Ngày 24/9, sẽ diễn ra hội thảo 'Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam'

20/09/2019 15:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí, giới thiệu về Hội thảo khoa học quốc gia "Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam".

Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long

Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long

Sáng 6/8, Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương - Chi nhánh thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng các địa phương có dấu ấn văn hóa liên quan.

Hội thảo sẽ diễn ra ngày 24/9 tại Hà Nội, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc cho biết: Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu mới trong nửa thế kỷ qua về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đồng thời rút kinh nghiệm và hướng tới các chương trình khoa học trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ 20. Hiện tại Ban tổ chức đã nhận được 69 báo cáo khoa học của 77 tác giả ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về tham dự Hội thảo.

Các chuyên gia về khảo cổ học và lịch sử Việt Nam cổ trung đại là lực lượng tham gia chủ yếu, trong đó một số tác giả đã tham gia và có đóng góp vào thành công của chương trình hội thảo về “Hùng Vương dựng nước” trong suốt nửa thế kỷ, Hội thảo còn có sự đóng góp của một số chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như: Cổ Nhân học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm học, Dân tộc học, Văn hóa học, Văn hóa dân gian, Địa lý học, Bảo tàng học, Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại, Lịch sử Thế giới, Chính trị học, Quân sự học…

Chú thích ảnh
GS Nguyễn Quang Ngọc thông tin về Hội thảo Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

Hội thảo đặt ra và kiểm đếm những vấn đề cốt lõi và những biến đổi lịch sử, nguồn gốc, thực trạng, đánh giá giá trị di sản thời đại Hùng Vương dựng nước; khẳng định những thành tựu to lớn và bước tiến căn bản trong nhận thức về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây cũng là dịp gợi ra những phương án, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại dựng nước đầu tiên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển bền vững đất nước.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc cũng khẳng định: Những nghiên cứu khoa học mới trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nay cho thấy thời đại Hùng Vương với nhà nước Văn Lang cách thời đại hiện nay khoảng 2.700 năm, chứ không phải là 4.000 năm hay nhiều hơn nữa như nhiều tài liệu, văn bản, truyền thuyết trước đây ghi chép. Đây là những kết quả nghiên cứu công phu, đã được đông đảo các nhà khoa học công nhận và nó hoàn toàn phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, đất nước Việt Nam từ cổ xưa đến nay.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương Trần Ngọc Tăng, các vấn đề bàn luận xoay quanh ba nội dung cơ bản: Thời đại Hùng Vương qua tư liệu lịch sử và văn hóa dân gian; Thời đại Hùng Vương qua tư liệu khảo cổ học, cổ nhân học và địa lý học; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương.

Đặc biệt, Hội thảo sẽ khẳng định lại thời gian ra đời của thời đại Hùng Vương sau những tranh cãi; xác nhận các nguồn thông tin, tư liệu, các câu chuyện về 18 đời vua Hùng; giá trị truyền thuyết và giá trị lịch sử của thời đại này.

Sau Hội thảo, những vấn đề có sự thống nhất sẽ được tập hợp để thông tin rộng rãi đến công chúng, giới khoa học, góp phần vào quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của thời đại Hùng Vương trong thời gian tới.

Hoàng Nam/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link