Trăn trở với âm nhạc cho thiếu nhi: Bài 1-Thiếu vắng tác phẩm âm nhạc mới chất lượng cao

03/06/2019 07:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều công bố khoa học mang tính ứng dụng đã chỉ ra rằng, bên cạnh sứ mệnh đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần, thì âm nhạc kích thích sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Âm nhạc là một thành tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi. Nhưng hiện nay, âm nhạc cho thiếu nhi đang đối mặt với thực trạng đáng buồn là có rất ít bài hát mới và hay về thiếu nhi.

Hà Nội mở sân chơi đón Ngày Quốc tế thiếu nhi

Hà Nội mở sân chơi đón Ngày Quốc tế thiếu nhi

Chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, nhiều đơn vị tổ chức tổ chức các hoạt động văn hóa, sân chơi bổ ích cho trẻ em với mong muốn mang đến cho các em cơ hội trải nghiệm, tham gia các hoạt động bổ ích trong ngày hội dành cho thiếu nhi.

Mỗi khi đề cập đến thực trạng âm nhạc cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhạc sỹ, nhà giáo lại có chung một nhận xét: Vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa những bài hát có chất lượng trung bình, nhưng lại quá thiếu những bài hát thiếu nhi mới và hay phù hợp với giai đoạn hiện nay và có thể “sống” được trong lòng công chúng.

* Báo động tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn

Nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long kể, khi anh làm giám khảo tại vòng chung khảo Cuộc thi Tài năng thiếu nhi tỉnh Bắc Giang năm 2019, trong tổng số 30 tiết mục tham gia dự thi ở nhiều thể loại gồm hát, múa, nhảy, đánh đàn… thì cả 30 tiết mục đều sử dụng ca khúc và âm nhạc dành cho người lớn, tuyệt nhiên không có một tiết mục nào sử dụng âm nhạc hay ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Trước đó, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cũng tham gia chấm giải cho một cuộc thi Tài năng trẻ ở Thái Bình, trong toàn bộ tiết mục dự thi không có một bài hát hay tác phẩm âm nhạc nào ở lứa tuổi thiếu nhi. Trong nhiều cuộc thi âm nhạc khác mà anh theo dõi, cũng rất ít thí sinh chọn bài hát thiếu nhi, mà chủ yếu hát những bài hát dành cho người lớn.

Chú thích ảnh
Các em thiếu nhi biểu diễn liên khúc Bác Hồ người cho em tất cả - Ca ngợi Tổ quốc trong Chương trình nghệ thuật "Quà tháng Năm dâng Người". Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nói về tình trạng thiếu nhi hiện nay thường hay hát nhạc người lớn, Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội cảnh báo, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngày càng nhiều trẻ em hát những bài hát dành cho người lớn, với những lời hát về tình yêu, về chia ly, đau khổ... khiến cho người lớn không khỏi “giật mình”. Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường lấy ví dụ, có em bé chỉ 6-7 tuổi, nhưng đã lên sân khấu gào thét quằn quại bài hát “Trả nợ tình xa”, với lời ca: “Dốc hết tình này ta trả nợ đời, dốc hết tình này ta trả nợ người…”. Thậm chí, có nhóm nhạc trẻ tuổi chỉ từ 11 đến 14 tuổi đã hát “Trái cấm tình yêu”, “Ok! ta chia tay”, “Không say không về”, “Anh không yêu em”…

Những năm gần đây, tại nhiều sân chơi âm nhạc cho thiếu nhi như Đồ Rê Mí, The Voice Kids, Thần tượng tương lai, Tuyệt đỉnh song ca nhí… ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em hát những ca khúc người lớn, không phù hợp với lứa tuổi.

Gameshow “Tuyệt đỉnh song ca” nhí mùa thứ 2 năm 2018, hai thí sinh Tấn Bảo, Nhật Duy thể hiện liên khúc bolero “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Người đi ngoài phố” và “Xóm đêm”... được cả giám khảo và một số người hâm mộ trên mạng xã hội khen nức nở. Trong chương trình “Biệt tài tí hon” mùa thứ 2, bé Ngô Nguyễn Trâm Anh, 8 tuổi, hát bài “Mưa nửa đêm” với lời ca não nề: “Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng ai trên tường loang, anh gối tay tôi để nghe chuyện xưa cũ, gói trọn trong nỗi nhớ…”, giám khảo cổ vũ, nhiều khán giả cũng tung hô ca ngợi. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khán giả, nhiều phụ huynh, nhạc sỹ cảm thấy buồn và không khỏi lo lắng, bởi lẽ ở lứa tuổi ấy, các em nên hát những bài hát trong sáng và vui tươi, có tác dụng “nuôi dưỡng” và “tưới mát” tâm hồn trẻ thơ, chứ không phải những bài hát đầy yêu, hận, tình, thù như vậy, vừa không phù hợp với lứa tuổi, vừa ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em.

* Âm nhạc cho thiếu nhi - thiếu trầm trọng

Nói về tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho rằng: “Việc trẻ em đua nhau hát nhạc người lớn trong các chương trình âm nhạc chứng tỏ, âm nhạc cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các em thiếu nhi. Hay nói cách khác, các ca khúc cho thiếu nhi nói riêng, các tác phẩm âm nhạc hay dành cho thiếu nhi nói chung của chúng ta đang bị thiếu trầm trọng”.

Khi được hỏi về thực trạng sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay, hầu hết các nhạc sỹ đều có chung câu trả lời: Các tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa các ca khúc chất lượng trung bình, không gây được ấn tượng với người nghe và rất thiếu những bài hát mới và hay.

Theo Nhạc sỹ Hoàng Long, hiện nay số lượng người sáng tác nhạc cho thiếu nhi vẫn khá nhiều, nhưng chất lượng không đi đôi với số lượng, nên những bài hát mới sáng tác cho thiếu nhi không được công chúng đón nhận. Đồng quan điểm này, Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội khẳng định, những năm gần đây, vẫn có một số cuộc thi viết cho thiếu nhi, mặc dù các tác phẩm gửi dự thi khá nhiều, nhưng lại thiếu những ca khúc hay như những tác phẩm viết cho trẻ em của những thế hệ trước.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vắng các tác phẩm âm nhạc mới và hay dành cho thiếu nhi, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do tư duy và năng lực thẩm mỹ về văn học của người sáng tác, một phần do tác giả không chịu đầu tư công sức để tìm hiểu tâm lý lứa tuổi các em. Nhiều nhạc sỹ có sáng tác mới nhưng lại theo nếp cũ, tư duy cũ nên các em không thích nghe. Thêm vào đó, lực lượng nhạc sỹ trẻ có tài hiện nay ít người quan tâm đến viết nhạc cho trẻ em, bởi viết nhạc cho trẻ em vừa khó viết, vừa ít tiền do cơ chế nhuận bút thấp (in một bài hát trên sách chỉ được trả từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng), lại khó nổi tiếng, vì sân chơi giới thiệu sáng tác mới cho thiếu nhi hầu như không có. Trong khi đó, nhiều nhạc sỹ có bài hát lại không có kinh phí dàn dựng, nên tác phẩm cũng không có cơ hội đến với khán giả… Đó là những lý do chính khiến cho các tác phẩm âm nhạc mới và hay cho thiếu nhi đang ngày càng ít ỏi./.  

Trăn trở với âm nhạc cho thiếu nhi: Bài 2-Sáng tác nhạc cho trẻ em cần cả tâm và tầm

Lan Lộc/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link