05/02/2019 01:05 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vẫn thường nghe người già dặn rằng quét nhà, dọn rác là chuyện “đại kỵ” trong ngày Tết nguyên đán, bởi làm như vậy là “quét” hết Tài, Lộc ra khỏi nhà trong dịp đầu năm.
Nghe tưởng vô lý, nhưng tập tục này đã được ghi lại trong một số tư liệu cũ. Điều đó cho thấy, tục “kiêng quét nhà” không phải là chuyện mê tín mới nảy sinh trong đời sống hiện đại.
“Từ khi tôi còn nhỏ, nghĩa là khoảng 70 năm trước, chuyện này vẫn khá phổ biến. Thật ra, nói là kiêng, nhưng mỗi gia đình có một cách ứng xử khác nhau”- PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, kể - “Như gia đình tôi, người lớn chỉ nhắc con cháu vun rác vào sau cánh cửa, chờ hết tết rồi dọn, chứ không phải tuyệt đối tránh quét nhà.”
Theo một số nghiên cứu, giống như nhiều tập tục khác, việc kiêng quét nhà, dọn rác trong ngày Tết được Việt Nam tiếp nhận từ văn hóa Trung Quốc. Sách Sưu thần ký thời Tây Tấn ghi lại điển tích: một lái buôn tên là Âu Minh, được thủy thần tặng cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì ăn nên làm ra, nhà rất giàu. Có năm, vào mồng một Tết, Như Nguyệt làm vỡ chiếc bình quý. Bị Âu Minh đuổi đánh, cô hoảng sợ, làm phép ẩn thân vào đống rác ở góc nhà.Người nhà không biết, vô tình hót rác đổ đi, nhà Âu Minh sau đó lụn bại. Từ đó, tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm ra đời.
Thú vị hơn, cũng giống như nhiều tập tục từ Trung Quốc, tập tục này khi vào Việt Nam đã được “Việt hóa” bằng một câu chuyện rất nhân văn. Theo truyện Sự tích cái chổi được Nguyễn Đổng Chi ghi lại, có một người phụ nữ nấu bếp trên thiên đình, do mắc lỗi ăn vụng nên bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian làm cây chổi để tìm thức ăn trong những rác rưởi dơ bẩn của trần gian. Cảm thương bà, người Việt bảo nhau không quét nhà trong 3 ngày Tết, để cây chổi được nghỉ ngơi sau một năm vất vả.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều năm gần đây, tục kiêng quét nhà ngày Tết không còn phổ biến như trước. Phần nào, tập tục này không được nhiều gia đình hào hứng tuân theo vì ảnh hưởng tới chuyện... giữ vệ sinh – nhất là khi trong thời buổi hiện đại, rác thải ngày Tết cũng không hề ít.
Theo góc nhìn của PGS Nguyễn Văn Huy, việc giữ hay bỏ tục kiêng quét nhà ngày Tết nằm ở quyền lựa chọn chủ động của mỗi gia đình. Và trong trường hợp vẫn giữ tập tục này, các gia đình nên nhìn nó như một tập tục truyền thống, thay vì quá nặng nề với chuyện... mất tài mất lộc.
“Tôi nghĩ, xã hội Việt Nam là xã hội ưa vận động, văn hóa Việt Nam là văn hóa ưa vận động. Từ đó, cái tết Việt Nam cũng không phải bất biến và đứng yên một chỗ. Khi điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, dẫn đến nhu cầu và tâm lý của con người thay đổi, chúng ta hãy để một số tập tục tuân theo sự chuyển động của thời đại” – ông nói.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất