06/03/2021 07:12 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đề tài miền núi là mảnh đất màu mỡ, neo người nhưng không phải cây bút nào cũng dám lựa chọn. Nhưng với Đỗ Bích Thúy thì khác, chị là “người con của núi”. Miền quê hương rẻo cao dù có xa vời vợi thì “đất đã hóa tâm hồn” thành dòng ký ức lấp lánh, mãnh liệt và bản năng giúp nữ nhà văn dù có ở đâu vẫn cứ viết như người đi xa được trở về nhà.
Như trong Đêm cá nổi, Đỗ Bích Thúy từng viết: “Tôi sinh ra ở núi rừng. Tôi ăn học ở thành phố. Núi rừng là tuổi thơ tôi. Thành phố là tuổi thanh xuân của tôi. Núi rừng ở sau lưng. Thành phố đang ở trước mặt. Tôi đang đi từ phía trước mặt về phía sau lưng…”.
Miền ký ức tuổi thơ đắm mê trong sách
Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên trong một bản nhỏ của người Tày ở một vùng thung lũng hẻo lánh, cách thành phố Hà Giang chừng 10 cây số. “Tôi mê đọc sách từ bé. Trong ký ức, tôi nhớ như in mỗi phiên chợ, đều được theo bố mẹ đi chợ, ngồi lắc lẻo trên những sọt cam. Ngày ấy, nhà thường trồng cam mang đi bán để lấy tiền sinh hoạt. Cuối phiên chợ, sau khi cam đã bán hết, tôi được bố dẫn vào hiệu sách để mua những cuốn sách mà tôi yêu thích” - chị nhớ lại.
Từ đó, cô bé Thúy bắt đầu đọc Tô Hoài, đọc Vũ Tú Nam, đọc Phong Thu… trong niềm ham thích tột cùng. Ấy nhưng nhà nghèo, số sách Thúy được đọc không nhiều. Có những cuốn sách Thúy đã đọc đi đọc lại 4 - 5 lần, đến độ mà cuốn nào cũng được đọc thuộc nằm lòng đến từng trang, trang nào bị gián nhấm thủng cũng đều nhớ rõ. Hễ có thời gian là Thúy đọc sách, trốn bố mẹ ngủ trưa để đọc sách.
Mê đắm trong sách, trong những truyện thiếu nhi, trong cô bé Thúy ngày ấy bắt đầu nảy nở những thôi thúc: “Đến bao giờ? Liệu mình có thể tự viết một cuốn sách không?”, “Nếu như mình tự viết thì sao?”…
Mãi đến năm lớp 12, Thúy mới bắt đầu viết những tản văn, những mẩu truyện đầu tiên. Chị viết rất nhiều và gửi “điên cuồng” cho các báo nhưng số bài gửi đi lên đến cả 70 - 80 bài đều không có bất cứ một phản hồi nào. Ngày ấy, với những tờ báo “hot” như: Thiếu niên, Hoa học trò… những bài viết mà Đỗ Bích Thúy gửi đi đều không thể “lọt” được vào.
Thời đó, mọi người viết cái gì thì Đỗ Bích Thúy cũng viết theo, viết về nông thôn, viết về thành thị, viết về trường lớp… Đến khi chuyển hướng viết và gửi bài cho tạp chí Tuổi xanh, nữ nhà văn mới có bài viết đầu tiên được đăng trên báo. Đó là tản văn ngắn chừng 200 chữ có tựa đề Con của rừng đăng năm 1994 với nhuận bút 10 nghìn đồng. Dấu mốc đáng nhớ này đã tạo một động lực ghê gớm cho Đỗ Bích Thúy, khiến chị tự tin rằng cuối cùng thì tác phẩm của mình cũng có thể in được chứ không đến nỗi rơi hết vào sọt rác.
“Hãy viết về những điều thân thuộc nhất”
Kể từ tản văn đầu tiên được đăng báo năm 1994, Đỗ Bích Thúy viết đằng đẵng, miệt mài cộng tác cho các báo suốt những năm tháng trên giảng đường đại học. Đến năm 1999, chị tham gia cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị được Ban biên tập tạp chí này gợi ý: “Em cần phải viết về những thứ mà em hiểu sâu sắc nhất”. Với tác giả của Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, đó chính là một bài học đích đáng. Cho đến mãi sau này, khi đã thành công, nữ nhà văn vẫn nhớ đến bài học đó và thường nói với những cây bút trẻ rằng: “Hãy viết về những điều thân thuộc nhất, thuộc như lòng bàn tay, như là hơi thở, như là máu…”.
Chính vì viết về những thứ “như là hơi thở, như là máu” mà tại cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998 - 1999, Đỗ Bích Thúy nổi lên như một hiện tượng với chùm truyện ngắn viết về miền núi gồm: Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi và Đêm cá nổi. Chùm truyện ngắn đã xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi năm đó khi Đỗ Bích Thúy chỉ mới đôi mươi, vẫn còn là một cô sinh viên trường báo.
Chỉ ít lâu sau cuộc thi, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được trình làng, càng ghi danh đậm nét tên tuổi Đỗ Bích Thúy với mảng văn xuôi miền núi. Bằng bút lực dồi dào, liên tiếp những truyện ngắn, tiểu thuyết khai thác đề tài miền núi ở khía cạnh văn hóa sắc tộc, thân phận cuộc đời và khát vọng tâm hồn của những con người trên rẻo cao, của nhà văn Đỗ Bích Thúy ra đời như: Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Ký ức đôi guốc đỏ, Bóng của cây sồi, Chúa đất, Lặng yên dưới vực sâu…
Cho đến nay với hơn 20 tập truyện, tiểu thuyết về đề tài miền núi, có lẽ nên gọi Đỗ Bích Thúy với danh xưng nhà văn “đặc sản” của văn xuôi miền núi.
20 năm “cày xới trên thửa ruộng ít người đi qua”
Có một điều đặc biệt trong sự nghiệp của Đỗ Bích Thúy đó là hầu hết những tác phẩm viết về đề tài miền núi suốt hơn 20 năm qua đều được viết ở dưới miền xuôi từ khi rời xa quê hương Hà Giang xuống Hà Nội học đại học. Như cây bị bứng ra khỏi rừng nhưng Đỗ Bích Thúy vẫn viết về những rẻo cao xa thẳm vời vợi trong ký ức với một bút lực dồi dào như dòng Nho Quế chảy mãi không dừng. Bằng cách nào mà tác giả của Tiếng đàn môi sau bờ rào đá làm được như vậy?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy quan niệm: “Khi đã lùi xa một vùng văn hóa, một vùng đất đã gắn bó, sẽ có một quãng nhìn lại qua không gian, qua thời gian, sẽ mang đến một cảm xúc mạnh mẽ hơn, tinh tế hơn, sâu sắc hơn và nhiều chiều hơn về vùng đất ấy”. Đó có lẽ là lý do mà khi Đỗ Bích Thúy phải rời xa mảnh đất Hà Giang thì nữ nhà văn viết nhiều và dồi dào về miền núi đến vậy.
Khi bắt đầu viết, những tác giả trẻ thường có xu hướng tập trung viết về những thứ xảy ra xung quanh, những thứ lấp lánh trong ký ức, những thứ khiến người viết nhớ và ám ảnh nhất. Khi người viết trưởng thành sẽ viết chuyên nghiệp hơn, biên độ sẽ mở rộng và tầng nghĩa dày dặn lên từ chính sự lựa chọn ban đầu. Và nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng thuộc trường hợp này khi viết về miền núi.
Với Đỗ Bích Thúy, viết về miền núi là một lợi thế khi không có quá nhiều người viết. Trên văn đàn hiện tại, số tác giả viết về miền núi để lại dấu ấn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi đây là một vùng văn hóa màu mỡ. “Hạnh phúc nhất đối với một người cầm bút là được cày xới trên thửa ruộng rất ít người đã bước qua. Chọn viết về đề tài miền núi là may mắn trời cho. Và tôi đã chọn đúng ngay từ đầu. Tôi không phiêu lưu và mất thời gian vào những đề tài khác mà có thể chẳng có thành quả”.
Để duy trì mạch viết về miền núi trải dài đến nay, đã hơn 20 đầu sách là cả một kỹ năng lao động dày dặn của nữ nhà văn được xây dựng từ 3 yếu tố nền tảng gồm: Cảm xúc mãnh liệt, kho tư liệu phong phú và những chuyến trở về.
Trước tiên là cảm xúc, đó là thứ thuần túy thuộc về mỗi cá nhân. “Khi phải lùi xa khỏi vùng đất Hà Giang, lùi cả không gian, lùi cả thời gian thì những thứ đẹp nhất, ấn tượng nhất, sâu sắc nhất đọng lại trong tâm trí của tôi. Trong đó có cả những nhớ nhung, những muộn phiền, có cả những bất lực, đau đáu… Tất cả luôn thường trực trong tâm trí. Chính vì thế khi được viết về miền núi tôi luôn thấy hạnh phúc. Điều tôi mong muốn trong suốt cuộc đời sáng tác cho đến bây giờ và mãi sau này đó là viết về dân tộc thiểu số và miền núi” - nhà văn Đỗ Bích Thúy bộc bạch.
Tuy nhiên, nếu như chỉ viết những điều mình đã trải qua, những gì có trong ký ức thì có lẽ nhà văn chỉ viết được vài ba đầu sách.
“Ký ức có là bao? Ký ức chỉ có sự nhớ nhung về vùng đất, về con người mà không phải tất cả. Ký ức chỉ là thứ tạo ra cảm hứng đầu tiên như một gạch đầu dòng lấp lánh, mặc dù quan trọng nhưng chỉ chiếm 1% trong quá trình sáng tác của tôi. Tất nhiên đó là 1% mang tính quyết định, không có 1% đó thì 99% nỗ lực còn lại vứt đi” - nhà văn Đỗ Bích Thúy tâm niệm.
“Việc tôi có thể viết dài hơi cho đến thời điểm hiện tại là hơn 20 đầu sách mà phần lớn viết về miền núi, cần phải có một nguồn tư liệu khổng lồ. Không thể nào không có tư liệu. Mỗi nhà văn làm việc chuyên nghiệp cần phải chuẩn bị cho mình một kho tư liệu. Có nhiều cách để tích lũy tư liệu. Tôi là người luôn có ý thức về việc tích lũy tư liệu qua đọc sách, báo, internet… Đặc biệt, qua những công trình nghiên cứu lớp lang về văn hóa Mông được nghiên cứu dày dặn.
Các nhà nghiên cứu đã làm thay nhà văn những việc khó khăn nhất rồi. Họ dành cả đời để đi điền dã, đọc hàng nghìn trang sách, nghe hàng trăm nghệ nhân kể chuyện… Những công trình của họ là nguồn tư liệu cực kỳ quý giá đối với người sáng tác. Việc của nhà văn chỉ là đọc, hiểu và xử lý tư liệu đấy như thế nào cho nó phù hợp với tác phẩm văn học. Tôi thực luôn cảm thấy biết ơn họ”.
Và sau cùng là những chuyến trở về. Quay trở về khiến cảm xúc của nhà văn trở nên sống động và hưng phấn hơn. Đồng thời, những chuyến trở về giúp nhà văn quan sát miền núi chuyển mình. Có những sự thay đổi có thể nhìn thấy bằng mắt.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy dẫn chứng: “Tiểu thuyết Bóng của cây sồi tôi lấy bối cảnh là ngôi làng Tày nơi mình sinh ra. Trong ký ức, ngôi làng đẹp như tranh. Những ngôi nhà sàn lợp cọ trăm năm tuổi nằm sát chân núi, có suối chảy trong vắt, có cánh rừng xanh biếc, có cánh đồng thoai thoải một màu xanh mướt chạy tít mãi đến sông Lô. Đến nay thì ngôi làng hoàn toàn biến mất, những ngôi nhà tầng xuất hiện, những thửa ruộng được tôn cao lên để lấy đất làm nhà sát đường ô tô. Người làng không còn mặc trang phục truyền thống, và cũng ít dần đi tiếng nói của tổ tiên. Ngôi làng ấy cuối cùng chỉ còn đẹp trong ký ức. Đó với tôi, thực sự là một mất mát đớn đau”.
Trước nhà văn Đỗ Bích Thúy, đã có một số cây đại thụ trong làng văn ghi danh ở mảng văn học miền núi như: Tô Hoài, Ma Văn Kháng… nhưng tác giả Bóng của cây sồi chưa bao giờ coi đó là áp lực hay thách thức trên con đường sáng tác. Chị cho rằng, “miền núi của thế hệ trước là miền núi của nhiều thập kỷ trước còn những cái tôi viết là miền núi của hôm nay. Kể cả viết những tác phẩm mang tính huyền thoại như Chúa đất, ngòi bút vẫn mang hơi thở hôm nay. Đó là sự khác biệt của tôi với những nhà văn tên tuổi lừng lẫy đi trước”.
Không phải là một miền núi hoang sơ như Tô Hoài. Cũng không phải một miền núi phồn thực như Ma Văn Kháng. Miền núi trong văn chương của Đỗ Bích Thúy đào sâu đến những yếu tố liên quan đến văn hóa tộc người và những biến chuyển của nó trong đời sống hôm nay. Theo nhà văn Đỗ Bích Thúy, đó chính là sự hấp dẫn bạn đọc trong những truyện ngắn, tiểu thuyết viết về vùng cao của chị.
Nữ nhà văn cho rằng, khi viết về một vùng đất nào đó thì văn hóa bản địa, văn hóa tộc người là những ngữ liệu đặc sắc không thể bỏ qua. Viết về phong cảnh ai cũng có thể nhìn thấy, ai cũng có thể viết và mô tả tương tự nhau nhưng khó để lại dấu ấn. Đó là những thứ đã quá quen thuộc còn những thứ mới lạ với số đông thì phải là những vỉa tầng văn hóa nằm ở dưới bề mặt đời sống. Và Đỗ Bích Thúy chính là người thổi không khí, mang linh hồn, biến những vỉa tầng văn hóa đó thành những hiện hữu cụ thể có khả năng gợi cảm xúc dẫn dắt bạn đọc qua ngôn ngữ văn chương.
Đọc Đỗ Bích Thúy dễ thấy một mẫu số chung trong sáng tác của chị là một màu sắc u buồn. Bởi với tác giả Chúa đất, chị tự cảm thấy khó viết được chuyện vui. Vui đấy nhưng cũng buồn ngay đấy. Văn chương là câu chuyện thân phận con người. Thực tế thì trong văn chương nỗi buồn gây ám ảnh mạnh mẽ hơn. Bản thân cuộc sống luôn có quá nhiều thử thách đặt ra đối với mỗi số phận. Việc của văn chương là đào sâu, cặn kẽ và rốt ráo, đặt ra các tình huống và trả lời các câu hỏi. Càng là những câu hỏi mang tính phổ quát thì càng dễ chạm tới trái tim bạn đọc, và càng có nhiều đáp án đặt ra…
Văn chương của Đỗ Bích Thúy cũng hiếm khi mang đến một cái kết tròn trĩnh. “Tôi không chủ trương kết thúc kiểu “happy ending”. Cũng có cuốn kết thúc có hậu khiến tôi cảm thấy thất bại. Bản thân cuộc sống không tròn trịa và văn chương là cuộc sống. Sự tròn trĩnh hay khuyết thiếu trong văn chương đều nằm ở ý định chủ quan của nhà văn. Tôi luôn kỳ vọng những cuốn sách của mình có sức ám ảnh đối với bạn đọc. Và người ta thường bị ám ảnh bởi những kết thúc chưa tới đích hơn là đã mỹ mãn đâu vào đấy. Là tôi nghĩ vậy. Tôi muốn khi khép lại cuốn sách, độc giả vẫn hỏi: Cuối cùng thì sao? Tại sao lại kết thúc như thế này mà không phải như thế kia? Đại khái vậy”.
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất