10/02/2025 17:11 GMT+7 | Văn hoá
Sáng 9/2, tại TP.HCM đã diễn ra buổi trò chuyện đặc biệt Từ "Khóa hư" của Trần Thái Tông đến "Cư trần lạc đạo" của Trần Nhân Tông, do văn sĩ Nhật Chiêu trình bày. Đặc biệt không chỉ vì đây là hai tác phẩm uyên áo và hấp dẫn bậc nhất thời trung đại của Việt Nam, mà còn tính mở đầu và tiên phong của nó.
Hai tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218 - 1277) và Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông (1258 - 1308) không chỉ đặt nền tảng quan trọng cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cho lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà ở khía cạnh ngôn ngữ và văn chương, xứng đáng là các kiệt tác.
Từ cuốn sách văn học đầu tiên
Theo văn sĩ Nhật Chiêu, Khóa hư lục là cuốn sách văn học chữ Hán đầu tiên của Việt Nam được kết tập, vì trước đó thường chỉ có các tác phẩm đơn lẻ như bài thơ, bài kệ, bài phú... "Dù nguyên tác của Khóa hư lục sau này không còn đầy đủ, nhưng chỉ phần còn lại thôi cũng đủ cho thấy đây là cuốn sách văn học đầu tiên của Việt Nam. Mà độc đáo thay, ngay kết tập lần đầu tiên này đã xứng tầm là kiệt tác văn học, mở ra một nền tảng triết lý cho lịch sử tư tưởng của Việt Nam đến tận ngày nay" - Nhật Chiêu nói.
Văn sĩ Nhật Chiêu (trái) tại buổi trò chuyện
Chỉ cần đọc chương đầu có tên là Tứ sơn (tạm hiểu: 4 núi) cũng đủ thấy tầm vóc tư tưởng của Trần Thái Tông. Bốn ngọn núi sinh, lão, bệnh, tử này cùng lúc lăn đến mỗi đời người, không ai né tránh được, vậy thì phải làm sao? Cần gì phải né tránh, mà tùy duyên đón nhận, vì mùa Xuân của cuộc sống cứ tái lập, nên đời cũng bao gồm cả Xuân - Hạ - Thu - Đông rồi lại Xuân.
Theo Việt Nam Phật điển trùng san, phần còn lại của Khóa hư lục có thể tạm sắp xếp như sau: 1) Phổ thuyết tứ sơn; 2) Phổ thuyết sắc thân; 3) Phổ khuyến phát Bồ-đề tâm văn; 4) Giới sát sinh văn; 5) Giới thâu đạo văn; 6) Giới sắc văn; 7) Giới vọng ngữ văn; 8) Giới tửu văn; 9) Giới định tuệ luận; 10) Thụ giới luận; 11) Niệm Phật luận; 12) Tọa thiền luận; 13) Tuệ giáo giám luận; 14) Thiền tông chỉ nam tự; 15) Kim cương tam muội kinh tự; 16) Lục thời sám hối khoa nghi tự; 17) Bình đẳng sám văn tự; 18) Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ; 19) Ngữ lục vấn đáp môn hạ; 20) Niệm tụng kệ.
Cuốn sách “Trần Nhân Tông, đời - đạo không hai” vừa phát hành của Nguyễn Thế Đăng
Nhìn vào "mục lục còn lại" này đủ thấy tầm quan tâm và sức bao quát của Khóa hư lục, nói những chuyện vi tế, thâm trầm. Không phải ngẫu nhiên mà sách này đã được giới tu tập gọi là Khóa hư kinh, dùng để tụng niệm. Thế nhưng, Trần Thái Tông không chọn lối hành văn thuần kinh kệ, mà viết đậm chất văn học, với rất nhiều hình ảnh cận nhân tình. Đạo và đời không tách bạch, hoan hỷ đi bên nhau. Chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn người đọc và tầm vóc kiệt tác của cuốn sách văn học chữ Hán đầu tiên của Việt Nam.
Đến cuốn sách văn học chữ Nôm đầu tiên
Cũng theo Nhật Chiêu, Cư trần lạc đạo phú gần như viết trọn vẹn bằng chữ Nôm (nghĩa là tiếng Việt) và là cuốn sách chữ Nôm đầu tiên được kết tập, nên vai trò của nó rất đặc biệt.
Nhật Chiêu chia sẻ: "Ngày nay, đọc Cư trần lạc đạo phú, gặp nhiều câu chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì tính hiện đại và tính đời sống của nó, viết như lời ăn tiếng nói thường nhật, mà rung cảm và sâu sắc vô cùng. Đọc những câu như "Mình ngồi thành thị/ Nết dụng sơn lâm/ Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính/ Nửa ngày rồi tự tại thân tâm/ Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý/ Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm" thì ngày nay vẫn thấy dễ hiểu, chẳng cần phải chú thích, chú giải nhiều".
Hoặc những đoạn phú hành văn rất thoải mái như: "Ngự cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang/ Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý/ Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm phu/ Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí/ Mày ngang mũi dọc, tướng tuy là xem ắt bằng nhau/ Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vạn vàn thiên lý". "Vậy mới hay!/ Bụt ở trong nhà/ Chẳng phải tìm xa/ Nhân khuây bản nên ta tìm bụt/ Đến cốc hay chỉn Bụt là ta".
Nhật Chiêu kết luận: "Điểm chung đầu tiên trong tư tưởng của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông là sự hòa hài, bao dung giữa đạo với đời, mở ra một dòng thiền đặc sắc cho Việt Nam. Điểm chung thứ hai là khả năng văn học tuyệt vời, uyên áo và hiện đại, mang lại cho độc giả những tác phẩm vượt thời gian".
Đời - đạo không hai
Buổi trò chuyện cũng bước đầu giới thiệu cuốn sách Trần Nhân Tông, đời - đạo không hai vừa phát hành của Nguyễn Thế Đăng. Cuốn sách gồm 12 bài viết, phác thảo, phân tích tư tưởng của Trần Nhân Tông từ thuở thiếu thời cho đến khi viên tịch.
Với cách bình thơ phú gần gũi, dễ đọc, sách này một lần nữa cho thấy tầm vóc vĩ đại của Trần Nhân Tông ở khía cạnh chữ Nôm và văn học.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất