07/10/2024 16:27 GMT+7 | Văn hoá
Đông Hồ là một làng Việt cổ nằm bên bờ Nam sông Đuống từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tranh. Nghề làm tranh Đông Hồ đã đi vào câu ca.
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát, có nghề làm tranh”
Theo thư tịch, tài liệu cổ, nghề làm tranh ở Đông Hồ đã xuất hiện từ thời Lê Sơ (TK XV) tồn tại, phát triển cho đến tận ngày nay. Trong lịch sử phát triển hàng trăm năm, tranh Đông Hồ đã trở thành 01 sản phẩm văn hóa tinh thần quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Trải qua lịch sử, đến nay làng tranh dân gian Đông Hồ đã sản sinh nhiều thế hệ nghệ nhân làm tranh nổi tiếng như: Nguyễn Thế Thức, Vương Chí Long, Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế,…
Theo thống kê hiện nay làng nghề còn 02 gia đình sản xuất tranh với các nghệ nhân được nhà nước phong tặng gồm: Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh thuộc thôn Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả thuộc thôn Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thuộc thôn Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm thuộc Thôn Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành.
Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng, tiêu biểu và đặc sắc nhất trong 4 dòng tranh dân gian của Việt Nam. Dòng tranh này đặc biệt từ chất liệu làm tranh (giấy dó), sử dụng màu sắc (hoàn toàn từ tự nhiên), kỹ thuật in ấn cho tới quy trình chế tác (hoàn toàn thủ công).
Tranh Đông Hồ với các đề tài và nội dung phong phú, đa dạng qua cách thể hiện chủ yếu được đưa vào tranh như: Lịch sử ca ngợi những anh hùng dân tộc, phản ánh những chiến công hiển hách trong quá trình dựng nước và giữ nước; tranh thờ vẽ theo lễ giáo, phong tục, câu đối; tranh cảnh vật nói về lòng yêu quê hương, đất nước; tranh sinh hoạt phản ánh công việc đồng áng; chúc tụng thể hiện mơ ước ngàn đời của người lao động…
Nét đặc sắc của tranh Đông Hồ là phần mầu sắc sử dụng trong tranh đều lấy hoàn toàn từ thiên nhiên, những gam màu cơ bản, không pha trộn như màu đỏ từ sỏi son hay gỗ vang, màu xanh từ lá tràm, màu đen từ than lá tre, màu trắng được lấy từ vỏ điệp…
Tranh dân gian Đông Hồ với màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có, sắc thái của tranh toát lên từ những hình ảnh được thể hiện trên tranh như: đám cưới chuột, đàn gà, đàn lợn, thiếu nữ hứng dừa, các bộ tranh tố nữ, tứ quý, tứ bình… Những hình ảnh thể hiện trong tranh vừa chân chất, gần gũi, vừa sâu sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, lễ hội, đình đám, văn hóa, con người Việt Nam.
Tranh Đông Hồ là tranh in từ ván khắc gỗ. Người nghệ nhân sẽ vẽ mẫu rồi dùng ván cắt và khắc lên các bản gỗ ván in nét đen và ván in màu. Các bản ván in đi cùng với nhau tạo thành một bộ, bức tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu ván in. Với tranh bộ, mỗi bộ có bốn bức, mỗi bức có ba, bốn màu, nên mỗi bộ tranh có thể có đến 16 ván.
Về kỹ thuật làm ván khắc: Muốn làm ván in tranh, Nghệ nhân Đông Hồ đầu tiên phải chọn mua gỗ thị, cưa ra từng đoạn theo khổ của tờ giấy dó làm tranh. Tiếp theo, nghệ nhân ngồi vẽ hình lên giấy úp lên miếng gỗ để vẽ đường nét của người hay vật. Tiếp đến Nghệ nhân ngồi chạm khắc tỷ mỉ, khéo léo theo đường nét, hình khỗi đã định. Bao giờ Nghệ nhân cũng chạm khắc ván nét trước và ván màu sau.
Về quy trình in tranh: Tranh Đông Hồ được in theo phương pháp sấp ván
và in bản màu trước, bản nét sau. (Một bức tranh có bao nhiêu màu sẽ in bấy nhiêu bản khắc màu, bản khắc nét chỉ có một và in sau cùng).
Tranh dân gian Đông Hồ là một di sản văn hóa quý giá không chỉ của tỉnh Bắc Ninh mà của cả dân tộc Việt Nam. Việc giữ gìn, tôn vinh, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là việc vô cùng cần thiết và cấp bách.
Hiện nay nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Tranh dân gian Đông Hồ đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn và truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bên cạnh đó còn làm cho cuộc sống tinh thần của người Việt Nam trở nên phong phú hơn.
Khám phá làng tranh dân gian Đông Hồ
Bạn có thể ghé đến và tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ vào tất cả các ngày trong tuần. Nhưng lý tưởng và phù hợp nhất vẫn là vào cuối tuần với trời nắng dịu, mát mẻ. Khung giờ tuyệt vời để trải nghiệm hết những nét đặc sắc của làng tranh Đông Hồ đó chính là buổi sáng từ 9h đến 11h và buổi chiều từ 14h đến 17h.
Làng tranh dân gian Đông Hồ có địa chỉ tọa lạc tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ trung tâm Hà Nội di chuyển đến mất khoảng 35km. Làng Đông Hồ nằm ngay cạnh bên bờ nam sông Đuống.
Du khách có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện để đi đến đây như: Đi bằng xe bus: Bắt tuyến 204 từ Hà Nội đi Thuận Thành, Bắc Ninh với bến cuối sẽ là làng tranh dân gian Đông Hồ.
Đi bằng xe máy hoặc ô tô: Thì đi men theo quốc lộ 5, quốc lộ 18B đến phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu. Sau đó rẽ trái xuống đường đê, hỏi đường và rẽ phải khoảng 3km sẽ đến được với làng Đông Hồ.
Địa điểm đầu tiên du khách nên ghé đến khi tham quan làng chính là Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ. Đây là một không gian vô cùng thú vị để bạn có dịp giao lưu với các nghệ nhân, nghe những câu chuyện lịch sử mà họ kể lại cũng như những quy trình quan trọng để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Đối với mỗi nghệ nhân khắc tranh gỗ trong làng thì mỗi tác phẩm tạo ra đều chứa đựng một ý nghĩa riêng biệt. Không chỉ thể hiện tinh thần của tác giả mà còn toát lên cái hồn và nét đặc trưng vốn có của làng tranh dân gian Đông Hồ.
Đối với những ai mong muốn mang về cho mình những bức tranh đẹp tại làng thì có thể tham khảo một số tác phẩm như: sổ khâu in tranh Đông Hồ, lịch Đông Hồ, sổ giấy điệp, các bức bình phong mang họa tiết độc đáo hay những bức tranh dân gian Đông Hồ truyền thống,…
Để tạo ra một bức tranh dân gian Đông Hồ đẹp và có hồn thì phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu: Từ sáng tác mẫu và tạo bản khắc gỗ, chuẩn bị giấy dó và màu vẽ. Sau đó in tranh, phơi tranh dưới ánh nắng để ráo mực và giúp sản phẩm hoàn chỉnh cũng như đạt chất lượng tốt nhất.
Đến với làng tranh dân gian Đông Hồ ngoài khám phá những tác phẩm độc đáo ra, bạn còn có cơ hội thưởng thức các món ngon đặc sản của vùng đất Kinh Bắc. Có thể kể đến như: Bánh phu thê, bánh khúc, nem bùi, cháo cá, chim trời nướng, các loại bánh truyền thống như bánh tẻ, bánh đa kế, bánh tro...
Ghé thăm và du lịch làng tranh dân gian Đông Hồ thì dĩ nhiên một món quà không thể thiếu để mang về dành tặng cho người thân, bạn bè ở nhà chính là tranh khắc gỗ truyền thống. Ngoài ra, ở làng Đông Hồ còn trưng bày khá nhiều những món quà lưu niệm mang đậm phong cách tranh Đông Hồ ấn tượng mà du khách có thể tham khảo và mua về.
Lưu ý khi ghé thăm và du lịch làng tranh dân gian Đông Hồ du khách nên chủ động lựa chọn thời điểm phù hợp nhất.
Ăn mặc thoải mái cũng như dễ hoạt động dễ dàng nhất. Vì việc đi bộ sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng, nên hãy chuẩn bị thêm đồ ăn nhẹ cũng như nước uống.
Khi đến tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ sẽ không tránh khỏi việc mê mẩn một tác phẩm nào đó và bạn sẽ muốn mang nó về nhà mình. Vậy nên hãy chuẩn bị thêm tiền mặt để có thể dễ dàng thanh toán và sở hữu những bức tranh độc đáo cho riêng mình nhé.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất