04/11/2024 10:44 GMT+7 | Văn hoá
Di cảo Văn học miền Nam lục tỉnh (4 tập) của Nguyễn Văn Hầu khởi sự viết từ gần 40 năm trước đó, nhưng đến năm 2012 mới được NXB Trẻ ấn hành lần đầu, gom thành 3 tập. Bộ sách vừa được tái bản trong diện mạo mới, với những cập nhật mới.
Bộ sách gồm 3 tập, được chia như sau: tập 1 là Miền Nam và văn học dân gian địa phương; tập 2 là Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới; tập 3 là Văn học Hán Nôm và văn học quốc ngữ thời kháng Pháp và thuộc Pháp.
Ngoài những tư liệu quý, bộ sách còn đạt đến mức độ diễn giải và khái quát về tiến trình văn học Nam bộ một cách sáng sủa, dễ đọc. Các nguồn tài liệu tham khảo uy tín, tư liệu điền dã sinh động, có tính khoa học, nên bộ sách có thể trở thành tài liệu nghiên cứu về văn học miền Nam.
Trong Lời nói đầu, Nguyễn Văn Hầu hé lộ cách thức làm việc: "Phần dân gian không thể ngồi nhà lật mở sách báo cũ ra chép mà phải đi nhiều, học nhiều rồi phỏng vấn cho thật nhiều; còn phần Hán Nôm cũng gần gần như vậy, người cầm viết không phải tìm trong thư viện mà có đủ được những cái mình cần".
Mời đọc một nhận xét của ông về văn học chữ quốc ngữ thời kỳ đầu: "Về văn học quốc ngữ thì đất đứng của nó trong thời chân ướt chân ráo là ở miền Nam. Nó phôi thai từ Đàng Trong, rồi được truyền bá mạnh ở đất lục tỉnh hồi cuối thế kỷ 19. Báo, sách, tự điển cũng xuất hiện trước ở đây. Ở đây là khai phá, là dẫn đầu cho nền văn học quốc ngữ Việt Nam. Tờ Gia Định báo đã xuất bản từ năm 1865".
"Nói đến phong trào truyền bá văn học quốc ngữ, người ta thường nghĩ đến Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của với Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích, Chuyện giải buồn mà ít khi chịu khai thác đến các tác phẩm có tính chất bác học của các ông ấy. Người ta chê ở đó "tiếng An Nam ròng", hễ viết ra là "trơn tuột như lời nói"? Dầu có đúng như thế, thì như thế mới phản ảnh đúng cái thuần phác, chân thật của một miền Nam mà ta đáng để tâm nghiên cứu, mới tỏ rõ được cái gì gọi là bản sắc đặc biệt địa phương. Trong đó đôi khi có cái dở về mỹ thuật nhưng lại có lắm cái hay về tự nhiên; có cái kém của "thẳng trân ruột ngựa" nhưng lại được cái "đúng điệu nghệ" của mẫu người "anh hùng quân tử" mà miền Nam hằng ưa chuộng".
Nguyễn Văn Hầu (1922 - 1995) là nhà văn, nhà nghiên cứu sinh sống tại An Giang, theo học chữ Nho và tiếng Pháp từ nhỏ.
Các trước tác nổi tiếng của ông có Việt Nam tam giáo sử đại cương, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Việt sử kinh nghiệm, Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Bản ngã người Việt…
Từ năm 1977 đến lúc qua đời, ông sống trong bệnh tật, nhưng đã kịp hoàn thành mấy bản thảo quan trọng, đó là Văn học miền Nam lục tỉnh và 300 năm văn học dân gian lục tỉnh (chưa xuất bản).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất