13/04/2020 07:25 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - PGS-TS Lân Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, còn được biết đến với công việc chính là khảo cổ học - vừa cho ra đời một bài hát mới, nội dung ca ngợi và khích lệ ngành y đang trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 mang tên Chiều nay nếu anh không về. Ca khúc này vừa được phát sóng trên Đài Truyền hình Hà Nội ngày 12/4.
Nguồn cảm hứng đề “nhà khảo cổ” Lân Cường sáng tác Chiều nay nếu anh không về xuất phát từ việc ngày 30/3, trên báo Sài Gòn Giải phóng, đăng bài thơ Nếu anh không về của tác giả trẻ Vũ Tuấn - một giáo viên dạy toán ở Phú Thọ. Bài thơ rất hay, được mở đầu bằng câu: Nếu anh không về trong buổi chiều nay/ Em đừng buồn và âu lo quá nhé...”.
Thấu hiểu sự gian nan vất vả của ngành y
“Đọc bài thơ tôi thấy rất xúc động và lập tức tôi mượn chỉ 2 câu này để lấy ý chính tư duy cho toàn bộ lời bài hát của mình và lấy tên ca khúc là Chiều nay nếu anh không về. Mới đây, ngày 9/4, qua tập ca khúc Niềm tin (60 bài) do Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản, tôi mới biết bài thơ này đã được 7 tác giả khác phổ nhạc” - PGS-TS Lân Cường cho biết.
Sau khi đã phác thảo được lời và ý tứ của ca khúc, “nhà khảo cổ” ngồi vào đàn piano để sáng tác. Hình ảnh những “chiến sĩ” áo trắng trong ngành y, rồi bộ đội, công an và biết bao người khác đang oằn mình chống dịch, cứ lần lượt hiện lên trong đầu ông, rồi hình ảnh người chồng bác sĩ gọi điện về cho vợ để động viên, an ủi sau 2 tuần xa cách... Chỉ sau 2 giờ, ông đã hoàn thành giai điệu chính và 2 lời của ca khúc. Mừng quá, ông vội phóng xe máy đến nhà NSND Phạm Ngọc Khôi (Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam), để nhờ thể hiện ca khúc bằng đàn piano. “Thử” xong, NSND Phạm Ngọc Khôi vui vẻ nói với PGS-TS Nguyễn Lân Cường: “Được đấy cụ ạ, nhưng phải thêm 2 lời nữa”.
Nghe lời NSND Phạm Ngọc Khôi, ông về nhà viết tiếp 2 lời rồi gửi ca khúc cho ca sĩ Lê Anh Dũng (giải Nhất Sao Mai năm 2007). Chỉ 2 ngày sau đó, Chiều nay nếu anh không về đã được thu thanh và ghi hình tại trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội.
Khi được hỏi: Tại sao ông lại chọn đề tài về đội ngũ y, bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Đại gia đình tôi, đặc biệt là cả 9 bố con, ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng đều đứng trên bục giảng của các trường đại học. Trong đó ngành y chiếm tỷ lệ cao nhất: anh rể, chị dâu, em trai, cháu trai, em dâu, cháu dâu, đủ cả giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ. Chính vì vậy mà tôi rất thấu hiểu sự gian nan vất vả của ngành y, những đóng góp thầm lặng của họ trong xã hội, đặc biệt vào thời chống dịch. Hiện nay, họ trở thành những chiến sĩ thực sự đứng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Thế thì tại sao lại không dùng âm nhạc để ca ngợi và khích lệ ngành y đang trên tuyến đầu chống dịch”?
Chiều nay nếu anh không về, không quá phức tạp về phần hòa âm, phối khí. Đơn giản chỉ có tiếng đàn piano và giọng nam cao. Giải thích cho cách làm nhạc này, PGS-TS Lân Cường cho hay, ông chỉ chọn piano, vì âm sắc của nó dễ đi vào lòng người, khi giai điệu ca khúc của ông có tiết tấu vừa phải, sâu lắng để giãi bày tâm tư của 1 bác sĩ nam với vợ của mình. Toàn bộ ca khúc ông dùng gam Sol thứ làm chủ đạo, nhưng kết thúc ông chuyển sang gam Sol trưởng, để cho cái kết có sắc thái tự hào, thăng hoa như toát lên ý đồ của tác giả về một ngày mai sẽ chắc chắn chiến thắng đại dịch.
Văn nghệ sĩ chống dịch cả ở tuyến đầu, lẫn hậu phương
Nói về việc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các hoạt động văn hóa, giải trí đều phải tạm dừng, nhưng đời sống văn hóa, nghệ thuật vẫn diễn ra rất sôi nổi như tổ chức nhiều phiên đấu giá nghệ thuật trực tuyến để gây quỹ, các họa sĩ vẫn sáng tác, tổ chức các cuộc trưng bày, biểu diễn âm nhạc online vì một mục đích chung: cổ vũ người dân, động viện tinh thần các y, bác sĩ nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, PGS-TS Lân Cường cho rằng đó là điều rất đáng hoan nghênh.
“Tất cả chúng ta là công dân. Đã là công dân thì lẽ thường là phải có trách nhiệm với xã hội. Khẩu hiệu chung nêu ra cho cả dân tộc Việt Nam trong thời gian đại dịch: “Ở nhà là yêu nước”. Chúng tôi chấp hành, nhưng với văn nghệ sĩ không phải ở nhà chỉ để xem tivi, mà ở nhà vẫn tiếp tục sáng tác phục vụ cho công cuộc chống dịch. Nhạc sĩ thì viết ca khúc để các nghệ sĩ thể hiện. Họa sĩ: vẽ tranh cổ động. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo... thì viết bài ca ngợi những tấm gương trong trận chiến chống dịch cả ở tuyến đầu, lẫn hậu phương” - PGS-TS Nguyễn Lân Cường nói.
Với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, PGS-TS Lân Cường đánh giá về phong trào sáng tác đề tài chống Covid-19 đang ngày càng nở rộ trong thời gian qua là rất tốt.
“Đặc biệt nếu quan sát trên mạng thì bạn sẽ thấy đủ mọi hình thức. Nhiều ca khúc viết về đại dịch rất sôi nổi, có khi sử dụng cả cách đọc rap, hay múa phụ họa để thể hiện các động tác chống dịch: xoa tay, đeo khẩu trang...” - PGS-TS Lân Cường nói. “Tôi và một số nhạc sĩ khác đều có nhận định, vì phải phục vụ kịp thời nên các ca khúc viết về dịch Covid-19 rất ít ca khúc khúc hay, một số ca khúc phụ thuộc quá nhiều vào thơ nên khiến ta có cảm giác nhạc chạy theo thơ, thiếu sự gắn kết nhuần nhuyễn. Nhưng dù sao cũng là tin vui khi chưa đầy 1 tháng mà đã xuất hiện gần trăm ca khúc chống dịch của cả nhạc sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Tôi nghĩ và mong muốn sau khi đại dịch bị đẩy lùi, PGS-TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, với vai trò Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sẽ tổ chức một đêm diễn các ca khúc về chống dịch Covid-19, bán vé lấy tiền làm giải thưởng tặng cho những người có công lớn trong cuộc chiến có một không hai này”.
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất