Vì sao Vạn Lý Trường Thành dài thêm hàng nghìn km?

23/04/2009 10:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc khảo sát kéo dài hai năm qua của Cục Di sản văn hóa và Cục Trắc địa - Bản đồ Quốc gia Trung Quốc đã phát hiện ra rằng Vạn Lý Trường Thành dài hơn 2.551km so với số liệu trước đây.

Sẽ còn dài thêm bao nhiêu?

Cho đến nay, người ta vẫn biết chiều dài của Vạn Lý Trường Thành thật ra không phải là “vạn lý”. Lý là đơn vị đo chiều dài cũ của người Trung Quốc, tương đương khoảng 0,5km, và nếu theo đúng tên thì bức tường thành này “chỉ” dài 5.000km. Nhưng cho tới gần đây, số liệu về chiều dài của công trình này vẫn được ghi là 6.300km.

Thực tế, bức tường thành phòng thủ để chống những kẻ xâm lược phía Bắc này còn dài hơn rất nhiều: Đầu tuần qua, nhà chức trách Trung Quốc cho biết rằng riêng đoạn thành được xây trong đời Minh (1368 - 1644) đã dài 8.851km. Đây là đoạn được bảo tồn nguyên vẹn nhất của Vạn Lý Trường Thành.
 
Vạn Lý Trường Thành, công trình duy nhất của nhân loại có thể
nhìn thấy từ vũ trụ

Dự án khảo sát nói trên sẽ tiếp tục trong 18 tháng nữa nhằm vẽ lại bản đồ các đoạn tường thành cổ hơn được xây dựng trong đời Tần (221 - 206 trước Công nguyên) và Hán (206 trước Công nguyên - 220). Nếu tính cả những đoạn này, chiều dài của Vạn Lý Trường Thành dự kiến có thể dài khoảng 10.000km.

Khi được hỏi vì sao Vạn Lý Trường Thành bỗng dài thêm hàng nghìn km như vậy, ông Meng Zhang, một nhà bản đồ học Trung Quốc đang giảng dạy ở Đại học TU Munich, cho biết: “Có hai lý do. Thứ nhất là các phương tiện đo đạc ngày nay hiện đại hơn. Trước đây chiều dài của Vạn Lý Trường Thành chủ yếu được ước tính dựa vào các thư tịch cổ. Ngày nay các nhà vẽ bản đồ sử dụng máy đo bằng tia hồng ngoại, hệ thống định vị toàn cầu, không ảnh... Thứ hai là có một số đoạn tường thành mới được phát hiện. Vạn Lý Trường Thành có một số đoạn là hào, các đoạn được xây bằng đất và những đoạn là sông, núi... Tất cả giờ đây được cộng gộp lại”.

Đang bị đe dọa nghiêm trọng

Vạn Lý Trường Thành khởi thủy là một loạt các bức tường thành và công trình bằng đất được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và kết nối với nhau lần đầu tiên vào khoảng năm 220 trước Công nguyên. Nó được tái xây dựng và mở rộng trong triều Minh. Công trình này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1987.
 
Vạn Lý Trường Thành theo một bản đồ cũ

Cuộc khảo sát vừa qua còn cho thấy nhiều phần của Di sản thế giới này đang có nguy cơ bị biến mất do ảnh hưởng từ thời tiết, các công trình xây dựng đường và một số dự án phát triển khác. Cuộc khảo sát là một phần trong dự án bảo tồn kéo dài 10 năm được chính phủ Trung Quốc xúc tiến từ năm 2005 nhằm lập bản đồ chi tiết của Vạn Lý Trường Thành và phát hiện những đoạn cần được bảo vệ hoặc tu bổ của nó.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trung Quốc, ông Shan Jixiang, cho biết: “Vạn Lý Trường Thành đang bị đe dọa nghiêm trọng”. Các nhà nghiên cứu nhận thấy một số đoạn tường thành ở tỉnh Cam Túc đã dần trở thành những ụ đất khi trải qua nhiều trận bão cát và có khả năng sẽ hoàn toàn biến mất trong vòng 20 năm tới. Các chuyên gia khẳng định việc áp dụng những biện pháp trồng trọt trong thập kỷ 1950 đã làm sa mạc hóa nhiều khu vực rộng lớn ở miền Bắc Trung Quốc. Ngoài ra, các đoạn tường thành ở tỉnh Cam Túc được xây dựng chủ yếu bằng đất nện chứ không phải bằng gạch và đá.
 
Đoạn tường thành đời Minh dài 8.851km chứ không phải là 5.000km
 
Nhiều năm trở lại đây Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành trùng tu một số đoạn tường thành cũng như cố gắng kiểm soát việc kinh doanh trên và xung quanh Vạn Lý Trường Thành. Các đoạn của công trình này chạy xung quanh thủ đô Trung Quốc mỗi năm thu hút tới hàng vạn khách tham quan. Do vậy mà sự bùng nổ du lịch cũng đã trở thành vấn đề đối với Vạn Lý Trường Thành trong những năm gần đây. Chẳng hạn như nhiều du khách đã “vô tình” phá hoại tường khi khắc tên của mình và vẽ các bức graffiti (thuật ngữ của những tay “hoạ sĩ đường phố”) lên đó.
 
Lương Tuấn Vĩ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link