Vẫn chưa rõ 'số phận' ngôi nhà của GS Trần Văn Khê

15/08/2015 05:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau lễ chung thất 49 ngày mất của GS-TS Trần Văn Khê, hôm qua (14/8), gia đình của Giáo sư cùng chính quyền đã gặp gỡ để bàn giao căn nhà ở số 32 Huỳnh Đình Hai cho thành phố quản lý.

Gần 10 năm qua căn nhà này không chỉ là nơi ở của GS-TS Trần Văn Khê mà còn là một địa chỉ văn hóa quen thuộc với công chúng yêu âm nhạc dân tộc. Sau khi ông mất, thành phố sẽ tiếp quản căn nhà này và tương lai của nó ra sao hiện vẫn chưa có những tuyên bố chính thức.

Ắp đầy kỉ niệm

Theo dự kiến, 13h30 sẽ có cuộc gặp gỡ với cơ quản lý về bàn giao ngôi nhà thì từ 10h sáng, con dâu trưởng của Giáo sư, bà Bạch Yến, vẫn cùng người nhà hí húi dọn đồ. Đồ đạc trong nhà vẫn lỉnh kỉnh và chưa thu dọn xong.  

Bà Yến cho biết trong căn nhà này va đâu cũng chạm vào kỉ niệm và bà cũng rất bối rối khi chưa biết sắp xếp đồ đạc ra sao.


Trong gian nhà chính, các hiện vật của GS Trần Văn Khê đã được cất đi, chỉ còn lại mỗi chiếc xe lăn điện mà sinh thời ông vẫn hay dùng

Căn nhà này GS Khê đã ở từ năm 2006 đến nay. Trước đó, vào tháng 11/2003 đề án nhà ở của Giáo sư Trần Văn Khê đã được đề xuất. Căn nguyên bắt đầu từ khi Giám đốc Sở VH-TT khi đó là bà Trương Ngọc Thủy gặp GS Khê tại Paris (Pháp) và ông đã đề đạt nguyện vọng là về quê hương sinh sống. Bà Trương Ngọc Thủy đã hứa và sau đó làm việc với các cấp giúp GS Khê thực hiện nguyện vọng.

Hai năm sau, theo quyết định của UBND TP.HCM ngày 5/1/2006 và quyết định số 41 của Sở VH-TT TP.HCM ban hành ngày 6/1/2006, GS đã về nước và ở tại ngôi nhà số 32 đường Huỳnh Đình Hai.

Trong biên bản đã được ký giữa GS và Sở VH-TT đã nói rõ là GS muốn những năm cuối đời về sống và làm việc tại TP.HCM, đồng thời mang về toàn bộ những tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Bên cạnh đó GS khẳng định muốn có một chỗ ở và chỗ ở này không phải là chỗ ở thuần túy mà phải đủ không gian, diện tích để có thể trưng bày các hiện vật mang về và đồng thời tổ chức được các hoạt động nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

Giáo sư khẳng định rằng sau khi mình qua đời thì toàn bộ di vật này được giao lại cho Sở để làm nhà lưu niệm nhằm phát huy các giá trị âm nhạc dân tộc.

Tuy nhiên, theo bà Bạch Yến, sau khi GS Trần Văn Khê qua đời, gia đình bà vẫn chưa biết tương lai của ngôi nhà sẽ ra sao vì gia đình chưa được thông báo gì. Bà cũng cho biết, gia đình cũng nhiều lần gọi điện nhưng những người có thẩm quyền đều cáo bận.


Rất nhiều tài liệu vô giá GS Trần Văn Khê để lại được cất tại lầu 2

Một địa chỉ, hai cấp quản lý

Những hiện vật của Giáo sư Trần Văn Khê tại căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai đã được tháo dỡ. Tất cả những tài liệu về như sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh vẽ, hình ảnh… đã được đưa vào thư viện và đã được niêm phong.

Theo bà Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT thì ngôi nhà này này có trở thành một địa chỉ văn hóa sau khi GS Khê qua đời hay không thì “vẫn là nằm ở thì tương lai” và thuộc thẩm quyền của Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM).

Trung tâm này có trách nhiệm quản lý ngôi nhà sau khi được bàn giao nhưng thư viện, nơi lưu trữ những nghiên cứu, sách vở, tài liệu của GS Khê sẽ được phía Bảo tàng TP.HCM quản lý. Tuy nhiên, trong buổi chiều ngày 14/8, chỉ thấy mỗi đại diện của Trung tâm đến nhận bàn giao còn phía Bảo tàng thì không thấy ai.

Một câu hỏi được đặt ra, mà cả phía gia đình GS Trần Văn Khê cũng muốn biết, là tương lai của nó sẽ như thế nào?

Và chuyện này thì chưa có cấp thẩm quyền nào thông báo một cách rõ ràng. Bà Thu Hường, chuyên viên của Trung tâm Bảo tồn di tích có nói với phía gia đình rằng Trung tâm bây giờ sẽ quản lý ngôi nhà này và chờ đề án duyệt xong mới có thể làm tiếp còn hiện hiện giờ chỉ tiếp quản bàn giao hiện trạng này mà thôi.

Được biết, đề án này đang được xây dựng và chờ cấp cao hơn duyệt.

Cũng cần phải nhắc lại rằng trong đề án nhà của Giáo sư Trần văn Khê được khởi xướng vào tháng 11/2003 đã ghi rõ sẽ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, Giáo sư Khê sẽ ở những năm cuối đời. Giai đoạn 2 là sẽ xây dựng thành địa chỉ văn hóa, gọi nôm na là “Nhà Trần Văn Khê”.

Những công trình nghiên cứu của GS Trần Văn Khê trong suốt quãng đời âm nhạc của ông là một di sản cấp quốc gia và việc đưa căn nhà mà ông đã ở gần 10 năm qua thành một địa chỉ văn hóa là một điều mà người dân cũng rất cần được biết sớm.

Bên cạnh đó, nếu việc gìn giữ ngôi nhà này trở thành một địa chỉ văn hóa thì tên gọi của nó cũng cần phải được nói rõ. Nhà triển lãm, bảo tàng Trần Văn Khê hay là “Nhà Trần Văn Khê”? Cách đây 10 năm chưa có khái niệm hệ thống bảo tàng danh nhân ở Việt Nam và chưa có quy định hay quy chế cụ thể.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link