07/07/2020 08:48 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày mai 8/7, Trung tâm Pompidou ở Paris, một trong những “thánh đường” nghệ thuật hiện đại biểu tượng nhất châu Âu, sẽ mở cửa trở lại sau 3 tháng rưỡi ngừng hoạt động vì dịch Covid-19.
Lần mở cửa này gắn liền với triển lãm tôn vinh cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff (1935-2020) và vợ Jeanne-Claude (1962-2009). Nhân dịp này, hãy cùng nhìn lại số phận của một trung tâm nghệ thuật từng gây rất nhiều tranh cãi trong thế kỷ 20.
Con tàu vũ trụ hạ cánh tại... Paris
Trung tâm Pompidou được hoàn thành vào năm 1977 dựa trên bản thiết kế mang phong cách công nghệ cao của kiến trúc sư người Anh Richard Rogers và kiến trúc sư Italy Renzo Piano, với studio mang tên Rogers + Piano.
“Trung tâm giống như một con tàu vũ trụ khổng lồ làm bằng thủy tinh, thép và các ống màu. Nó bất ngờ hạ cánh ở trung tâm Paris, và đã nhanh chóng bén rễ rất sâu” - kiến trúc sư Piano nói về công trình.
Trước đó, bản thiết kế của Rogers + Piano cho Trung tâm Pompidou đã giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế cho một phòng trưng bày nghệ thuật lớn do Tổng thống Pháp George Pompidou tổ chức vào năm 1971. Cuộc thi nhằm tạo dựng một trung tâm văn hóa và nghệ thuật đương đại mới ở thành phố Paris, vốn chỉ nổi tiếng với các công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật cổ điển.
Mặc dù lúc đó Rogers + Piano mới chỉ thiết kế 14 dự án, Ban giám khảo bao gồm các kiến trúc sư hiện đại nổi tiếng Oscar Niemeyer, Jean Prouve và Philip Johnson đã chọn ý tưởng của họ, thay vì chọn 681 đối thủ khác.
Nhìn lại chiến thắng vào thời điểm đó, Piano nhận thấy bản thân ông và Rogers đơn thuần là những chàng trai trẻ, với đề xuất chỉ là “một bài tập được làm với tinh thần hoàn toàn tự do”, thay vì nằm trong sự “chèo lái” của bất cứ cuộc bàn bạc hay thỏa hiệp nào để giành giải thưởng.
Một ý tưởng quan trọng trong đề xuất của Rogers và Piano là tòa nhà sẽ chỉ chiếm một nửa diện tích, nửa còn lại trở thành quảng trường công cộng. Cấu trúc “lộ thiên” của tòa nhà, được phát triển với sự hợp tác của Peter Rice và Edmund "Ted" Happold của Ove Arup & Partners, được xây dựng từ hơn 16.000 tấn các bộ phận thép đúc sẵn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Pompidou còn nổi bật với mặt tiền được bao phủ với các dịch vụ được mã hóa theo màu: Màu xanh đánh dấu điều hòa, màu vàng là điện, màu xanh lá cây biểu thị cho ống nước. Riêng hệ thống thang trời được đặt trong một ống màu đỏ. Các ống màu trắng là hệ thống thông gió của tầng ngầm.
Những đánh dấu về màu sắc này trông thật ấn tượng với nền tường được làm từ thép và hỗn hợp các tấm kim loại tráng men.
“Điều duy nhất chúng ta biết về thời đại này là sự thay đổi linh hoạt” - Rogers nói với tờ Dezeen trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hồi năm 2013 - “Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra các sàn lớn, có kích thước bằng 2 sân bóng đá. Chúng không bị gián đoạn theo chiều dọc, không bị ảnh hưởng bởi các cấu trúc đặc thù về hệ thống kỹ thuật và cũng không gây bất tiện cho sự chuyển động của dòng người. Về mặt lý thuyết bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn trên những sàn đó”.
Để vào trung tâm, du khách đi từ mặt đất lên một thang cuốn chéo khổng lồ, trên mặt tiền hướng ra quảng trường, đến các hành lang bên ngoài và ngắm khung cảnh. Những lối đi và thang cuốn này được thiết kế để tạo ra một mặt tiền luôn nhộn nhịp và sôi động với những dòng người.
“Đến với Trung tâm Pompidou là đến với một không gian công cộng. Bạn sẽ đi lên mặt tiền của tòa nhà trên không trung với những chiếc thang cuốn nổi trên đó” - Rogers nói - “Mọi người đến đây không chỉ để xem nghệ thuật. Họ còn gặp gỡ nhau và ngắm dòng người qua lại”.
“Cú sốc” kiến trúc của thế kỷ 20
Ngày 20/3/1973, công trình chính thức được khởi công. Vào ngày 3/1/1975, 2 năm trước khi khánh thành, tổ hợp văn hóa mới được chính thức mang tên Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges - Pompidou. Đáng nói, sau khi Tổng thống Pompidou hết nhiệm kỳ, người kế nhiệm là Valery Giscard d'Estaing đã dự định ngừng xây dựng công trình này. Tuy nhiên, do sự vận động của Thủ tướng Pháp khi đó là Jacques Chirac, công trình Trung tâm Pompidou vẫn tiếp tục được tiến hành.
Kể từ khi hoàn thành, Trung tâm Pompidou đã đón hơn gần 200 triệu khách tham quan. Giờ đây, công trình này được tôn vinh là một trong những địa danh văn hóa quan trọng của Paris. Các hiện vật tác phẩm nghệ thuật trưng bày của Trung tâm Pompidou được chia thành 2 bộ sưu tập hiện đại và đương đại. Bộ sưu tập hiện đại gồm các tác phẩm từ 1905 đến 1965 của các bậc thầy như Picasso, và Georges Braak. Trong khi đó, bộ sưu tập đương đại bao gồm thiết kế, kiến trúc, nghệ thuật sắp đặt... xuất hiện từ năm 1980 đến nay.
Có điều, bản thiết kế mang tính cấp tiến của tòa nhà đã vấp phải nhiều sự chỉ trích trong thời gian đầu. Tờ Le Monde của Pháp mô tả là “một King Kong kiến trúc”. Đồng thời, nhiều người chỉ trích thiết kế này gọi Pompidou là “nhà kho nghệ thuật”, “nhà máy ga” hay “nhà máy lọc dầu”. Rogers thậm chí còn bị một phụ nữ qua đường đánh bằng chiếc ô của cô khi anh tiết lộ mình là nhà thiết kế.
“Người ta thực sự khó vượt qua được cú sốc trước những gì quá mới mẻ” - Rogers nói. Thời điểm đó, ông kiên quyết rằng yếu tố “gây sốc” này là một dấu hiệu tốt và phù hợp với xu thế hiện đại: “Trong quá khứ, kiến trúc Gothic là một cú sốc tuyệt vời. Và kiến trúc thời Phục hưng cũng là một cú sốc khác đối với tất cả các tòa nhà nhỏ thời trung cổ”.
Cảnh giác tối đa với dịch Covid-19 Dù mở cửa trở lại, Trung tâm Pompidou vẫn áp dụng những biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt giữa mùa dịch. Theo đó, vé được bán trực tuyến nhằm tránh xếp hàng tại cổng, du khách trên 11 tuổi được yêu cầu đeo khẩu trang khi tham quan, đồng thời mỗi nhóm không được quá 10 người. Hiện tại, chỉ có các phòng triển lãm tạm thời ở tầng 6 và không gian triển lãm thường trực ở tầng 4 và 5 là hoạt động. Ngoài ra, trung tâm cũng đã áp dụng hình thức phân luồng một chiều cho du khách tại các khu vực, dưới các mũi tên chỉ đường. Trong thời gian bình thường trước đây, du khách Pháp chiếm 60% trong số 5,3 triệu người tới ngắm các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của Pablo Picasso, Joan Miro, Wassily Kandinsky... hàng năm. Điều đó được cho là có thể giúp Trung tâm Pompidou phục hồi nhanh hơn các bảo tàng thu hút tỷ lệ khách nước ngoài cao, như điện Louvre và tháp Eiffel. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất