Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII: Thơ Việt hòa chung dòng chảy của văn hóa thế giới

17/02/2019 14:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019 được tổ chức từ ngày 16 -21/2, kết hợp với Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang. Hoạt động thi ca đặc biệt này ngày càng có nhiều bước tiến, góp phần đưa thơ văn Việt hòa chung dòng chảy của văn hóa thế giới.

30 năm Hội thơ làng Chùa: Hãy viết về nơi mình sinh ra và lớn lên

30 năm Hội thơ làng Chùa: Hãy viết về nơi mình sinh ra và lớn lên

Từ lâu, người ta đã biết đến một làng thơ độc đáo bên sông Đáy. Đó là làng Chùa (xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội). Từ xa xưa bên gốc đa, mái đình, giếng nước, những người làng Chùa đã cùng nhau làm thơ

Sự kiện giao lưu văn hóa lớn

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tổ chức cùng với hai sự kiện thơ văn lớn tầm quốc tế là sự kiện giao lưu văn hóa lớn của đất nước, thu hút sự tham dự của gần 200 nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Tham dự Ngày thơ Việt Nam năm nay, nhà thơ Biplab Majee (Ấn Độ) đã bày tỏ thán phục, cho rằng: Việt Nam là một đất nước của thi ca. Một trong những minh chứng là các bạn đã chọn ngày Rằm tháng Giêng là Ngày thơ Việt Nam. Vào ngày này, lễ hội thi ca diễn ra ở khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đặc biệt, những “khách thơ” đến từ nhiều nơi trên thế giới có thể trải nghiệm “Thành phố thơ văn” ở Hà Nội ngay tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng với hàng ngàn người yêu thơ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ngày thơ Việt Nam lần 17 tại Văn Miếu

Nhà thơ Fernando Rendon, Chủ tịch Liên hoan thơ Quốc tế Medelin (Colombia), Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á-Phi và Mỹ Latinh cho biết: Phong trào thi ca quốc tế với hàng nghìn các nhà thơ trên thế giới đã làm nên nhiều kỳ tích trong 2 năm qua tại 410 thành phố ở 150 quốc gia với mục tiêu vì một thế giới không ngăn cách qua hàng nghìn hoạt động thi ca. Phong trào thi ca quốc tế là “dòng sông đầy nước”, luôn chảy với các “vụ mùa bội thu” bằng các đợt liên hoan và nhiều hoạt động tích cực khác. Ngôn ngữ thi ca bắt đầu từ chiều sâu lịch sử của nhân loại sẽ trở thành điều kỳ diệu nhất, trường tồn mãi mãi. “Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII cùng với Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III do Việt Nam tổ chức là hai  trong những hoạt động tích cực giúp làm đầy dòng sông thi ca thế giới”- nhà thơ Fernando Rendon khẳng định.

Trước khi Ngày thơ chính thức được khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cho hay: Trong thế kỷ trước, các nhà văn, nhà thơ thế giới đã có nhiều sáng kiến, bằng nhiều hình thức sát cánh cùng nhân dân Việt Nam...Tiếp bước những bậc thầy đi trước, tại sự kiện này, nhiều tài năng trẻ của thế giới lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam chứng tỏ tình hữu nghị luôn tìm ra nhiều giải pháp để rút ngắn mọi khoảng cách. Đặc biệt, ngày nay, hoạt động thơ văn của Việt Nam đang ngày một đổi mới, đồng thời vẫn gắn chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung, làm giàu cho thế giới thơ ca.

Theo nhiều nhà thơ, nhà văn, dịch giả tham dự các sự kiện văn, thơ lớn tại Việt Nam dịp này, làm tốt những điều đó là việc làm không đơn giản. Đầu tiên, chúng ta phải đối mặt với rào cản về ngôn ngữ. Có thể loại bỏ được rào cản đó bằng cách dịch từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có sự đào tạo công phu, lâu dài, tiếp theo đó là huy động các nguồn lực cùng trí tuệ, tài năng của các chuyên gia. Cuối cùng, phải tính đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia. Tất cả liên quan đến một chiến lược văn hóa lâu dài.

Hiện Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm Dịch thuật. Trung tâm này đang xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc chọn dịch các tác phẩm văn, thơ của Việt Nam ra tiếng Anh làm trung gian chuyển ngữ sang các thứ tiếng khác, khởi đầu của kế hoạch trên được triển khai ngay dịp này với việc 3 ấn phẩm “10 thế kỷ văn học Việt Nam”, tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng” được xuất bản song ngữ Tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu tới công chúng trong nước, quốc tế.

Đặc sắc Sân thơ Trẻ 

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019 chính thức được khai mạc vào sáng 17/2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Sông núi trên vai”. Năm nay, Ngày thơ vẫn có những hoạt động truyền thống như thả thơ, trình diễn, đọc thơ, triển lãm cuộc đời sự nghiệp của các nhà thơ lớn… 

 Trong khuôn khổ Ngày thơ, các hoạt động tại Sân thơ Trẻ thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thơ trong và ngoài nước. Sân thơ Trẻ 2019 do Ban Nhà văn Trẻ thiết kế và thực hiện, với sự hỗ trợ của Nhà hát Tuổi trẻ, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, với chủ đề “Mở đường bay phía trước”. Thay vì diễn ra trên sân Thái Học như mọi năm, Sân thơ Trẻ 2019 được tổ chức tại sân Thái Miếu (sân trước) của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tại đây, các nhà thơ trẻ, những người mang trong mình nội lực sáng tạo mạnh mẽ cùng thái độ trách nhiệm với thời đại mình đang sống, với cộng đồng... đã mang đến cho người yêu thơ một chương trình đặc biệt. Trên sân khấu chính, phần trình diễn thơ của các nhà thơ Việt Nam gồm 3 tổ khúc được dẫn dắt xuyên suốt trong tiếng đàn guitar và tiếng piano, câu chuyện thơ được kể nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng hứa hẹn sự bùng nổ về xúc cảm.

 Lấy cảm hứng từ niềm tự hào trước ý chí, nghị lực và sức trẻ của những cầu thủ trẻ trong đội tuyển bóng đá quốc gia, Ban Nhà văn Trẻ đã chọn tên gọi “Mở đường bay phía trước” làm chủ đề cho Sân thơ Trẻ 2019. 

Đến với Sân thơ Trẻ 2019, người yêu thơ được gặp  những gương mặt thơ trẻ đã hoặc chưa từng xuất hiện tại các Ngày thơ năm trước như: Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Lý Hữu Lương, Trần Nhật Minh, Nguyễn Minh Cường, Bùi Việt Phương… với những cá tính sáng tạo khác biệt cùng hòa chung trong một đường bay mùa xuân của thi ca vẽ nên từ dải đất hình chữ S.

Đặc biệt, năm nay Ban tổ chức Sân thơ Trẻ chú trọng hơn đến các hoạt động tổng thể, sự tương tác, đồng hành của các nhà thơ với công chúng. Sân thơ Trẻ có Cổng thông tin thơ giới thiệu về các tác giả thơ trẻ cùng những sáng tác của họ, tại đây công chúng có cơ hội giao lưu trực tiếp với tác giả mà mình yêu mến.

Cũng tại không gian thơ trên sân Thái Miếu, công chúng còn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ấn tượng mang tên  “Điều còn thiếu?” của nghệ sĩ thị giác Doãn Hoàng Kiên với cảm hứng tươi mới, thể hiện hơi thở của cuộc sống đương đại, gợi mở nhiều suy ngẫm. Bên cạnh đó, công chúng có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh sống động về Sân thơ Trẻ các năm qua với phần mỹ thuật do họa sĩ Kim Duẩn đảm nhiệm.

Nhà thơ Thụy Anh, Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ cho biết thêm: Mười nhà thơ quốc tế cùng đọc thơ, giao lưu với khán giả tại Sân thơ Trẻ góp phần tạo nên những sắc màu mới trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng tại Ngày thơ năm nay.

Có mặt tại Sân thơ Trẻ  trong phần lớn thời gian của buổi sáng 17/2, nhà thơ Kim Tae Soo (Hàn Quốc) ghi nhận: Sáng tác của nhiều nhà thơ được đọc tại Sân thơ Trẻ, các tác phẩm sắp đặt với góc thể hiện đa chiều của hàng trăm chiếc gương phản chiếu mọi mặt đời sống đương đại, những thiết kế phông nền sân khấu với những góc cạnh mạnh mẽ mà bay bổng đều thể hiện một tinh thần trẻ, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ thời đại mới, đem lại nhiều hy vọng lớn lao cho thi ca Việt Nam.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link