Bài hát làm Vatican đỏ mặt

29/01/2014 13:43 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 45 năm, tháng 2/1969,khi cặp uyên ương đẹp nhất của làng nhạc Pháp, Serge Gainsbourgh & Jane Birkin, tung ra single có cái tên khó hiểu: Je T’aime... Moi Non Plus, chẳng ai nghĩ được rằng nó sẽ khuấy đảo mọi giá trị, từ âm nhạc đến đạo đức.

Bài hát này đã gây một cuộc tranh cãi gần như lớn nhất trong lịch sử nhạc pop đương đại, to be or not to be? Tồn tại hay không tồn tại? Lệnh cấm đã được phát ra ở nhiều nước. Mạnh mẽ nhất là Vatican, Giáo hoàng không muốn thần dân của mình bị những ca từ mang đầy tính dục khiêu khích và làm cho ma mị. Vatican dán nhãn cho ca khúc này ở dạng “not to be”. Serge Gainsbourgh đáp lại: “Giáo hoàng là người PR vĩ đại nhất cho ca khúc này!”.

Từ B. đến B.

Je T’aime... Moi Non Plus được chính Serge Gainsbourgh - nhạc sĩ ảnh hưởng nhất của Pháp, xác nhận là bài tình ca hay nhất trong sự nghiệp của ông. Bài hát được viết cho một người ông yêu tha thiết nhưng lại được hát bởi một người yêu ông thiết tha. Hai người đàn bà đánh dấu những phần quan trọng nhất trong sự nghiệp của Serge Gainsbourgh: Brigitte Bardot và Jane Birkin.

Năm 1967, lúc này Serge Gainsbourgh đang hẹn hò với B.B dưới vỏ bọc là hợp tác âm nhạc vì cả thế giới đều biết B.B lúc đó đang là vợ của tỷ phú ăn chơi người Đức, Gunter Sachs. Cuối năm đó, sau một buổi dự tiệc về, B.B hỏi Gainsbourgh: “Anh có thể viết một ca khúc “tình” nhất mà anh có thể tưởng tượng cho em không?”. Ngay trong đêm đó, Serge Gainsbourgh đã sáng tác 2 ca khúc: Je T’aime... Moi Non PlusBonnie And Clyde. Cần nói thêm rằng, thời điểm đó, Gainsbourgh đang là ông vua của làng nhạc Pháp, tất cả các mỹ nhân đều mong được ông để ý đến chứ đừng nói đến chuyện được ông sáng tác tặng riêng. B.B là một ngoại lệ.


Serge Gainsbourgh & Jane Birkin trên bìa đĩa single Je T’aime... Moi Non Plus, phát hành tháng 2/1969. Lúc đầu hãng phát hành dự định là Philips nhưng phút cuối cùng, công ty âm nhạc sợ rủi ro nên quyết định phát hành ở hãng đĩa nhỏ hơn, Fontana

Trong 2 ca khúc này Je T’aime... Moi Non Plus được Gainsbourgh trau chuốt nhất. Sự trau chuốt ở đây là tổng hòa từ nhạc, lời, hòa âm và tất cả mang nặng yếu tố sex đến nghẹt thở. Ca từ thì rất ngắn gọn, mô tả cảnh yêu đương với những lời lẽ, mà nhẹ nhất là “Ôi anh yêu, anh là con sóng còn em là hòn đảo trần trụi…”, những giai điệu của organ được tấu lên đẹp mê hồn, như một cuộn phim 35 ly được quay chậm, và trong khuôn hình bước ra không phải là những người tình nô giỡn trên biển mà là những tiếng thở hổn hển của một cuộc truy hoan đang đến đoạn cao trào. Thời điểm đó, sáng tác này là một cuộc cách mạng, y hệt như thời B.B của Và Chúa đã tạo ra đàn bà.

B.B đã thu âm ca khúc này và sau đó nó được cho giới truyền thông nghe qua. Tất cả đều sốc. Tin tức nhanh chóng đến tai tỷ phú Gunter Sachs. Ngay lập tức, Sachs ra lệnh cấm phát hành bài này dưới dạng single. Sợ hãi, B.B van nài Gainsbourgh đừng phát hành ca khúc này nữa, cô sợ danh tiếng và cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng. Gainsbourgh đã đồng ý, ông chỉ nói với B.B rằng: “Anh để nó vào trong ngăn tủ này, nó là của em. Và nếu một ngày kia em muốn, chúng mình sẽ lại lấy nó ra”.

Nhưng Gainsbourgh chỉ cất bản thu âm của B.B mà thôi, còn thì ông vẫn muốn ca khúc này được phát hành để dành tặng các cặp tình nhân trên toàn thế giới. Gainsbourgh sau đó đã đề nghị nhiều ca sĩ nổi tiếng khác hát nhưng đáp lại đều là những lời từ chối lịch sự, chẳng ai dám đem danh tiếng của mình để làm một cuộc triển lãm giường chiếu bằng âm nhạc kiểu ấy.

Đến năm 1969, nhân vật thích hợp nhất đã xuất hiện, Jane Birkin, người lúc đó đang đóng bộ phim Slogan mà Gainsbourgh có cộng tác, sau đó đã trở thành vợ ông. “Tôi thừa biết Gainsbourgh là ai và vây quanh anh ấy là những mỹ nhân. Tôi lúc đó chỉ mới 23 tuổi nhưng khi gặp anh ấy ở trường quay Slogan thì tôi biết mình cần phải có được người đàn ông này. Tôi yêu anh ấy và sẽ làm mọi thứ nếu anh ấy yêu cầu”. Và đúng là Gainsbough có một yêu cầu nhỏ nhoi, là Birkin sẽ hát Je T’aime... Moi Non Plus. Vì người đàn ông của mình, để giữ chặt tình yêu bên mình, Birkin đồng ý hát dù biết trước bài hát này sẽ gây chấn động, dù biết trước sẽ làm tổn thương bố mẹ mình. Nhưng Birkin lúc ấy sẽ không thể biết rằng bài hát này đưa cô trở thành biểu tượng tình dục, biểu tượng thời trang của nước Pháp cuối những năm 1960, đầu 1970. Je T’aime... Moi NonPlus, như những giọt tinh dầu của Chanel khi ấy, là một hương thơm Pháp không thể bỏ qua. Nó quyện tai, mở to đôi mắt tưởng tượng và kích thích não bộ hoạt động. B.B, người từ chối một lần nữa để trở thành lịch sử, đã nhường cơ hội ấy cho một B. thứ hai, Jane Birkin.

Tháng 2/1969, phiên bản 2 của Je T’aime... Moi Non Plus với tiếng hát của Jane Birkin (vẫn được giữ nguyên bản phối như thời B.B, chỉ trừ những tiếng thở được làm sống động hơn nữa và giọng của Birkin đẩy cao hơn B.B một quãng tám) chính thức ra đời. Cuộc cách mạng lúc này thật sự bùng nổ, dù một chiếc nhãn nhỏ đã được dán sau bìa đĩa “cấm thanh niên dưới 21 tuổi”.

Cấm trong… sợ hãi

Bài hát vừa phát hành hôm trước, ngay hôm sau Gainsbourgh và Birkin biểu diễn “live” ngay trong một nhà hàng sang trọng ở Paris. Birkin nhớ lại khi cô hát thì “dao nĩa rơi loảng xoảng”. Báo chí Pháp lúc đó có một mùa hái bộn tiền nhờ review ca khúc này. Có tờ báo viết rằng, những giai điệu ngọt ngào như thế từ tiếng organ nhưng chẳng ai chú ý, tất cả chỉ đều muốn nghe tiếng hổn hển kia, cả thế giới bật dậy khỏi giường và sau đó lại nằm xuống ngay để tận hưởng. Tờ nguyệt san âm nhạc Observer đánh giá ca khúc này là một quả bom, là một Emmanuelle của âm nhạc (bộ phim hoa tình cực kỳ nổi tiếng vào thời đó).

Je T’aime... Moi Non Plus nhanh chóng leo lên bảng xếp hạng tại nhiều nước. Ở Anh lúc đó đang tự hào là cái nôi thống trị của pop, cũng bị ca khúc này chinh phục. Một kỳ tích chưa ai làm được, một ca khúc tiếng nước ngoài trở thành quán quân tại Anh suốt 31 tuần lễ.

Ở Mỹ, ca khúc này bị xem là “khiêu dâm”, các đài phát thanh bị buộc phải hạn chế phát và cuối cùng chỉ bán được 150 nghìn bản. Tây Ban Nha, Thụy Điển, Brazil, Italia, Ba Lan, Phần Lan… giơ thẻ đỏ với ca khúc này, không được phát hành và cũng đừng mong được phát trên sóng phát thanh. Đài BBC (Anh) đã ra lệnh cấm không cho bài hát phát sóng trên tất cả các chương trình của đài này với lý do lời lẽ quá sốc. Nữ hoàng Hà Lan yêu cầu không cho phát hành ca khúc này. Từ Vatican, Giáo hoàng đã yêu cầu cấm phát hành bài hát vì nội dung quá khiêu dâm, thậm chí công ty phát hành bị kết án… Nhiều quốc gia sợ hãi, một ca khúc mang mầm mống hạt nhân và nhiều nước sợ sẽ không thể ứng phó kịp nếu quả bom này phát nổ tại nước mình.

Nhưng càng cấm, bài hát lại càng vang xa. Ở Pháp, dù lệnh cấm không được phát ca khúc này trước 23h đêm thì giới trẻ vẫn có thể lắc lư ở các sàn nhảy và toàn bộ châu Âu đều làm thế. Cũng cần nói rằng thời điểm 1969, lúc này phong trào cách mạng tình dục đang nổ tung ở châu Âu, phim ảnh đã đề cập, hội họa cũng thế, báo Playboy tràn ngập, tình dục trước hôn nhân được công khai, thuốc ngừa thai được bán cho cả phụ nữ chưa lập gia đình… và vì thế Je T’aime... Moi Non Plus trở thành chất xúc tác đại diện cho cả một thời kỳ bùng nổ.

… Anh cũng không

Có rất nhiều giả thiết xung quanh tựa đề bài hát. Je T’aime... Moi Non Plus (Em yêu anh… Anh cũng không), nó mang một ý nghĩa mà ngay cả người Pháp cũng thấy khó hiểu. Nhưng có một giả thiết nói rằng Gainsbourgh ngay trong lúc đậm đà nhất với B.B cũng ngờ ngợ rằng cuộc tình này sẽ không đi đến đâu, và câu “Em yêu anh” của B.B cũng mang hàm nghĩa phủ định, một cuộc tình ngắn hạn. Và đáp lại sẽ là giọng của Gainsbourgh “Anh cũng không”.

Một ca khúc viết cho một người đàn bà để rồi sau đấy người đó bỏ mình và đó cũng là ca khúc để một người đàn bà khác thèm muốn thể hiện để giữ mình lại. Serge Gainsbourhg hẳn sẽ không bao giờ nghĩ ra kết cục đó. Năm 1986, B.B hối hận với những gì đã làm và đã phát hành ca khúc này. Còn Jane Birkin, sau đó đã ly dị Serge để lấy một người khác. Một kết cục hoàn hảo.

Serge Gainsbourgh đã trở thành huyền thoại. Jane Birkin cũng là một huyền thoại sống. Nếu bạn là người mê thời trang hẳn sẽ biết sự quý phái của chiếc túi Birkin của Hãng Hermes. Chiếc túi đó được đặt theo tên của Jane Birkin, tên bà được vinh danh với những gì bà đã làm cho tình yêu và vượt qua những rào cản.

Năm 2004 Jane Birkin đến Việt Nam trong một chương trình ca nhạc, chỉ có điều bài Je T’aime... Moi Non Plus đã không được hát.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link