Ngày Sách Việt Nam 21/4: Hướng đến xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam

21/04/2020 08:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Sách Việt Nam 21/4 ra đời theo Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/2/2014 đã khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.

Ngày Sách Việt Nam 21/4: Phát triển văn hóa đọc trong thế hệ trẻ

Ngày Sách Việt Nam 21/4: Phát triển văn hóa đọc trong thế hệ trẻ

Ngày 20/4, tại Thư viện tỉnh Bạc Liêu, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu tổ chức tổng kết sơ khảo cấp tỉnh cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2019”. Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Sự kiện này cũng hướng đến việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Sự ra đời của Ngày Sách Việt Nam là dấu mốc quan trọng đối với ngành xuất bản, in và phát hành, như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Việc ra đời Ngày Sách Việt Nam thể hiện sự quan tâm kịp thời, tầm nhìn của Đảng, Chính phủ nhằm chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam; có thể coi đây như là tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc ở Việt Nam".

Đầy đủ các văn bản, chỉ đạo

Ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW "Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản",  nhằm định hướng hoạt động cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn đất nước đang có những chuyển biến nhanh chóng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời mang tính định hướng cao cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên, điểm đáng chú ý nhất của Chỉ thị 42-CT/TW là không chỉ tiếp tục khẳng định xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, là một bộ phận văn hóa Việt Nam, còn nhấn mạnh tính thiết yếu của xuất bản trong giáo dục, đào tạo, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức xã hội, trong đó đích đến là xây dựng xã hội học tập - một xã hội có sự thống nhất giữa chế độ giáo dục cho mọi người và học tập suốt đời. Nội dung của Chỉ thị 42-CT/TW cho thấy sự phát triển nhận thức, lý luận của Đảng về xuất bản, chỉ ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển xuất bản trong thời kỳ mới, qua đó khẳng định vai trò của xuất bản đối với văn hóa đọc và văn hóa đọc đối với sự phát triển của đất nước.

Chú thích ảnh
Học sinh lựa chọn sách. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Tiếp nối tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW, Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW nêu rất rõ các yêu cầu, trong đó có xác định vai trò đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ban hành một hệ thống văn bản pháp luật, tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản, việc duy trì, phát triển văn hóa đọc. Luật Xuất bản năm 2004, sửa đổi năm 2008; Luật Xuất bản năm 2012 đều có những quy định liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc. Ngày 6/5/2009, Thủ trướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có nhiều nội dung về việc phát triển văn hóa đọc. Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là: Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai. Tiếp đó, Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Xóa mù chữ đến năm 2020, Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng của văn hóa đọc là: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bấn phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tê - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Đặc biệt, việc ra đời Ngày Sách Việt Nam 21/4 theo Quyết định số 284/QĐ-TTg không chỉ khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, còn là điểm nhấn để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc Việt Nam - Cục trưởng Nguyễn Nguyên khẳng định.

Văn hóa đọc đứng trước thách thức lớn

Tiến sỹ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là thói quen, sở thích, kỹ năng đọc sách của bạn đọc, công chúng, còn có sự hội tụ của nhiều nhân tố như: chính sách, chủ trương, chiến lược của các cơ quan quản lý về mở rộng, phát triển tri thức, xuất bản phẩm, xây dựng hệ thống thiết chế (nhất là thư viện, phòng đọc sách, báo, tạp chí; nhà sinh hoạt cộng đồng…); ý thức sáng tạo, "sản xuất" những ấn phẩm tinh thần có giá trị của các tác giả (văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu…); năng lực xuất bản, lưu hành, quảng bá, phân phân phối của các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ và cuối cùng là thái độ, ý thức, thói quen, ứng xử của bạn đọc, công chúng đối với sách và các ấn phẩm chứa đựng tri thức, thông tin, kinh nghiệm của nhân loại.

Nếu trước đây, con người chủ yếu khám phá cuộc sống, thế giới xung quanh thông qua những trang sách, câu chuyện ở các thư viện, trường học, qua lời kể của những người đi trước; hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của internet, công nghệ thông tin, mạng xã hội, nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc có nhiều thay đổi. Càng ngày, giới trẻ càng xa lạ với thư viện, cũng như thói quen tìm đến sách xuất bản dần bị thay thế bởi các phương tiện truyền thông, nghe nhìn với nhiều món ăn hấp dẫn, đầy đủ khẩu vị, đáp ứng tốt thị hiếu, nhu cầu của công chúng. Sự ra đời của ebook (sách điện tử) cùng với các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong ngành xuất bản cũng như thói quen tiếp cận, tiêu dùng sách của công chúng.

Có thể nói, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã phá vỡ nhu cầu, thói quen đọc sách truyền thống. Những thú vui trên không gian ảo đã chiếm phần lớn thời gian truy cập, cộng với đó là những áp lực thời gian học trên lớp, thời gian học thêm khiến giới trẻ hầu như không có thời gian rỗi để tìm kiếm những cuốn sách hay ở các thư viện cũng như trên chính không gian mạng. Việc chạy đua với thời gian, những sức ép của việc học hành, thi cử khiến nhiều người lựa chọn phương thức "mì ăn liền" bằng cách đọc những lời tóm tắt, giới thiệu về tác phẩm chứ không thể đi sâu khám phá, tìm hiểu các chương, phần của cuốn sách đó. Viêc bùng nổ, lấn át của các phương tiện nghe nhìn và sự chi phối mạnh mẽ của mạng xã hội đang đặt văn hóa đọc truyền thống trước những thách thức, tạo rào cản để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong các ấn phẩm sách báo đến với đông đảo công chúng, bạn đọc.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Phòng trăn trở: Một trong những yếu tố cấu thành nên văn hóa đọc là sức hấp dẫn của những xuất bản phẩm (sách, báo, tạp chí) nhưng trong những năm gần đây thị trường xuất bản phẩm có những diễn biến phức tạp. Lượng sách in, phát hành lớn nhưng chất lượng, hiệu quả đối với cộng đồng không cao, nhất là đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Sự thiếu hụt lực lượng sáng tác, thiếu vắng những tài năng lớn, những cây bút gạo cội khiến cho đời sống văn học, nghệ thuật không có nhiều tác phẩm đỉnh cao, xuất sắc, ảnh hưởng lớn đến tâm lí, nhu cầu và đòi hỏi của công chúng. Phát triển trong cơ chế thị trường với sức ép của quá trình cổ phần hóa, nhiều nhà xuất bản đã không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích xuất bản, phát hành, chạy theo tâm lý thời thượng, bắt tay với tư nhân để xuất bản, phát hành những tác phẩm kém giá trị cả về nội dung lẫn hình thức trình bày, gây tổn hại về niềm tin đối với xã hội...

Chú thích ảnh
Người dân, học sinh, sinh viên lựa chọn sách. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Tạo sự hứng thú và kỹ năng đọc ngay từ bé

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo và nghiên cứu sinh Nguyễn Việt Hà (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật) cho rằng việc xây dựng Chiến lược sách quốc gia Việt Nam sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản; là giải pháp đồng bộ nhằm phát huy thế mạnh truyền thông của xuất bản, như giới thiệu những thành tựu đổi mới của đất nước tới người dân, bạn bè quốc tế, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho công chúng. Chiến lược sách quốc gia cũng được xem là một trong những giải pháp mang tính đột phá để những người làm xuất bản định hướng đầu tư, tạo ra những tác phẩm có giá trị.

Để phát triển văn hóa đọc, hướng tới xây dựng chiến lược sách quốc gia, các chuyên gia cho rằng cần hình thành, phát triển hứng thú, kỹ năng đọc cho cá nhân dưới sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em cần được làm quen với việc đọc thông qua sự định hướng có chủ đích từ gia đình, nhà trường. Bố mẹ cần quan tâm, chỉ dẫn, tạo cho trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và một số kỹ năng thiết yếu để lựa chọn sách, đọc sách hiệu quả. Thầy cô, nhà trường tiếp tục khơi gợi, hướng dẫn, cung cấp những công cụ chìa khóa, giúp các em hứng khởi, yêu thích sách thông qua các hình thức như thuyết trình về sách, sân khấu hóa tác phẩm, thi kể chuyện, hội diễn văn nghệ…

Các cấp, ngành cần xã hội hóa việc đọc, xây dựng một môi trường đọc tiêu chuẩn, tạo hứng thú cho người đọc, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại cho các thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện phổ thông, thư viện trường học cũng cần được quan tâm, hỗ trợ kinh phí hoạt động cần thiết, đảm bảo cho người học được sử dụng thư viện như một công cụ học tập có hiệu quả; từ đó xây dựng thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng khai thác, đọc các tài liệu khác nhau…

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách phát triển loại hình chuyển phát nhanh, nhằm hỗ trợ cho công tác lưu hành sách đến với vùng sâu vùng xa và khắp cả nước một cách nhanh chóng, tiện lợi, góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho đông đảo công chúng; khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho các trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu vùng xa.

Các cơ quan liên quan cần tận dụng ưu thế công nghệ thông tin để kịp thời định hướng đọc cho thế hệ người đọc 4.0; phát triển, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ tác giả viết sách chất lượng cao trong hai mảng chính: sách nghiên cứu và sách phổ cập kiến thức (khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội, kinh tế, tôn giáo...), nhằm phát triển tri thức Việt Nam, nâng cao dân trí ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Nhà nước cũng cần khuyến khích đội ngũ biên dịch chất lượng, có ý thức chọn lọc nghiêm túc các tác phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, kinh tế, y học của nước ngoài để dịch sang Việt ngữ, giúp thị trường sách Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng, tiến gần hơn với thế giới; tiến hành nghiên cứu định kỳ 5 năm/lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa đọc.

Chiến lược phát triển sách quốc gia luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển của văn hóa đọc. Văn hóa đọc càng mở rộng, có chất lượng, sách vở càng được chú trọng, đầu tư nhiều hơn. Hiện, Việt Nam nói riêng, các nước trên thế giới nói chung đều đang đứng trước nguy cơ bị văn hóa nghe nhìn lấn át, tiêu diệt văn hóa đọc. Người đọc, nhất là giới trẻ có xu hướng “lười đọc”, đọc ít, đọc nhanh, thích nghe nhìn hơn đọc, rất ngại đọc sách dày, sách in, sách về vấn đề lý luận. Điều này đã tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trong thị hiếu đọc của công chúng, đặt ra vấn đề cấp thiết về chiến lược xây dựng sách tại mỗi quốc gia.

Dù xã hội phát triển đến đâu, việc đọc sách vẫn được coi trọng, bởi đó là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của con người. Muốn phát triển văn hóa đọc, phát triển thị trường sách quốc gia, cần huy động sự phối hợp của nhiều ban, ngành để có phương hướng xuất bản sách một cách đồng bộ, chọn lọc, hợp lý…, góp phần cổ vũ, gìn giữ văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển - ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Phúc Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link