07/05/2011 10:55 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Chiều qua 6/5/2011 tại 99 Hồ Hảo Hớn, Q.1, TP.HCM - trụ sở của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) đã có buổi họp báo về vấn đề tăng giá tác quyền của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Tham dự buổi họp có ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL. Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV nói rằng tinh thần buổi họp là để “chia sẻ” với báo chí về nhiều điều. Trong thông cáo báo chí, RIAV cho rằng việc tăng 100% tiền tác quyền âm nhạc là “đi ngược lại Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Trong lúc các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đang triển khai việc bình ổn giá đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống cho toàn xã hội”.
Buổi họp báo của RIAV về tác quyền âm nhạc
Cơ sở nào để tính giá tác quyền?
Nhiều thành viên RIAV cho rằng, VCPMC chưa lưu tâm và đánh giá đúng mức tầm quan trọng của các sản phẩm ghi âm ghi hình đối với chính “sự nghiệp” của VCPMC. Bởi một bản nhạc nằm trên giấy thì không thể thu tiền được mà nhờ các nhà sản xuất biến nó thành một sản phẩm nghe, nhìn, tác phẩm mới đến được với công chúng. Và cũng chính từ những sản phẩm này mà VCPMC tiếp tục thu tác quyền âm nhạc đối với các hoạt động khác như: nhạc chuông, nhạc chờ, karaoke, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, vũ trường, phát thanh, truyền hình... Nên nếu VCPMC tăng giá tác quyền 100% trong thời bão giá hiện nay là không thấu tình đạt lý làm các nhà sản xuất vô cùng khó khăn.
RIAV còn đưa ra dẫn chứng về Nghị định 61/2002/NĐ-CP, đó là Nghị định của Chính phủ về chế độ nhuận bút, trong đó Điều 11 qui định: Nhuận bút = (tỷ lệ %) x (giá bán lẻ xuất bản phẩm) x (số lượng in). Băng đĩa âm thanh theo Điều 9 của Nghị định trên là nhân với tỷ lệ 4-5%, còn băng đĩa hình là 6-8%. Giả sử một đĩa CD gồm 10 bài nhạc, bán với giá 50.000đ và với số lượng phát hành 1.000 đĩa, nếu tính theo “công thức” của Nghị định nêu trên sẽ như sau: 5% x 50.000đ x 1.000 đĩa = 2.500.000đ (cho 1 CD 10 bài). Như vậy tiền tác quyền mỗi bài là 250.000đ; nếu phát hành 2.000 đĩa thì tiền tác quyền sẽ 500.000đ/bài; phát hành 3.000 đĩa thì tiền tác quyền 750.000đ/bài v.v...
Vấn đề là VCPMC không chịu tính theo công thức này, mà họ tính theo biểu giá mới như đã thông báo cho RIAV, bà Thu Dung cho biết, nếu không chịu đóng tiền theo giá mới thì không đủ thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp phép để phát hành sản phẩm.
Sẽ làm việc với cơ quan chủ quản của VCPMC
Ông Trần Chiến Thắng cho biết, sắp tới sẽ có buổi làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam - đơn vị chủ quản của VCPMC để bàn bạc thấu đáo hơn. Ông nhấn mạnh: Vì lãnh đạo cả hai bên trong thời gian qua bận quá nhiều công việc nên chưa thể gặp nhau được chứ không phải vì những bất đồng mà hai bên không thể ngồi nói chuyện với nhau.
Đặt câu hỏi với nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - rằng: Khi tăng giá tiền tác quyền, VCPMC đã được sự đồng ý của Hội Nhạc sĩ Việt Nam? Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng: Đây là theo nguyện vọng của những nhạc sĩ đã ủy thác cho VCPMC, còn VCPMC chưa xin ý kiến của cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
RIAV không “đình công” mà chỉ tạm ngừng sản xuất
Trong buổi họp báo, nhiều ý kiến đặt ra như: Việc tăng giá thu tiền tác quyền của VCPMC có cần được một cơ quan chức năng Nhà nước về giá đồng ý hay chỉ cần sự đồng ý của các nhạc sĩ - chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc? Nghị định 61/2002/ NĐ-CP có còn giá trị thực hiện? v.v...
Bà Thu Dung (Phó Chủ tịch RIAV) chia sẻ: Nếu muốn tăng giá thì VCPMC cũng cần bàn bạc và có lộ trình, nhất là cần có kế hoạch thông báo trước để RIAV đưa vào dự toán sản xuất của mình. Nhiều dự án từ cuối năm 2010 với dự toán tiền tác quyền theo giá cũ, bây giờ đóng theo giá mới cũng làm những nhà sản xuất gặp khó khăn. Bà Thu Dung cho biết thêm: Hiện nay RIAV không phải “đình công” mà chỉ là tạm ngưng sản xuất để tìm giải pháp nhằm tiếp tục sản xuất. Những việc trước mắt mà RIAV dự định sẽ tiến hành là: Chính thức gặp và bàn bạc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam; tiếp tục bàn thảo với VCPMC về Nghị định 61/2002/NĐ- CP; trực tiếp trả tác quyền đối với những nhạc sĩ không ủy thác qua VCPMC.
Việc bảo vệ thiết thực quyền lợi của những người sáng tạo là vô cùng chính đáng. Tuy nhiên quyền lợi của người sáng tạo cũng cần hài hòa để tác phẩm của mình có điều kiện lưu hành rộng rãi trong xã hội và đó cũng chính là nguồn thu “dồi dào” để người sáng tạo có điều kiện tốt nhằm tái “sản xuất”. Xem ra câu chuyện tác quyền âm nhạc còn dài và chưa ngã ngũ...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất