Sài Gòn một thuở - 'Dân Ông Tạ đó!': Tiểu lịch sử về một khu vực đặc biệt

17/03/2021 19:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cù Mai Công sống ở khu Ông Tạ (Sài Gòn - TP.HCM) hơn nửa thế kỷ nay, dùng con mắt “văn võ” để viết nên Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” (NXB Trẻ) một cách phiêu bồng.

Đọc 'Làng xứ Quảng': Một dòng sử ký và tâm thức về làng

Đọc 'Làng xứ Quảng': Một dòng sử ký và tâm thức về làng

Trương Điện Thắng đã xuất bản nhiều tập sách viết về miền quê Quảng Nam. "Làng xứ Quảng" đánh dấu một bước mới, với cách viết đan xen giữa khảo cứu và tản văn, lịch sử và trữ tình, hoài niệm và cảm thức.

Trong thời gian rất ngắn, sách đã bán hết 3.000 bản, vừa in lần thứ hai thêm 3.000 bản. Vì sao một cuốn sách mang tính lịch sử này lại bán chạy như vậy? Có lẽ do Sài Gòn - TP.HCM đã quá nổi tiếng với câu nói “dân Ông Tạ đó”, nên tò mò muốn xem?

Cù Mai Công (sinh năm 1962) viết văn làm thơ từ nhỏ, là nhà báo nổi tiếng với mảng phóng sự điều tra, tiêu biểu là bộ sách phóng sự Sài Gòn By Night (6 tập), phát hành từ 1997 đến 2002. Hiện anh là võ sư huyền đai thất đẳng và là chưởng môn đời thứ 4 của karate shorin-ryu Việt Nam. Từ năm 1979 đến nay, anh đã dạy hơn 5.000 võ sinh bộ môn karatedo tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Tất cả điều này làm nên chất văn hào hứng, phiêu bồng, lôi cuốn của Cù Mai Công.

Chú thích ảnh
Cù Mai Công ký tặng sách hôm 14/3 tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Tự Trung

Đại đồn Chí Hòa - chiến lũy vĩ đại

Về địa lý, khu Ông Tạ một thời là vùng giáp ranh giữa quận Tân Bình, quận 3, quận 10, với trung tâm là ngã ba đường Phạm Văn Hai và đường Cách mạng tháng Tám ngày nay. Xa xưa hơn nữa, phía Bắc của đại đồn Chí Hòa cũng là khu Ông Tạ về sau này. Đại đồn Chí Hòa xây dựng ngay sau khi thành Gia Định thất thủ tháng 2/1859, rộng đến 300 ha, lớn gấp 15 lần thành Gia Định, chỉ 25 ha. Với 13 đồn lũy nhỏ bao bọc đại đồn, nên trận đánh nhau năm 1860, khi Pháp muốn chiếm tiền đồn, đã bị quân ta đánh cho tổn thất nặng nề, phải thu quân. Lúc này, đại đồn do Nguyễn Tri Phương lãnh đạo, dụng binh và xây đồn rất hữu hiệu. đại đồn này còn gắn với nhiều tên tuổi bất tử như Phạm Thế Hiển, Trương Định, Tôn Thất Trĩ, Nguyễn Duy…

Một tài liệu của Pháp viết: “Thành lũy của Nguyễn Tri Phương dựng mau như nấm mọc, hễ chỗ nào có lối đi là có ngay chiến lũy ngăn cản”. Nhưng do nhà Nguyễn chủ hòa, trong khi quân Pháp liên tục đổ quân và binh khí về Sài Gòn, nên quân ta dần bị lép vế. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu, thì ngoài 800 quân có sẵn, đầu năm 1861, Pháp kéo gần 5.000 quân và 50 chiến thuyền từ Trung Quốc về Sài Gòn, quyết chiếm cho được đại đồn Chí Hòa.

Theo nhiều tư liệu, có thể trận chiến tại đại đồn Chí Hòa là lớn nhất của quan quân nhà Nguyễn trước năm 1945, mà trận địa chính là khu Ông Tạ ngày nay. Những nghĩa trang vô chủ một thời, rồi tính khí, tinh thần nghĩa hiệp, chia sẻ, cưu mang… của dân Ông Tạ sau này ắt hẳn có liên quan ít nhiều từ tinh thần vì nước quên thân ở đại đồn Chí Hòa.

Chú thích ảnh
Cuốn "Sài Gòn một thuở" - “Dân Ông Tạ đó!” của Cù Mai Công

Một tiểu lịch sử thú vị

Nói về khu Ông Tạ, dân Sài Gòn - TP.HCM còn có câu “ra ngõ không gặp giang hồ thì gặp văn nghệ sĩ”. Khu này có nhiều người “động thủ” nổi tiếng, ví dụ như võ sư Huỳnh Tiền, trùm du đãng Sơn Đảo… Nhưng ở đây chỉ riêng các văn nghệ sĩ từng gắn bó với khu Ông Tạ, chắc phải hơn 100 người.

Thế hệ trước có nhạc sĩ Văn Giảng (tức Thông Đạt), nổi tiếng với ca khúc Ai về sông Tương, nhà thơ Phạm Thiên Thư được nhiều người biết đến qua 2 bài thơ mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành 2 ca khúc nổi tiếng: Ngày xưa Hoàng ThịĐưa em tìm động hoa vàng; nhạc sĩ Hoài An nổi tiếng với các ca khúc như Câu chuyện đầu năm…

Nơi này còn có các NSND Thanh Tòng, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng… Thế hệ sau có họa sĩ Huỳnh Bá Thành (Ớt), nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, nhà văn Nguyễn Hồng Lam, ca sĩ Minh Thuận, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Phạm Thanh Thảo, ca sĩ Tóc Tiên, MC Đại Nghĩa, NSƯT Quế Trân…

Vượt qua tính chất biên khảo, phóng sự và tạp bút, Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” còn là cách tiếp cận lịch sử mang tính vi mô - một tiểu lịch sử. Sau các bộ sử vĩ mô về một quốc gia, một giai đoạn, một vùng đất, một tỉnh thành… thì các sách sử dạng này là một bổ khuyết cần thiết, vì có cách tiếp cận gần gũi hơn, sinh động hơn.

Cuốn sách của Cù Mai Công cũng giống cuốn Làng xứ Quảng của Trương Điện Thắng mà Thể thao và Văn hóa (TTXVN) vừa mới đề cập là những tiểu lịch sử như vậy. Thậm chí, gần đây còn có cách tiếp cận tiểu lịch sử qua một gia đình, một nhân vật đời thường, không nổi tiếng.

Cù Mai Công cho biết, anh đang viết tập 2 về khu Ông Tạ, sẽ dữ dội hơn, vì đề cập đến nhiều tướng tá, nhiều nhân vật lịch sử và cả các nhân vật trong giới xã hội đen, tội phạm. Nhưng cách viết của anh cũng sẽ ít thay đổi, đó là hòa trộn biên khảo, phóng sự và tạp bút bằng cái nhìn tiểu lịch sử.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link