24/05/2017 15:57 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam cho hay: “Văn bản chỉ đạo của của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ VH, TT&DL về việc không cần cấp phép phổ biến 300 ca khúc cách mạng rất kịp thời, mang lại không khí thanh bình vốn có mấy chục năm nay của âm nhạc Việt Nam”
Chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam nói:“Văn bản của Bộ VH, TT&DL đưa ra có sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tất cả các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”. Việc cho phép ca khúc mặc nhiên được sử dụng rộng rãi này là cách nhìn đúng vốn như ngày xưa đã từng có, mà gần đây Cục NTBD đã làm những động tác rối ren đi, làm cho xôn xao dư luận.”
“Nhân đây, tôi cũng xin nhắc lại, cách đây 2 tháng cục NTBD khi đưa ra văn bản cấp phép cho mấy bài hát của Trịnh Công Sơn đã gây bức xúc lớn trong dư luận. Tưởng rằng Cục NTBD đã có ý kiến xin lỗi, mà còn lại ra văn bản công bố danh mục các tác phẩm được phép phổ biến lưu hành thì quả thật, Cục này vẫn không nhìn nhận ra vấn đề. Ngoài sai lầm về tư duy, còn là phương thức thực hiện, phương thức quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước” – ông Phương cho biết.
* Tác phẩm âm nhạc Việt Nam có hàng chục vạn bài…
“Theo tôi, Luật pháp sử dụng 3 hình thức quy phạm chính để điều chỉnh hành vi, hành động và cuộc sống của các công dân nước mình: Thứ Nhất là cho phép, như các công dân được quyền tự do sinh sống, hành nghề... Thứ Hai là bắt buộc (tức là nghĩa vụ) ví dụ nghĩa vụ quân sự, tuân thủ luật pháp, đóng thuế (nếu kinh doanh)... Và thứ Ba là cấm: cấm giết người, cấm làm hại tài sản đất nước, cấm buôn lậu, cấm buôn vũ khí...
Thế nhưng, người ta chỉ đưa ra những đầu danh mục được cho phép, chứ không thể kể hết ra được những thứ cho phép. Tôi không hiểu sao Cục NTBD lại làm cái việc công bố những bài hát được phép phổ biến lưu hành này. Sau mấy tháng ra được hơn 300 bài, chẳng nhẽ mấy tháng sau lại họp hành thảo luận, công bố 300 bài nữa. Nếu cứ làm việc quần quật thì một năm cũng chỉ công bố được hơn 1.000 bài. Có làm nhanh, cứ cho là mỗi tháng ra một bản công bố thì một năm cũng chỉ được 3.600 bài. Trong khi ca khúc, tác phẩm âm nhạc của Việt Nam có hàng chục vạn bài, hàng chục vạn tác phẩm. Chúng tôi là cơ quan về thực thi quyền tác giả, chúng tôi biết điều này.
Mỗi tháng Cục NTBD hì hục công bố 300 bài, 10 năm mới công bố được 36.0000 bài, thì bao nhiêu năm mới công bố được tất cả những bài hát được phổ biến rộng rãi, được lưu hành…Không ai làm như vậy cả…", ông Phó Đức Phương nhấn mạnh.
“Mà đây mới là những tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Vậy Cục NTBD có có tinh thần trách nhiệm để công bố những bài hát nước ngoài được lưu hành ở Việt Nam không? Có hàng chục triệu tác phẩm nước ngoài, Cục NTBD làm thế nào để có thể công bố được hết hàng chục triệu tác phẩm đó. Việc làm này rõ ràng là không tưởng, không thể. Do đó việc đưa ra danh sách 300 tác phẩm đó là không cần thiết, tốn kém thời gian sức lực tiền của, gây nhiễu loạn xã hội. May Chính phủ, Bộ VH, TT&DL đã ra được văn bản kịp thời. Và chắc lần này có thể điều chỉnh được suy nghĩ của cục NTBD. Và may mắn là việc làm này được dư luận xã hội phản biện kịp thời, chưa gây tác hại gì cho đời sống âm nhạc nước nhà”.
* Muốn sử dụng tác phẩm phải xin phép tác giả và chủ sở hữu
"Nhân đây, tôi cũng xin nói rõ việc tất cả cá nhân, tổ chức xã hội sử dụng tác phẩm của các tác giả, chủ sở hữu thì phải xin phép tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Chuyện này là đương nhiên không cần phải giải thích. Và khi xin phép, phải được sự cho phép của tác giả và chủ sở hữu quyền. Luật đã ghi rõ như vậy. Chỉ có tác giả và chủ sở hữu quyền mới có quyền cho phép hoặc không cho phép sử dụng tác phẩm của mình. Đó là điều cơ bản, phổ quát.
Tuy nhiên, quyền tác giả cũng có sự hạn chế ở những trường hợp cụ thể và rất hiếm hoi. Nhưng về cơ bản và về phổ quát thì luôn luôn là muốn sử dụng các tác phẩm của tác giả và chủ sở hữu quyền thì phải xin phép họ...
Còn cơ quan quản lý Nhà nước thì có trách nhiệm kiểm duyệt, phát hiện những tác phẩm ảnh hưởng đến Nhà nước, thuần phong mỹ tục… như văn bản của Bộ VH, TT&DL hướng dẫn. Thậm chí, phát hiện ra nhiều thứ tác hại khác nữa. Việc làm này là kiểm duyệt và khi phát hiện ra những tác phẩm gây hại thì phải kiểm duyệt, ngăn cấm kịp thời. Tuy nhiên, khi ngăn cấm không cho biểu diễn thì phải giải thích và việc kiểm duyệt này không thể 1, 2 người có thể quyết định được mà phải có một hội đồng chuyên trách để cấm không lưu hành bài hát đó” – ông Phó Đức Phương nói.
“Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh, không nên nhầm lẫn việc cho phép sử dụng tác phẩm, tức tài sản của các cá nhân, thì chỉ tác giả và chính người chủ sở hữu mới có quyền cho phép hay không cho phép. Còn cơ quan quản lý Nhà nước chỉ ngăn cấm những tác phẩm gây hại. Nhưng việc ngăn cấm không cho sử dụng một tác phẩm nào đó thì phải có giải thích và phải thận trọng, chứ không thể tùy tiện cấm là được”- ông Phó Đức Phương giải thích.
Ngọc Tường (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất