Vĩnh biệt GS Phan Huy Lê: 'Trái tim lớn' của Thăng Long – Hà Nội đã ngừng đập

24/06/2018 07:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ là cây đại thụ của giới sử học, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê còn là một cái tên gắn với Hà Nội, bởi tình yêu và những đóng góp đặc biệt mà ông dành cho mảnh đất này.

“Trái tim lớn” của Hà Nội, như cách mà mọi người nói về ông, đã vĩnh viễn ra đi vào trưa qua, 23/6, ở tuổi 84.

Biết trước nỗi đau nhưng không tránh được

PGS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội khảo cổ Việt Nam) cho biết: giới sử học đều sốc nặng và bàng hoàng khi GS Lê đột ngột qua đời. Ông ra đi quá nhanh, trái với suy nghĩ của mọi người.

“Gần nhất, vào tháng 4 vừa qua, trong buổi báo cáo khai quật khảo cổ khu vực nền điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long), GS Lê vẫn có mặt. Ông còn đủ sức khỏe để trèo xuống nền hố khai quật chụp ảnh, quan sát và trao đổi với mọi người” – PGS Tín nói - “Thậm chí, cách đây vài tuần, tôi có dịp trao đổi công việc qua điện thoại và thấy giọng ông vẫn rất bình thường.”

Chú thích ảnh
GS Phan Huy Lê nhận Giải thưởng Lớn từ tay Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2011

Theo lời PGS Tín, ngày thường, sức khỏe của GS Phan Huy Lê tương đối ổn định. Thậm chí, ông khá khỏe mạnh và dẻo dai, so với những người cùng độ tuổi. Bởi vậy, các đồng nghiệp khi làm việc đều “quên mất” việc GS Lê đã ở tuổi 84. Trong suy nghĩ của họ, ngày GS Lê vĩnh biệt anh em trong giới sẽ còn lâu, rất lâu.

Buồn bã, PGS khảo cổ học Nguyễn Lân Cường cho hay, cách đây một tuần ông nhận được điện thoại của em trai (GS.TS Nguyễn Lân Việt – chuyên gia hàng đầu về tim mạch ở Bệnh viện Bạch Mai) nhắc ông giục GS Phan Huy Lê vào viện điều trị ngay. GS Việt được các đồng nghiệp báo cáo lại rằng động mạch vành của thầy Lê có vấn đề.

"Tôi gọi điện cho người nhà thầy. Ngay chiều hôm đó, thầy Lê được đưa vào viện và đặt stent (ống ngắn, có dạng lưới, thường được đặt trong mạch máu giúp cải thiện lưu thông máu - PV). Nhưng mạch ổn thì bệnh của thầy lại chuyển sang phổi” – ông Cường kể - “2 hôm trước, Việt báo: bệnh của thầy rất khó qua khỏi. Tôi đau đớn vô cùng vì biết trước mà không có cách nào để tránh khỏi.”

Mãi mãi “Vì tình yêu Hà Nội”

Sẽ rất khó để nói hết về những đóng góp của GS Lê với nền sử học Việt Nam chỉ trong một bài viết. Vắn tắt, như PGS Tống Trung Tín nhận định, ông là một trong những gương mặt lớn nhất của nền sử học Việt Nam trong giai đoạn 4 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, cũng như 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Ở đó, những đóng góp của ông trải rộng trên gần như mọi chuyên ngành khác nhau của bộ môn sử học....

Riêng với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), cái tên của GS Phan Huy Lê luôn được nhắc tới với những đóng góp quan trọng mà ông dành cho thành phố Hà Nội. Những đóng góp ấy đã được vinh danh năm 2011 với Giải thưởng Lớn ở giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, do Thể thao và Văn hóa tổ chức.

Như lời PGS Tống Trung Tín, ở thời điểm Hoàng thành Thăng Long bắt đầu phát lộ vào đầu những năm 2000, GS Phan Huy Lê chính là một trong những người có tiếng nói quyết định, cũng như có những kiến nghị xác đáng, để bảo tồn khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Để rồi sau đó, bộ hồ sơ khoa học do ông làm chủ biên về Hoàng thành Thăng Long đã được gửi lên UNESCO, và mang về cho di sản này danh hiệu cấp Thế giới vào đúng dịp kỉ niệm Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi.

Và, không chỉ có Hoàng thành Thăng Long với trường hợp của những Di sản Thế giới khác của Hà Nội như bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay Hội Gióng Phù Đổng, đóng góp của PGS Phan Huy Lê cũng không hề nhỏ trong quá trình làm hồ sơ “ứng thí” trước UNESCO. Thậm chí, ở những nghiên cứu còn đang dừng ở mức ý tưởng như phục dựng điện Kính Thiên hay phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu, GS Phan Huy Lê cũng có sự quan tâm đặc biệt, bởi ông sớm nhìn thấy ở đó những tiềm năng vô giá để đóng góp vào nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Năm 2011, khi nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội, GS Phan Huy Lê bảo rằng trong suốt quá trình gắn bó với sử học, ông luôn dành một phần trái tim và khối óc của mình cho Hà Nội - dù ông tự nhận "những việc làm được cho Hà Nội cũng khiêm tốn..." Ông chia sẻ chân thành “Bất cứ người Việt Nam nào cũng dành tình yêu cho Hà Nội. Tình yêu đó, không chỉ dành riêng cho một ai đó mà là mẫu số chung cho tất cả mọi người. Nó biến thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, cố gắng đến cùng, đem hết tài năng để sáng tạo vì Hà Nội. Đó là tình yêu gắn liền với trách nhiệm để gìn giữ cho một Hà Nội của tương lai.”

Tình yêu ấy, chắc chắn sẽ vẫn còn được nhớ đến ở những gì mà ông đã đóng góp cho Hà Nội.

Sơ lược về GS Phan Huy Lê

GS Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1956, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và trở thành Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại tại Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 24 tuổi. Từ năm 1988-2016, ông giữ vai trò Chủ tịch Hội sử học Việt Nam.

Trong hơn 60 năm làm nghề, ông lần lượt được Nhà nước phong hàm Giáo sư (1980), danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1994). Ông cũng nhận nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2016, Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp năm 2002, bằng Tiến sỹ danh dự của Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp) năm 2016...

Lễ viếng GS Phan Huy Lê diễn ra từ 7h30 ngày 27/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia (Trần Thánh Tông, Hà Nội), do ĐH Quốc gia Hà Nội, Hội khoa học Lịch sử VN và gia đình tổ chức

ĐỒ HỌA: Cuộc đời, sự nghiệp GS Phan Huy Lê, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam

ĐỒ HỌA: Cuộc đời, sự nghiệp GS Phan Huy Lê, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam

GS. Phan Huy Lê - một trong những nhà nghiên cứu sử học uy tín của Việt Nam - vừa qua đời lúc 13 giờ 36 phút ngày 23/6/2018.

Sơn Tùng – Huy Thông

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link