07/01/2020 19:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “Không có Di sản Văn hóa phi vật thể của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có Di sản Văn hóa phi vật thể của cộng đồng tại một quốc gia nào đó; Công ước 2003 cũng bác bỏ việc xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể nên không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới”.
Đó là ý kiến của tiến sĩ Frank Proschan, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn của UNESCO về Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2003 tại hội thảo "Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể” vừa diễn ra tại Hà Nội. Ý kiến của ông được đăng tải trên một tờ báo khiến dư luận hết sức quan tâm.
Theo chuyên gia này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, của chuyên gia, nhà nghiên cứu thường chuyển tải sai là UNESCO vinh danh, công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể nào đó là của thế giới, của nhân loại và đó là cách hiểu lầm tai hại.
Trước dư luận này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Minh Lý, từng là đại diện Việt Nam trong Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể và hiện đang là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
TS Lê Thị Minh Lý cho biết:
- Thứ nhất, không có xếp hạng đối với Di sản Văn hóa phi vật thể, bởi vì Di sản Văn hóa phi vật thể là sự sáng tạo của các cộng đồng, nhóm người khác nhau. Cộng đồng, nhóm người đó có truyền thống, lối sống, văn hóa, sáng tạo khác nhau và sự sáng tạo đó dựa trên nền tảng văn hóa riêng, tạo nên bức tranh đa dạng văn hóa do đó không thể có so sánh, xếp hạng di sản nào hơn di sản nào.
Thứ hai, nói đến tiêu chí của Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO, của Luật Di sản văn hóa, thì tiêu chí này đưa ra không nhằm, không có ý nghĩa xếp hạng mà chỉ nhằm giúp cộng đồng nhận diện giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể của chính họ và xác định hiện trạng của di sản đó hiện nay đang được thực hành tốt hay bị mai một, đồng thời có các biện pháp thích ứng để bảo vệ.
Di sản Văn hóa phi vật thể khác di sản vật thể ở chỗ, người nhận diện và bảo vệ nó chính là người sáng tạo ra di sản. Khác với nó, Di sản Văn hóa vật thể đôi khi do Nhà nước chỉ ra giá trị, đưa ra các biện pháp bảo vệ một cách độc lập mà không có sự tham gia của người dân. Và bởi Di sản phi vật thể ở trong tay con người - những chủ thể văn hóa - nếu con người không thực hành thì di sản sẽ không hiển hiện. Mỗi biểu đạt văn hóa của mỗi cộng đồng có giá trị với chính họ. Do vậy mà không có xếp hạng để đảm bảo sự tôn trọng giữa các cộng đồng có di sản.
* Vậy thì dựa trên những tiêu chí nào để UNESCO công nhận các di sản, đặc biệt là Di sản phi vật thể, thưa bà?
- Tôi phải nhắc lại là, UNESCO không công nhận, nếu sử dụng thuật ngữ công nhận là chúng ta đứng ở phía của người thứ ba, phía người khác để đánh giá di sản đó, để công nhận di sản này đạt chuẩn này hay chuẩn kia.
UNESCO có 3 loại danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể. Một là Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hai là Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ba là Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể được coi là thực hành bảo vệ tốt nhất.
Tiêu chí của UNESCO dành cho Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại gồm có 5 tiêu chí. Một là, di sản của cộng đồng, của nhóm người hoặc thậm chí của cá nhân sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành dấu hiệu để phân biệt họ với cộng đồng khác, có giá trị tạo thành bản sắc và họ luôn mong muốn được gìn giữ các giá trị đó như là một phần cuộc sống của họ.
Thứ hai là, di sản đó đang còn tồn tại, đang sống, đang được trao truyền cho các thế hệ mai sau để thấy rằng các việc bảo vệ đó là cần thiết.
Thứ ba, di sản đó đóng góp vào sự đa dạng văn hóa và sự phát triển của xã hội.
Tiêu chí thứ tư là, Di sản phi vật thể được kiểm kê, nhận diện và được cộng đồng cam kết bảo vệ.
Tiêu chí thứ năm là, di sản không vi phạm về quyền con người, không vi phạm sự riêng tư của con người và có thể chia sẻ được với mọi người.
Di sản phi vật thể đưa vào khẩn cấp cũng có 5 tiêu chí như thế và thêm một tiêu chí nữa là đang trong tình trạng cần phải được bảo vệ khẩn cấp.
Ở đây không có sự so sánh, không có việc xem xét nguồn gốc của Di sản phi vật thể. Điều này khác với tiêu chí Di sản thế giới: xem nó ở đâu, nguồn gốc thế nào, phải so sánh, phải chỉ ra giá trị nổi bật toàn cầu trong sự so sánh với di sản khác.
* Các tiêu chí này đã bao giờ thay đổi chưa?
- Từ khi Công ước của UNESCO ra đời (2003) đến nay, các tiêu chí này chưa thay đổi, tuy nhiên bản hướng dẫn thực hiện Công ước thì luôn được cập nhật theo yêu cầu thực tiễn.
* Vậy khi Di sản phi vật thể được UNESCO đưa vào các danh sách kể trên thì đó có phải là một hình thức tôn vinh của UNESCO đối với di sản?
- Có thể hiểu sự tôn vinh ở đây là ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng, người dân trong việc gìn giữ bảo vệ di sản chứ không phải nhằm tôn vinh cái di sản đó mà người ta thường dùng các từ như “độc nhất vô nhị”, “duy nhất”, “xuất sắc nhất”, “ngoại hạng”, “vĩ đại nhất”… Đây là những từ không được sử dụng trong các văn bản liên quan đến Công ước 2003 của UNESCO.
* Xin cảm ơn bà!
Tính nhân văn trong các tiêu chí UNESCO dành cho di sản phi vật thể “Tính nhân văn của Công ước thể hiện ở việc các di sản phi vật thể khi được đề cử tới UNESCO (để UNESCO xem xét đưa vào một trong 3 danh sách di sản phi vật thể) đều nhằm mục tiêu bảo vệ. Quốc gia đưa di sản phi vật thể lên UNESCO, một là để đăng ký với UNESCO rằng quốc gia đó có các di sản văn hóa phi vật thể này, hai là quốc gia đó cam kết sẽ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể này cho cộng đồng, cho quốc gia. Bất kỳ cộng đồng nào cũng có thể đưa di sản của mình vào danh sách của UNESCO miễn là đảm bảo được các tiêu chí của UNESCO. Và các tiêu chí này còn nhân văn ở tầm nhìn quốc gia, tầm nhìn quốc tế đối với sự tồn tại của di sản. Chẳng hạn, nếu cộng đồng nhận diện được rằng di sản rất quan trọng, nhưng họ không có đủ điều kiện thực hành và bảo tồn, hoặc di sản sắp bị mai một, không đủ điều kiện truyền dạy cho thế hệ kế tiếp, thì Nhà nước sẽ có những biện pháp cấp bách hỗ trợ để bảo tồn, hỗ trợ để truyền dạy, chuyển tiếp cho thế hệ kế cận. Bên cạnh đó, nếu di sản được đưa vào danh sách di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thì quốc gia sẽ quan tâm hơn, cứu nguy được cho di sản đó, bởi UNESCO luôn luôn quan niệm rằng di sản khẩn cấp bao giờ cũng được quan tâm, ưu tiên hơn di sản đại diện. Các di sản văn hóa phi vật thể đại diện được đưa vào danh sách của UNESCO để thấy được sự đa dạng của văn hóa thế giới, đó là sự nhân văn. Khi đưa các di sản văn hóa phi vật thể vào danh sách của UNESCO, các quốc gia có cơ hội để hiểu nhau hơn, để chia sẻ với nhau, để đồng lòng bảo vệ di sản, không phải là lựa chọn những di sản có ý nghĩa hay giá trị hơn để đưa vào danh sách” (Nhận định của TS Lê Thị Minh Lý) |
(Còn nữa)
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất