02/09/2011 10:54 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Giờ đây nhìn lại khối lượng tác phẩm văn học với khoảng 40 đầu sách, trong đó hơn 20 đầu sách viết về Bác Hồ, nhiều người khó có thể hình dung nổi là làm thế nào mà một nhà văn thương binh hạng 1/4 luôn luôn phải chống chọi với sự hành hạ của thương tật, nhất là khi trái nắng trở trời, trong hoàn cảnh sống hết sức eo hẹp, lại có thể làm được.
Nhận xét về nhà văn Sơn Tùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần nói: “Đó là một con người có trí mệnh”. Đánh giá về sự nghiệp văn chương của Sơn Tùng, giáo sư Phan Ngọc viết: “Đó là con đường khiến anh trở thành con người có uy tín nhất viết về tiểu sử Hồ Chí Minh” với một “Phong cách Sơn Tùng”.
Đau đáu với đề tài hàng chục năm trời
Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Sơn Tùng sinh năm Mậu Thìn - 1928, tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một vùng đất ngay bên bờ biển. Sơn Tùng lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống “trọng chữ hơn trọng miếng ăn”.
Năm 1944, 16 tuổi, Bùi Sơn Tùng hăng hái tham gia cách mạng. Từ năm 1948, ông đã có ý định tìm hiểu lai lịch Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột Bác Hồ) tại làng Chùa và làng Sen (huyện Nam Đàn), người thanh niên họ Bùi làng Kim đã ghi chép được nhiều tư liệu quý báu. Ở đó, nhà văn tương lai đã tạc dạ (theo lời kể của bà Thanh và ông Khiêm) điều cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy các con mình từ thuở ấu thơ: liêm sỉ và quốc sỉ là hai điều căn bản trong suy nghĩ và hành động của đời người.
Đầu năm 1955, về Hà Nội, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961 ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1965, phóng viên Sơn Tùng là đặc phái viên thường trú báo Tiền Phong tại Khu IV, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Năm 1967, ông xung phong đi B. Dọc đường vào chiến trường, ông tiếp tục lần tìm những nhân chứng liên quan đến đề tài về Bác Hồ.
Sơn Tùng vào chiến trường Đông Nam Bộ phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng. Ông cùng đồng nghiệp bám sát các mặt trận, các đợt trinh sát, gần gũi dân, đến nhiều địa điểm nóng bỏng để phản ánh kịp thời cuộc sống và chiến đấu của bộ đội và đồng bào. Từ thực tế chiến trường, ngoài tin tức, bài vở đăng trên các số báo Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng còn viết ký, truyện gửi ra các báo ngoài Bắc, ký tên Sơn Phong. Ông miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm sau này.
Ngày 15/4/1971, nhà báo Sơn Phong bị thương trong khi ông đang viết bài xã luận cho số báo đặc biệt chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam tại căn cứ Tà Nốt (thuộc tỉnh Tây Ninh) ở Chiến khu Đ. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, lúc đó là Phó Văn phòng Trung ương Đoàn là người trực tiếp cõng nhà báo Sơn Phong về trạm cấp cứu tiền phương.
Mang trên mình 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não, trở về Hà Nội Sơn Tùng lao vào miệt mài xây dựng các tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc, mà ông đã đau đáu hàng chục năm trời. Giờ đây nhìn lại khối lượng tác phẩm văn học với khoảng 40 đầu sách, trong đó hơn 20 đầu sách viết về Bác Hồ, nhiều người khó có thể hình dung nổi là làm thế nào mà một nhà văn thương binh hạng 1/4 luôn luôn phải chống chọi với sự hành hạ của thương tật, nhất là khi trái nắng trở trời, trong hoàn cảnh sống hết sức eo hẹp. Điều này chỉ được cắt nghĩa bởi chính nghị lực phi thường và nhân cách trong sáng của ông. Đều đặn trong suốt 40 năm ròng rã, hàng ngày ông luyện tập và lao động. Bên cạnh ông, giúp sức và nâng đỡ ông cũng ngần ấy thời gian là người vợ - bà Phan Hồng Mai. Và, không kém phần quan trọng là sự động viên, gần gũi của rất nhiều bầu bạn gần xa, nhiều thế hệ bạn đọc yêu quý ông. Ông đã chiến thắng bệnh tật, vượt lên chính bản thân, để tập trung vào lao động nghệ thuật.
“Viết bằng tâm linh”
Có lần nhà văn Sơn Tùng tâm sự: "Viết về Bác nếu chỉ đơn thuần là những hiểu biết thông thường thì không thể viết được mà phải viết bằng tâm linh". Ông trở thành nhà văn viết về đề tài Bác Hồ thành công nhất, cho đến thời điểm này. Danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động” do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao cho ông ngày 22/7/2011 là phần thưởng xứng đáng, ghi nhận công lao của ông đối với nền văn học nước nhà, khẳng định ông là “người có trí mệnh” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ông.
Những tác phẩm văn học viết về đề tài Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng không chỉ chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử của thời đại, mà còn là sự vận động không ngừng của sự tiếp cận quy luật để nhận thức Chân-Thiện-Mỹ từ người sáng tạo nghệ thuật. Đó chính là căn cốt của “Phong cách Sơn Tùng”.
Năm 1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết trong “Lời tựa” cho lần xuất bản thứ hai tiểu thuyết Búp sen xanh (Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức in và in đầy đủ trong lần xuất bản năm 2005): ...“Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Về vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và tất cả chúng ta, cần suy nghĩ để có thái độ. Song, ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”. Gần 30 năm kể từ ngày ra mắt (1982), đến nay tiểu thuyết Búp sen xanh liên tục được tái bản tới 25 lần, một điều hiếm thấy nếu không muốn nói là duy nhất trong đời sống văn học Việt Nam.
“Phong cách Sơn Tùng”
Ngoài các tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ và các danh nhân văn hóa, Sơn Tùng còn có 2 tiểu thuyết chiến tranh: Trái tim- Quả đất viết về Chiến dịch Biên giới (1950) và Lõm viết về Tổng tiến công Mậu Thân (1968). Ở tiểu thuyết đầu, tác giả có độ lùi khá xa (hoàn thành năm 1989) và sử dụng những nguồn tư liệu lịch sử để dựng nên những hình tượng và hoàn cảnh có tính điển hình.
Còn Lõm, tác giả với tư cách là người trong cuộc, đã từng “lặn” vào nội đô Sài Gòn, và ngay sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, Sơn Tùng đã “truy” tiếp tài liệu trong kho lưu trữ của chính quyền ngụy, để bắt tay vào viết, đến cuối năm 1976 hoàn thành; và, sau 18 năm lận đận cuốn sách mới được xuất bản (NXB Thanh niên, 1994). Tuy “độ lùi” thời gian rất ngắn, song tiểu thuyết Lõm đầy ắp những ý tưởng có tính dự báo cao với cái nhìn sắc sảo, logic và nhân văn, văn phong xen cài nhiều thể loại, từ đó bật trội những ám ảnh của tình người, của tương lai hòa hợp dân tộc, của những vấn đề hậu chiến nóng bỏng, mà sau đó dần dần phát lộ trong đời sống đương đại.
Hai tiểu thuyết này “góp phần” khẳng định “phong cách Sơn Tùng” một cách đậm đà màu sắc ở lối viết giản dị, có phần cổ điển, nhưng đa nghĩa, nhiều tầng, khiến người đọc phải đọc chậm rãi, suy ngẫm cùng tác giả và tự tìm những điều cần thiết cho riêng mình ngoài văn bản tác phẩm, đặc biệt đối với Lõm. Có lẽ vì không dễ đọc mà tiểu thuyết Lõm, tuy đã được tái bản 4 lần, ít được giới phê bình lý luận “để mắt” tới.
Trong rất nhiều bài thơ, đã in và chưa công bố, những câu thơ trong bài Cửa sổ xanh (8/8/1975) của Sơn Tùng có sự rung động sâu lắng: “Anh không nhớ thời gian/Mà đếm tuổi cây bàng qua màu lá/Và đo tầm lớn của em qua cửa sổ/Qua chiều sâu thương nhớ giữa lòng anh”.
40 năm vật lộn với thương tật, nhà văn Sơn Tùng đã lao động và sáng tạo nên những tác phẩm văn học giá trị. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông là bài học, là tấm gương về NHÂN CÁCH NGƯỜI CẦM BÚT. Nhân cách ấy in đậm lên từng trang viết của ông, được người đọc nâng niu trân trọng và tiếp tục nhân rộng, đó là phần thưởng quan trọng nhất, quý giá nhất đối với một người viết văn như ông - NHÀ VĂN SƠN TÙNG.
Cao Ngọc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất