Lực sĩ Thạch Kim Tuấn: Đổi đời nhờ cử tạ

23/01/2014 11:55 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sau thành công từ tấm HCV Olympic trẻ năm 2010, con đường đến với vinh quang của Thạch Kim Tuấn đã không trải hoa hồng như anh từng nghĩ. Nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng, tại SEA Games 27 vừa qua, anh đã giành 1 HCV, phá hai kỷ lục SEA Games nội dung cử giật (129kg) và tổng cử (185kg).

“Trong một lần ngồi cà phê ở căng-tin nhà tập luyện Phú Thọ, một người bạn nói với tôi, gần nhà có thằng bé muốn đi tập… Hôm sau, anh ấy dẫn lên nhà tập luyện… trước mắt tôi là một bé nhỏ con, nước da ngăm, khá rụt rè…”, đó là những ấn tượng ban đầu của HLV Huỳnh Hữu Chí về cậu học trò Thạch Kim Tuấn…

Bước ngoặt tuổi 12

Là con út trong một gia đình nghèo có 5 chị em ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, mẹ Tuấn qua đời vì tai nạn giao thông khi Tuấn mới 2 tuổi, còn bố Tuấn thì đã nhiều tuổi nên không còn sức lao động.

Do hoàn cảnh khó khăn nên vào năm 2006, Tuấn theo mấy anh chị vào Sài Gòn lập nghiệp. Thời gian đầu tại miền đất mới, Tuấn vẫn được đến trường như những em nhỏ bình thường nhưng sau đó, cuộc sống chốn thị thành ngày càng khó khăn, những gánh sữa đậu nành hay xe trái cây của người chị cả Thạch Thị Giáng Hương không thể nuôi đủ mấy đứa em, Tuấn ngày càng xa rời việc học hành để bước vào mưu sinh.

Ở cái tuổi 12, vì cuộc sống ngày càng cơ cực, từ một cậu bé ở tuổi ăn, tuổi ngủ Tuấn phải lăn lộn ngoài đời nhằm kiếm tiền phụ giúp chị.

Nhưng cũng ở tuổi 12, bước ngoặt cuộc đời của chàng trai gốc Bình Thuận đã đến khi Tuấn được một người hàng xóm giới thiệu với HLV Huỳnh Hữu Chí. Sau đó, Tuấn may mắn được HLV Hữu Chí phát hiện tố chất cử tạ có sẵn trong người và nhận Tuấn vào tập luyện cùng đội trẻ.

“ Lúc đầu khi mới được nhận vào, hằng tháng tôi chỉ nhận được 700.000 đồng tiền công, dù tiền không nhiều nhưng đó là số tiền lớn với cậu bé 12 tuổi như tôi. Lúc đó tôi vui lắm vì lần đầu tiền làm ra số tiền lớn như vậy, cũng như góp một chút giúp đỡ chị”- Tuấn nhớ lại.

Tuấn kể rằng, thời gian đó, cứ sau mỗi buổi tập là toàn thân Tuấn đau nhói, cứ vận động mạnh là nhức mỏi. Dù vậy thời gian sau đó, được sự động viên và chỉ bảo của thầy Chí và các anh, Tuấn bắt đầu quen với sức nặng của những quả tạ và càng thấy yêu cái nghiệp của mình hơn.

Cũng chính thời gian này, Tuấn đã quyết định nghỉ học để tập trung cho cử tạ. Chỉ 3 năm sau, những nỗ lực của Tuấn được đền đáp bằng 3 HCB trẻ thế giới vào năm 2009 và tấm HCV Olympic trẻ năm 2010. Đây có thể xem là một trong những một cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của Tuấn.

Người cha thứ 2

Với Thạch Kim Tuấn, HLV Huỳnh Hữu Chí là người có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp. Không chỉ cứu Tuấn khỏi cuộc sống cơ cực từ những ngày đầu vào Sài Gòn mà HLV Hữu Chí đã có công rất lớn để biến Tuấn từ một cậu bé còi cọc thành một VĐV triển vọng nhất của cử tạ Việt Nam.

“Đối với tôi, thầy Chí vừa là người thầy vừa là người cha thứ 2. Nếu không có thầy thì tôi sẽ không có được như ngày hôm nay”, chàng trai gốc Bình Thuận chân chất bộc bạch.

Để có được thành công, Tuấn đã trải một quá trình tập luyện gian khổ luôn đi đôi với khó khăn, rắc rối. Đã có lúc Tuấn ngỡ như không thể tiếp tục nhưng với chỗ dựa vững chắc từ  HLV Hữu  Chí, Tuấn đã có thêm động lực và tự tin để bước tiếp trên con đường của mình.

Sau thành công từ tấm HCV Olympic trẻ năm 2010, con đường đến với vinh quang của Tuấn đã không trải hoa hồng như chàng trai họ Thạch từng nghĩ. Thất bại liên tiếp tại giải thế giới 2011, SEA Games 26, vòng loại Olympic 2012 khiến cho nhiều người lo ngại rằng Tuấn phải chuyển lên hạng cân mới có thể thay đổi thành tích.

Dù vậy, trước sức ép từ dư luận, HLV Hữu Chí vẫn kiên định với con đường mình đã chọn cho học trò. Và cho tới bây giờ, đó vẫn là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời ông giáo này. Có thầy Chí, cử tạ Việt Nam mới có một tài năng Thạch Kim Tuấn như ngày hôm nay.

Không chỉ giúp Tuấn trong tập luyện và thi đấu, HLV Hữu Chí còn như là một người thân trong gia đình để tận tình động viên và giúp đỡ Tuấn quay lại với việc học văn hóa, và xa hơn nữa là một công việc ổn định sau khi Tuấn nghỉ thi đấu.

Khi việc tập luyện và thi đấu dần đi vào ổn định, HLV Hữu Chí đã xin cho Tuấn học lớp bổ túc. Ngày Tuấn tập luyện, tối về đi học văn hóa, hôm nào đi thi đấu hay bận việc gì quan trọng, HLV Hữu Chí xin nhà trường cho Tuấn nghỉ ít hôm…

Kim Tuấn luôn ghi nhớ những lời tận đáy lòng của HLV Hữu Chí: “Làm gì thì làm, chứ VĐV bây giờ rất cần cái nghề sau này khi nghỉ thi đấu. Với con cũng vậy, khi còn trẻ thì con cống hiến cho cử tạ, sau này khi nghỉ thi đấu, thầy cũng muốn con có nghề cho bằng người ta. Bây giờ con 20 tuổi và đã học lớp 8, tới cái tuổi 25, 26, tôi mong em sẽ hoàn thành xong chương trình 12 và có thể đậu vào một trường Đại học về TDTT. Sau này, khi không con thi đấu, con có thể học một ngành huấn luyện về thể thao, ra trường có cái nghề liên quan đến cái nghiệp của mình. Có cái chữ, người ta mới trọng thị mình. Nó cũng giúp con giữ được cái đầu tỉnh táo trước mọi cám dỗ của cuộc đời”.

Khát khao về một mái ấm gia đình

Sau hơn 4 năm dành dụm, cuối cùng Tuấn cũng đã thực hiện mơ ước thuở nhỏ của mình là mua một căn nhà cho người chị cả. Căn nhà không rộng, nằm trong con hẻm trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), có giá hơn 800 triệu.

Tuấn cho biết: “Thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ theo cử tạ lại có thể mua được căn nhà ở thành phố. Vậy mà cuối cùng tôi cũng có được. Lương không nhiều nhưng nhờ chắt chiu, nhờ những lần có thành tích ở giải trong nước và quốc tế cộng thêm không biết ăn xài nhiều, nên cuối cùng tôi cũng thực hiện mơ ước để giúp chị. Tôi luôn có suy nghĩ ráng duy trì phong độ tốt để kiếm tiền lo cho ba ở quê, cho đứa cháu nhỏ và một phần giúp các anh, chị”.

Căn nhà mới là mơ ước sau những năm luyện tập và thi đấu khổ cực, nhưng với Tuấn, có một mơ ước mà chàng trai 20 tuổi này vẫn chưa thực hiện, đó là một ngày nào tìm lại “hơi ấm gia đình”.

Mẹ mất khi Tuấn mới chỉ lên 2, từ nhỏ, Tuấn đã sống khi thiếu tình thương của mẹ. Đối với cha, Tuấn vẫn thấy có lỗi vì chưa làm tròn chữ hiếu. Vào Sài Gòn khi mới 12 tuổi, tới bây giờ đã 8 năm, cuộc sống dù đã khá hơn trước nhưng với người cha già ở quê, Tuấn Vẫn chưa có cơ hội làm tròn trách nhiệm của người con.

“Tôi và chị cả nhiều lần rước ba vào Sài Gòn sống cho tiện chăm sóc, nhưng ba tôi là một người thuần nông không quen với cuộc sống ở đây. Cứ lên được vài ngày rồi ông lại đòi về. Thấy ba không vui, tôi và chị cũng không ép”.

Đối với Tuấn, ước mơ về một bữa cơm gia đình bây giờ cũng phải tạm gác lại. Tết Giáp Ngọ sắp đến và Tuấn cũng không nhớ rõ đây là cái Tết thứ mấy, Tuấn phải ăn tết xa nhà nữa.

“Cạnh tranh với Quốc Toàn thôi thúc tôi luôn phải nỗ lực”

Đó là tâm sự của Thạch Kim Tuấn. Chàng trai vàng của cử tạ Việt Nam luôn phải so kè với người đồng đội cùng hạng cân là Trần Lê Quốc Toàn. Với phong độ tốt hơn trong năm 2013, Kim Tuấn đã đẩy Quốc Toàn lui về hậu trường và cũng chính nhờ động lực là đối thủ đến từ Đà Nẵng, Kim Tuấn luôn tự nhủ phải nỗ lực để không bị vượt qua như trong quá khứ.


Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link