủ cơ sở để đưa vào bộ đồ đồng Đông Sơn (Dongsonian Bronze Set) thêm một hiện vật tiêu biểu nữa, đó là những chiếc “nhĩ bôi” cán dài hay có thể đặt tên là “cốc dâng lễ”. Chúng xuất hiện chậm nhất là ở thế kỷ 2-3 TCN, có vai trò quan trọng trong lễ nghi, tín ngưỡng Đông Sơn và đương nhiên chủ nhân của hiện vật này cũng rõ ràng giữ một vị trí xã hội, tâm linh quan trọng trong các cộng đồng cư dân Đông Sơn.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt, Kiều Quang Chẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link