30/03/2022 19:34 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trong tình hình cải lương đang khó khăn, Nhà hát Trần Hữu Trang đã nỗ lực đi tìm khán giả bằng cách dàn dựng những vở gần gũi với công chúng, tươi mới, rực rỡ. Vé bán ra cũng xấp xỉ thị trường với 700, 500, 200 ngàn đồng, không phải rẻ bèo theo kiểu đoàn công lập như trước nay nữa.
Nhiều chục năm qua, hễ nói tới đoàn công lập là người ta nghĩ ngay tới việc sân khấu được ngân sách đầu tư, rồi dựng tuồng theo định hướng, rồi chỉ đi diễn phục vụ miễn phí. Chính vì vậy, khán giả không mấy mặn mà. Vài năm gần đây, Nhà hát Trần Hữu Trang đã thay đổi kế sách, tạo cho mình vị trí trên thị trường, gây dấu ấn trong lòng công chúng một cách rõ rệt. Có thể thấy hàng loạt vở mới ra đời, đầu tư tốt, có nghệ sĩ ngôi sao, nội dung không cần theo định hướng, có khả năng bán vé tốt hơn.
Đầu tiên là vở Tiếng trống Mê Linh với cặp ngôi sao Thanh Ngân-Trọng Phúc trong vai Trưng Trắc-Thi Sách. Đây là vở kinh điển với “cái bóng” quá lớn của cố NSƯT Thanh Nga, tuy nhiên thế hệ nghệ sĩ trẻ đã không làm khán giả thất vọng. NSND Thanh Ngân sắc vóc và giọng ca, biểu diễn đều có thể gọi là “top” hiện nay, còn Trọng Phúc với chất giọng trầm ấm, dáng vẻ nam tính, rất đúng với nhân vật Thi Sách. Bên cạnh đó còn có các nghệ sĩ cũng có tên tuổi như NSƯT Mỹ Hằng, Tô Tấn Loan, Thanh Toàn, Dũng Nhí, Phùng Ngọc Bảy…bảo đảm làm nên một vở diễn chất lượng.
Khán giả đã vỗ tay liên tục, và nhà hát đã sắp lịch tái diễn cho vở này nhiều lần. Có lẽ khi tình hình dịch bệnh đã ổn, nhiều trường học sẽ ký hợp đồng cho học sinh đi xem để thấm thía bài học lịch sử, và thưởng thức cái đẹp, sự chuẩn mực của nghệ thuật cải lương.
Vở thứ 2 thuộc loại cải lương xã hội, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể từ vở kịch cùng tên Ngược gió đang bán vé rất chạy ở sân khấu Thế Giới Trẻ. Câu chuyện anh Trôi yêu cô Là, cưu mang luôn cái thai trong bụng cô, rồi cô biến mất, để anh mải miết chèo ghe đi tìm khắp các bến sông, còn cô bạn “thanh mai trúc mã” thì lẽo đẽo theo anh từng ấy năm với mối tình câm xót xa.
Nội dung như vậy rất hợp với tính tự sự của cải lương, nên đã “đốn tim” khán giả. Vẫn những nghệ sĩ trẻ của nhà hát nhưng đều có dấu ấn trong lòng khán giả như Tô Tấn Loan, Mỹ Linh, Kim Luận, Võ Hoài Long, Nguyễn Văn Khởi, Lý Thu…người từng đoạt giải Trần Hữu Trang, người thì đoạt giải Chuông vàng Vọng cổ, khán giả hài lòng.
Thiết kế sân khấu cũng gần gũi với người miền Tây, gợi nhớ gợi thương. Chỉ tiếc là phiên bản cải lương đã sửa lại đoạn cuối của kịch bản gốc, xem ra lại gây lấn cấn. Kịch thì cho anh Trôi buông tay sau 2 năm mòn mỏi và sau khi gặp lại Là, biết cô đã êm ấm với gia đình mới. Anh nhận ra tình yêu quý giá của Nương, cô bạn “thanh mai trúc mã”, và nhận ra mình đã quen có Nương từ lâu, mình phải nắm lấy hạnh phúc này hơn là đuổi bắt ảo ảnh cũ.
Trong tình yêu giữa anh và Nương còn có tình bạn cùng chia ngọt sẻ bùi, xem ra tuy chậm hơn, thầm lặng hơn, nhưng bền vững và sâu sắc hơn. Còn phiên bản cải lương vẫn cho anh Trôi tiếp tục chèo ghe quay đi, và Nương lại vứt áo cưới, lại tiếp tục đạp xe chạy theo Trôi. Có vẻ “ác” với Nương chăng? Vì Nương lại chạy theo một cách vô vọng. Hình ảnh cô gái gần lỡ thời lại hối hả chạy theo người con trai đó nữa, cứ thấy cứa vào tim khán giả.
Vở thứ 3 Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng mang màu sắc “hương xa”. Người yêu của đảo chúa kể câu chuyện ở một hòn đảo nọ xuất hiện sự tranh giành tình yêu, để rồi người ta lợi dụng điều đó mà trả thù gia tộc. Nhưng cuối cùng tình yêu đã thắng tất cả, cảm hóa người xấu, đánh bại hồ ly, trả hạnh phúc cho những trái tim chân thành.
“Hương xa” là một thể loại cải lương rất thịnh trước 1975, mà đi đầu là các đại bang như Kim Chung, Kim Chưởng dàn dựng rất nhiều tuồng. Với thể loại này, bối cảnh không cần rõ ràng ở nước nào, thời đại lịch sử nào, cứ màu sắc võ hiệp hoặc cổ trang là được, và trang phục thì rực rỡ, đào kép đẹp, câu chuyện giản dị, tiết tấu nhanh, nói chung là chú ý tính hấp dẫn, không cần nội dung quá sâu sắc.
Người yêu của đảo chúa hội đủ những điều kiện ấy, với dàn nghệ sĩ tên tuổi, trong đó rất nhiều nghệ sĩ ưu tú, như Lê Tứ, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Minh Trường, Hoàng Hải, Tâm Tâm, Nhã Thy, Hà Như… Trang phục thực sự thiết kế đẹp mắt, cảnh trí cũng đẹp, thu hút người xem.
Tóm lại, Nhà hát Trần Hữu Trang đã đa dạng hóa món ăn nghệ thuật để khán giả có thể lựa chọn. Những vở này đều đi sát tâm lý của nhiều thành phần công chúng, từ vở kinh điển cho tới vở mới, từ vở sâu sắc, bi, hùng, cho tới vở vui vẻ, hấp dẫn, hy vọng người xem tìm được lời đáp cho mình.
“Chúng tôi phải tự tìm đến khán giả bằng chính chiếc vé bán ra, chứ không phải chỉ đi diễn phục vụ. Và anh em cũng thích diễn đa dạng như vậy, thì mới khai thác hết thế mạnh của mỗi người” (phát biểu của NSƯT Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang). |
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất