17/12/2018 20:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương đối với công tác tổ chức và quản lý lễ hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô) tại buổi làm việc cuối tuần qua với Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc và lãnh đạo các địa phương có lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương lưu ý, Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã được ban hành với sự phân cấp rất cụ thể. Nghị định cũng quy định, những lễ hội sai lệch truyền thống, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội… nếu không có đề án đổi mới sẽ phải tạm ngừng tổ chức.
Lại xin bán vé
Đề án đổi mới hình thức tổ chức của lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu; Phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của lễ hội Đúc bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương) và Phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của lễ hội Đả cầu cướp phết (đình Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch) là ba nội dung chính được báo cáo và xin ý kiến Bộ VHTTDL tại buổi làm việc .
Bà Hương lưu ý, trong mùa lễ hội 2018, lễ hội chọi trâu Hải Lựu là một trong những “điểm nóng” thu hút sự chú ý của dư luận. Trực tiếp có mặt tại lễ hội, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở ghi nhận những nỗ lực của BTC để tuân thủ những văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội nói chung và với lễ hội chọi trâu Hải Lựu nói riêng. “Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2018 đã nghiêm túc thực hiện yêu cầu không được tổ chức bán vé theo tinh thần văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Nhưng xin nhấn mạnh, đây là nội dung được quy định trong Nghị định của Chính phủ nên không chỉ năm 2018 mà các mùa lễ hội tiếp theo, địa phương phải tiếp tục triển khai nghiêm túc”, bà Hương đề nghị.
Tuy nhiên, ngay trong dự thảo đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu do địa phương xây dựng, Hải Lựu lại tiếp tục đề nghị về việc tổ chức bán vé vào lễ hội. Ông Hà Thanh Loan, Bí thư xã Hải Lựu cho biết, UBND xã Hải Lựu đã xây dựng đề án đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu với các tiêu chí khoa học, an toàn, phù hợp thực tiễn để có cơ sở tổ chức cho những năm tiếp theo. Đề án phải đáp ứng yêu cầu xác định được quy mô, quy trình, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên tham gia, bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với việc phát triển du lịch tâm linh, tín ngưỡng.
“Năm 2018, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên, BTC lễ hội không thu vé vào xem chọi trâu nên không có kinh phí cho công tác tổ chức, nhiều công việc gặp khó khăn, thậm chí không có kinh phí hỗ trợ cho lực lượng an ninh trật tự, mua sắm cơ sở vật chất và các điều kiện khác…”, Bí thư xã trình bày.
Dự thảo đề án đổi mới cho biết, việc bán vé vào cửa xem lễ hội cũng đang có nhiều ý kiến tranh luận. Việc có một hoạt động chọi trâu tại sân vận động có bán vé đã diễn ra từ nhiều năm nay, được cộng đồng và du khách chấp nhận như một dịch vụ có phí thay vì khoản đóng góp phân bổ theo đầu người như trước kia. “Hơn nữa, việc bán vé cần được coi là một giải pháp quản lý, bởi nếu để tự do vào cửa sẽ dẫn đến quá tải, mất kiểm soát. Bán vé là phương án khả thi để đảm bảo an toàn, kiểm soát đám đông hiệu quả, tránh tình trạng dồn ứ trong sân và bên ngoài, tạo tâm trạng ganh đua giữa các nhóm được vào và không được vào…”, đề án cho hay.
“Nhiều gia đình đông người từ sáng sớm đã đến lễ hội chờ giờ mở cửa. Khuôn viên chật hẹp chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương và một phần khu vực lân cận, dẫn đến du khách từ xa đến không thể vào bên trong khi sát giờ. Đây là một bất cập từ việc không tổ chức bán vé”, vẫn ông Hà Thanh Loan.
Ngay lập tức, đề nghị của xã Hải Lựu bị các lãnh đạo cấp trên “tuýt còi”. Ông Nguyễn Bá Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô lưu ý lại địa phương, không bán vé vào lễ hội đã được Chính phủ quy định tại Nghị định. Tuy nhiên, đứng trước thực tế là yêu cầu phải có kinh phí cho nhiều hoạt động liên quan nên BTC có thể tính toán các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa. “Nuôi trâu khá tốn kém, kinh phí mua trâu ban đầu đã có thể lên tới cả trăm triệu. Cho nên việc tính toán xã hội hóa để có tiền hỗ trợ và phục vụ cho công tác tổ chức là giải pháp mà địa phương phải thực hiện…”, ông Hiến chỉ rõ.
Khẳng định trước Bộ VHTTDL về việc sẽ không có bán vé tại lễ hội chọi trâu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Dương Quang Ứng thẳng thắn: “Nghị định Chính phủ đã quy định, văn bản hướng dẫn của Bộ đã rõ ràng, tại sao xã cứ chèo kéo việc bán vé? Về chuyện này Sở xin nhận lỗi đã hơi nể nang, chưa kiên quyết trong chỉ đạo”.
Đừng ngụy biện bằng hai từ truyền thống
Chia sẻ với những áp lực của địa phương trong công tác tổ chức lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương cũng khẳng định: “Không có chuyện được bán vé. BTC lễ hội chỉ có thể tính toán huy động các nguồn lực xã hội hóa để giải quyết khó khăn về kinh phí tổ chức”. Mặt khác, ghi nhận những nỗ lực và chuyển biến ở mùa lễ hội 2018, bà Hương cho rằng: “Công tác tổ chức và đảm bảo an ninh trật tự dù đã được địa phương rất nỗ lực nhưng mới chỉ có thể tạm yên tâm. Năm ngoái vẫn xảy ra tình trạng trâu chọi húc đổ một hàng rào, có nguy cơ cao không đảm bảo an toàn. Do vậy, năm nay đề nghị BTC lễ hội phải gia cố lại hệ thống này, nhằm đảm bảo an toàn cho lễ hội”.
Về vấn đề này, dự thảo đề án đổi mới của Hải Lựu cũng nêu: “Cần chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho người xem tại sới chọi khi tổ chức lễ hội trên cơ sở các thiết kế kỹ thuật mới và quy trình chọi trâu được chuẩn bị lại để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia tại sới chọi trâu của xã”.
Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cũng lưu ý các khâu về đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường, trật tự hàng quán dịch vụ và việc niêm yết giá bán thịt trâu. “Khu dịch vụ từ ngoài cổng vào sân lễ hội còn nhếch nhác, lộn xộn. Khu vực bán thịt trâu được bố trí ngay tại khu vực hành chính của xã cũng chưa hợp lý…”, bà Hương nhấn mạnh.
Về yêu cầu xin giữ nguyên quy mô tổ chức lễ hội với số lượng trâu ổn định lâu dài là 16 cặp tham gia, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết: “Mùa lễ hội năm nay đồng ý để Hải Lựu tiếp tục duy trì số lượng trâu tham gia lễ hội là 16 cặp vì địa phương đã triển khai công tác tổ chức theo quy mô này ngay từ đầu năm. Tuy nhiên xin lưu ý, quy mô lễ hội theo truyền thống không phải như vậy. Đề nghị từ mùa lễ hội sang năm, xã Hải Lựu triển khai công tác tổ chức với quy mô thu gọn, chỉ gồm 20 trâu (10 cặp), bao gồm 19 thôn trong xã mỗi thôn có 1 trâu tham gia và thêm 1 trâu của đơn vị vô địch mùa trước”.
Bà Ninh Thị Thu Hương cũng nói thêm: “Đừng ngụy biện bằng hai từ truyền thống. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu khi xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không thể làm sai lệch so với những giá trị nguyên gốc. Cũng theo quy định tại Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội vừa được Chính phủ ban hành, nếu lễ hội được tổ chức sai lệch truyền thống sẽ phải tạm ngừng tổ chức. Do vậy, đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Sông Lô và trực tiếp là xã Hải Lựu và BTC lễ hội tiếp tục rà soát, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và tuân thủ chặt chẽ hệ thống văn bản chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội để xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác tổ chức. Đổi mới như thế nào phải cụ thể, rõ ràng nhưng chắc chắn không thể cứ tổ chức như hiện nay, cả về quy mô và hình thức”.
Đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Sông Lô và trực tiếp là xã Hải Lựu và BTC lễ hội tiếp tục rà soát, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và tuân thủ chặt chẽ hệ thống văn bản chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội để xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác tổ chức. Đổi mới như thế nào phải cụ thể, rõ ràng nhưng chắc chắn không thể cứ tổ chức như hiện nay, cả về quy mô và hình thức (Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở) |
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất