26/07/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Bước qua cột mốc 60 tuổi, lại vừa vượt qua bạo bệnh, nhà thơ Hồng Thanh Quang dự kiến sẽ tổ chức một đêm thơ - nhạc với tên gọi Vẫn nguyên là nỗi khát vào tối 4/9 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
“Nhìn từ một góc độ, tôi đã kết thúc những đoạn đời năng nổ nhất của mình, bắt đầu bước vào cuộc sống hưu trí theo kiểu “rửa tay gác kiếm” đối với mọi sự. Nhìn từ góc độ khác, tôi đơn giản đã kết thúc một trường đoạn của đời mình để lại bắt đầu một trường đoạn khác, dù tuổi cao hơn và sức khỏe kém đi nhưng chưa chắc đã ít nhiệt huyết và cảm hứng hơn so với trước đây” - anh chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) - “Và, chương trình thơ nhạc sắp tới sẽ như một dấu ấn để bắt đầu hành trình mới của tôi, với tư cách một nhà thơ”.
Những ngẫu hứng đã trở thành quy luật
* Trước hết, chúng ta hãy bằng cơ duyên để đêm thơ nhạc“Vẫn nguyên là nỗi khát” ra đời?
- Thực sự thì tôi cũng không biết có nên gọi đó là cơ duyên hay không. Có thể đó chỉ là những ngẫu hứng đã trở thành quy luật. Cũng như những đêm thơ nhạc trước đây như Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em, Anh không muốn lạc em thêm lần nữa, Trở về thương lấy nhau thôi hayNgười đàn ông mùa Thu… chương trình lần này với tiêu đềVẫn nguyên là nỗi khátchỉ đơn giản xuất phát từ những gợi ý của bạn bè.
Tôi thực sự may mắn khi luôn có những người bạn tốt, rất quan tâm tới tâm trạng và cảm hứng của tôi. Sau những biến cố gần như là sinh tử mà bản thân đã trải qua từ năm 2019, khi tôi bắt đầu hồi phục dần sức khỏe, những người bạn ấy lại gợi ý cho tôi làm chương trình thơ nhạc mới. Họ cảm thấy thú vị với những gì tôi làm, trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt là năm nay, tôi cũng như các đồng đội cùng thế hệ 1962 đã bước vào ngưỡng 60, đúng 5 con giáp của tuổi Nhâm Dần. Ở một thời điểm như thế, hiển nhiên tôi có rất nhiều cảm xúc và tâm sự, muốn được giãi bày, chia sẻ…
* Vậy còn cái tên “Vẫn nguyên là nỗi khát” thì sao?
- Tôi từng viết một bài thơ có nhan đề Vô chiêu, ở thời điểm mà tôi từng gặp rất nhiều thử thách, khó khăn, cạm bẫy trong công việc của mình. Bài thơ không dài, chỉ mấy câu sau:“Gương mặt như mầm cây/ vừa trồi lên khỏi đất/ nước mắt/ là nước thánh/ trong giá lạnh/ ấm êm/ trên chông gai/ dịu ngọt/ bắt tay lưỡi dao sắc/ như ngắt một nhành hoa/ em ở gần hay xa/ vẫn nguyên là nỗi khát/ lúc đau buồn tự hát/ những lời không thanh âm...”.
Tôi đã nhớ tới bài thơ này khi suy nghĩ tìm tên gọi cho chương trình thơ nhạc mùa Thu năm nay. Đúng thế, ở tuổi 60 của mình, sau những thất điên bát đảo thế thái nhân tình đã trải qua, tôi đã hồi phục lại với những cảm hứng sống và viết, với trạng thái “em ở gần hay xa/ vẫn nguyên là nỗi khát…” (cười).
* Anh có thể giới thiệu một chút về nội dung của đêm thơ- nhạc này? Những người bạn trong giới nghệ thuật nói gì khi biết Hồng Thanh Quang sắp tổ chức một đêm thơ nhạc sau quãng thời gian trị bệnh?
-Đây là chương trình giới thiệu một số bài thơ của tôi trong các giai đoạn sáng tác và 3 ca khúc mà tôi tự đặt nhạc cho thơ của mình. Bên cạnh đó có trên dưới 10 ca khúc của các nhạc sĩ phổ thơ tôi, gồm cả những bài đã rất quen thuộc của các nhạc sĩ tên tuổi lẫn những ca khúc mới của các nhạc sĩ trẻ, thậm chí có cả bài của các nhạc sĩ trẻ mới sáng tác gần đây cho chính chương trình này.
Tôi đã nhờ người bạn, người em mà tôi rất trân trọng là nhạc sĩ Nguyễn Quang Long làm tổng đạo diễn chương trình. Long có một ê kíp đồng hành rất nhiệt tình, tài năng và tử tế. Tham gia chương trình là những nghệ sĩ mà tôi thực sự trân quý và kết giao từ nhiều năm nay như các NSND Phạm Ngọc Khôi, Thúy Mùi, Quốc Anh, Quốc Hưng, các NSƯT Tấn Minh cùng Thu Huyền, Lan Anh, Đức Long, Ngọc Khang, Ploong Thiết, Thanh Tâm, Diệu Hương, nhạc sĩ Đỗ An, ca sĩ Tuấn Hiệp, nhóm xẩm Hà Thành và các ca sĩ trẻ như Hoàng Tùng, Thanh Cường… Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đã hứa sẽ tới chương trình và trình bày ca khúc mà anh mới đặt nhạc cho một bài thơ của tôi.
Đặc biệt, trong chương trình còn có NSƯT Thu Hà vốn rất quen thuộc với chúng ta trên sân khấu kịch. Hà sẽ cùng tôi trình bày bản dịch bài thơ Nga Với người thương đừng bao giờ chia biệt…
Chỉ có một điều đáng tiếc: Lần này, người bạn rất đỗi quý mến của tôi là NSƯT Minh Vượng do phải mổ mắt nên không thể nhận lời tham gia chương trình như những lần trước. Đây có lẽ cũng là một thiệt thòi không nhỏ đối với những ai hâm mộ tài năng và tâm hồn của người nghệ sĩ rất đặc sắc này…
“Hay hay dở thì tôi cũng đã trải qua một chặng đường đời quan trọng nhất của mình. Không ai làm thơ vì hạnh phúc cả, nên dĩ nhiên nhà thơ trong đời và trong thơ luôn có rất nhiều thất thố…” (Nhà thơ Hồng Thanh Quang) |
Vì thơ nên đành đắc tội thôi, với người, với mình
* Thời điểm diễn ra đêm nhạc cũng sát với ngày sinh nhật anh. Bước qua tuổi 60, anh có thể tự tổng kết về cách một Hồng Thanh Quang yêu và nhìn cuộc đời theo các mốc thời gian không?
- Tôi luôn luôn thiển nghĩ rằng, sống chỉ là để sống thôi chứ không phải để tổng kết. Ở thời điểm này nhìn lại, tôi thấy tôi lúc nào cũng vẫn vậy, vẫn sống hồn nhiên, thêm tuổi mà không thêm tính toán, cứ nước đến đâu thì bắc cầu đến đấy thôi, bình tĩnh chấp nhận mọi sự xảy đến với mình một cách tối ưu nhất.
Tôi không phải là một người quá tài năng nhưng đã gặp được một điều may mắn lớn là luôn có những người thân thiết, ruột thịt và bằng hữu tốt. Họ thương tôi và nương tôi, tạo cho tôi những điều kiện tối đa để sống và viết theo cảm hứng trời cho.
* Nhưng đi hết một lục thập hoa giáp, với đủ thay đổi, vấp váp, chiêm nghiệm… một người đàn ông như anh sẽ nhìn cuộc đời còn lại trước mặt ra sao?
- Nói thật là tôi cũng không rõ rằng mình có thể được sống thêm bao nhiêu năm nữa. Nhưng tôi đã từng có thời điểm tưởng như một chân đặt vào mộ rồi. Nên bây giờ, được sống sót, tôi nghĩ rằng cần phải sống tiếp làm sao để trả nghĩa cho những tình cảm, những sự hy sinh, những sự tận tụy, những tha thứ và cứu rỗi mà những người thân đã dành cho mình. Được thêm chút nào hay chút ấy… Phải sống sao để nếu có chuyện gì bất ngờ xảy ra với mình thì mình cũng không phải quá ân hận vì những duyên nợ ở đời.
* Nhiều người vẫn nhắc tới một Hồng Thanh Quang lãng mạn và đa tình trong thơ lẫn trong tình yêu. Vậy hãy hình dung thêm: Nếu có một Hồng Thanh Quang thực tế, điềm đạm - và có cả chút chỉn chu - trong tình yêu, thì thơ của anh ta sẽ như thế nào?
- Cuộc sống không có nhữnggiả sử. Hay hay dở thì tôi cũng đã trải qua một chặng đường đời quan trọng nhất của mình. Không ai làm thơ vì hạnh phúc cả, nên dĩ nhiên nhà thơ trong đời và trong thơ luôn có rất nhiều thất thố. Khác đi thì có thể có thêm nhiều thứ khác nhưng chắc chắn là không thể có những câu thơ như đã có. Vì thơ thì đành phải trở nên đắc tội thôi, với người, với mình…
Không thể có người làm thơ chỉn chu, mực thước mà lại viết được những câu thơ hay. Tất nhiên, không chỉn chu, mực thước thì cũng chưa chắc đã có thơ hay. Ở đây, có lẽ phải tin vào khái niệm gọi là số phận. Số phận tôi đã như thế, tôi chấp nhận, không hoan hỉ nhưng càng không oán thán. Và rất mong được thấu hiểu - và nếu có thể, được tha thứ bởi những lầm lẫn, quá đà, thiếu chính tắc từng gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho những người thân thiết trong đời…
* Cuối cùng, ở tuổi 60 và đã nghỉ hưu, một ngày bình thường của anh thường trôi qua như thế nào? Nếu được đề nghị chia sẻ tâm lý để chờ đón và chuẩn bị cho cột mốc 60 tuổi trong cuộc đời mình, anh sẽ nói thế nào với độc giả?
- Tôi vẫn viết như tôi đã viết, theo cảm hứng và theo yêu cầu của những tòa soạn còn cần tới sự cộng tác của tôi. Tôi luôn có đủ công việc trên bàn viết để không phải ăn không ngồi rồi. Tôi sống cuộc đời hưu trí theo cách mà tôi có thể và tôi thích, không nghe theo lời khuyên của ai cả…
* Xin cám ơn anh!
“Gương mặt như mầm cây/ vừa trồi lên khỏi đất/ nước mắt/ là nước thánh/ trong giá lạnh/ ấm êm/ trên chông gai/ dịu ngọt/ bắt tay lưỡi dao sắc/ như ngắt một nhành hoa/ em ở gần hay xa/ vẫn nguyên là nỗi khát/ lúc đau buồn tự hát/ những lời không thanh âm...” (Vô chiêu, thơ Hồng Thanh Quang) |
Cúc Đường (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất