Những thách thức cho 'thương hiệu' Âm nhạc Cống hiến

14/02/2018 07:38 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những thương hiệu “lâu đời” như hãng phim truyện Việt Nam - lẫy lừng một thời và được xem là cánh chim đầu đàn của điện ảnh Việt Nam; hoặc những thương hiệu gần hơn như: VAFACO, Sài Gòn Audio, Bến Thành Audio và Video, Hãng Băng nhạc Trẻ… một thời là “trùm” băng đĩa của thị trường, nay đã và đang dần “lu mờ”.

Tất cả đã chuyển biến trong sự phát triển của một môi trường văn hóa gần như tự phát. Trong bối cảnh đó, “thương hiệu” Âm nhạc Cống hiến cũng đứng trước nhiều thách thức…

Thách thức của âm nhạc thời “công nghệ”

Xét về giá trị của một ca khúc, nếu xem đó là một “tác phẩm” hiểu theo tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ thế giới, thì điều tiên quyết là nó phải mang “dấu ấn cá nhân” chưa nói đến là ca khúc hay hoặc không hay. Nói cách khác nó phải là một cái rất riêng của người sáng tác.

Tuy nhiên, một thời gian khá dài vừa qua, nhiều ca khúc đứng ở Top được nhiều người nghe nhất lại không có được điều đó, bởi chúng được sáng tác theo “công nghệ”. Công nghệ mà bài viết này muốn nói ở đây là một số lớn nhạc sĩ trẻ thời gian vừa qua với cách thức sáng tác ca khúc dựa trên phần hòa âm - phối khí có sẵn của một ca khúc nổi tiếng nước ngoài (mà nhiều người thường gọi là beat nhạc). Hoặc sáng tác dựa trên cấu trúc hòa âm có sẵn.

Chú thích ảnh
Tùng Dương trong liveshow “Trời và đất” (2017), một trong những liveshow “đích thực âm nhạc” hiếm hoi hiện nay

Thực tế, nhiều nhạc sĩ cho rằng với một phần hòa âm phối khí có sẵn hoặc một vòng hòa âm có sẵn, nếu đủ tài nghệ, người sáng tác có thể tạo ra những giai điệu độc lập khác nhau. Nhưng vì không đủ tài nghệ nên giai điệu na ná như bài hát gốc. Mặc khác, phần hòa âm được xem như cái sườn của một ngôi nhà, là hồn cốt của tác phẩm, nên dựa trên hòa âm có sẵn thì tính sáng tạo không cao, và khó tạo được một “dấu ấn cá nhân” cho ca khúc.

Nhiều ca khúc đình đám trên thị trường âm nhạc, tác giả và ca sĩ đang “vinh quang” với hàng chục triệu “view” trên YouTube. Đùng một cái, nó bị phát hiện là giai điệu giống bài hát này, phần “beat” giống “y chang” bài hát nọ. Truyền thông lại có dịp phản ánh một scandal “đạo nhạc”.

Nhạc sĩ sáng tác đang làm một điều vô ích đối với lĩnh vực sáng tạo âm nhạc, kéo theo truyền thông cũng mất thời gian đáng lý không nên có.

Điều đáng ghi nhận trong thời gian qua đối với các nhạc sĩ trẻ là họ có sự tìm tòi, cập nhật xu hướng âm nhạc của thế giới. Tuy nhiên phải thật sự có bản lĩnh, mới có thể học cái của người để biến thành cái riêng của mình, nếu không thì đó chỉ là một sự bắt chước có khi chỉ là rập khuôn.

Giới lý luận - sáng tác ở trường nhạc thường nhắc nhở nhau như một nguyên tắc: Lý luận “học để nhớ”, nhớ từ cổ chí kim để có thể so sánh, đối chiếu, nhận định. Còn sáng tác là “học để quên”, quên đi những tác phẩm mà mình nghiên cứu để có thể viết ra cái không giống cái mình đã từng nghe. Nếu những nhạc sĩ trẻ ngày nay “quán triệt” tinh thần này thì chắc giới truyền thông không phải tốn nhiều giấy mực bởi các vụ “đạo nhạc”.

Ca khúc là thành tố cơ bản làm nên đời sống âm nhạc đại chúng, nhưng với một mặt bằng sáng tác ca khúc như đã đề cập trong bài này. Việc tìm ra một ca khúc của năm, nhạc sĩ của năm chẳng khác gì đãi cát tìm… kim cương.

Chú thích ảnh
Hồ Ngọc Hà trong liveshow “công nghệ giải trí” - loại  hình liveshow hiếm gặp trong thời gian gần đây

Thách thức của môi trường âm nhạc

Trước hết cần nói rằng, theo xu hướng chung của việc phát triển công nghệ và sự thịnh hành của smartphone đã kéo theo việc nghe nhạc trên mạng internet phổ biến hơn là nghe với đầu đĩa CD, DVD. Và cùng với việc giá trị của ca sĩ phổ biến được đo bằng “triệu view” trên YouTube. Vài năm qua việc thực hiện album CD đã nhường bước cho việc sản xuất MV và single. Điều này khiến số lượng album CD bị giản sút khá nhiều, đó cũng là một thách thức cho hạng mục CD của năm - giải Âm nhạc Cống hiến.

Năm 2011 có thể nói là đỉnh cao của thời liveshow, hàng loạt liveshow chất lượng cao như: Những chuyến đi (Tùng Dương), Vui (Lê Cát Trọng Lý), Luala Concert (Công ty DX), Không gian âm nhạc (Dream Studio), Hồ Ngọc Hà Live Concert 2011, Sắc màu (Hồ Quỳnh Hương), Cho một tình yêu (Mỹ Tâm), Thiên thai (Đức Tuấn), Tự tình quê hương 2 (Cẩm Ly), Kỷ niệm 15 năm ca hát (Đan Trường)…

Đây cũng là giai đoạn mà ngoài các live show “đích thực âm nhạc” như của Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý… nó còn có những liveshow đạt đến đỉnh cao của công nghệ giải trí showbiz. Ở đó có những chiếc phi thuyền phải dùng cần cẩu 150 tấn hoặc những màn múa hát với trang phục lộng lẫy, dàn múa phụ họa hoành tráng làm choáng ngợp sân khấu. Tiêu biểu là liveshow của Hồ Ngọc Hà và Hồ Quỳnh Hương mà cho tới nay chưa có một liveshow nào vượt qua được.

Tuy nhiên vì quá tốn kém kinh phí, những liveshow “công nghệ giải trí” này thời gian gần như không còn nữa. Còn những live show mang tính “khám phá” âm nhạc thì lúc nào cũng hiếm hoi.

Một thị trường ca khúc đầy biến động cũng không có nhiều điều kiện để có những liveshow với những ca khúc mới sáng tác có chất lượng cao.

Thêm vào đó nhan nhản những chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc được mở ra, những sao ca nhạc bị “hút” vào những chương trình dài hơi này, có người thì làm giám khảo, người làm thí sinh chiếm một khoảng thời gian lớn, khó để họ đầu tư vào chương trình, dự án riêng của mình.

Lại nói về chương trình truyền hình thực tế, giai đoạn đầu với việc nổ ra các cuộc thi ca hát, dù mỗi năm có nhiều cuộc thi “càn quét” nhưng thỉnh thoảng cũng ló dạng một vài gương mặt mới.

Nhưng thời gian gần đây, các chương trình không còn thi thố mà chủ yếu là mang tính giải trí, yếu tố tìm kiếm tài năng ca hát không còn nhiều. Các cuộc thi như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Sao Mai - Điểm hẹn vẫn còn đó, nhưng 2 năm tổ chức 1 lần, Vietnam Idol thì im bặt… Những điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất hiện những gương mặt mới.

Tất cả những điều đó là những thách thức không hề nhỏ cho “thương hiệu” Âm nhạc Cống hiến. Tuy nhiên, nếu tìm được những ca khúc, album, nhạc sĩ… thật sự xứng đáng cho cống hiến nghệ thuật, tuy gian nan và khan hiếm, nhưng nó lại rất có giá trị. Điều đó cũng được xem là việc làm tích cực, gieo niềm tin cho những nghệ sĩ, để họ không cảm thấy cô đơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật và cả những công chúng lạc quan với tương lai phát triển của âm nhạc đại chúng Việt Nam.

Công bố Giải Âm nhạc Cống hiến lần 13-2018: Kịch tính là đặc sản của Cống hiến

Công bố Giải Âm nhạc Cống hiến lần 13-2018: Kịch tính là đặc sản của Cống hiến

Chiều qua (10/1) tại Hà Nội và TP.HCM, BTC Giải Âm nhạc Cống hiến lần 13 - 2018 của Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức gặp gỡ phóng viên.

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link