20/01/2012 06:57 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH Cuối tuần) - Bản quyền truyền hình Super League cũng như các giải đấu khác do VPF tổ chức đang là tâm điểm của cuộc chiến tay ba giữa VFF - VPF - AVG. Tại sao bản quyền truyền hình lại quan trọng đến mức các bên “cãi nhau như mổ bò” chưa đủ, tính lôi nhau ra tòa án?
Ngay trong màn “tung bom” ở cuộc họp tổng kết mùa giải bóng đá 2011 do VFF tổ chức, ông bầu Nguyễn Đức Kiên, khi đó đại diện cho câu lạc bộ vừa rớt hạng V-League là Hà Nội.ACB, đã nhắc đến chuyện bản quyền truyền hình kéo dài tới 20 năm. Tuy nhiên, do thời điểm đó chưa thật sự thuận lợi nên bầu Kiên cũng chỉ mới nói “qua loa”. Đến khi VPF thực sự ra đời, với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, bầu Kiên quyết làm “đến nơi, đến chốn” vụ bản quyền truyền hình này.
Sự việc kéo dài đến đâu, thời gian sẽ trả lời. Nhưng cho dù có đi đến đâu và bên nào chiến thắng thì một thực tế không thể phủ nhận là bản quyền truyền hình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu không, các bên đã không “chiến” nhau đến mức chí tử như những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua. VPF mới ra đời, nhưng nhìn lại thực tế ở các giải vô địch bóng đá quốc gia hàng đầu châu Âu, bản quyền truyền hình cũng là vấn đề then chốt.
Việc ra đời các công ty, hay các ban tổ chức của hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp ở Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italia, Pháp... có một phần xuất phát quan trọng từ lợi ích mà bản quyền truyền hình mang lại. Trước hết, việc bán quyền khai thác hình ảnh truyền hình trực tiếp các trận đấu mang lại một nguồn thu rất lớn cho ban tổ chức cũng như bản thân các đội bóng.
Ở Tây Ban Nha, Real Madrid và Barcelona đang đút túi gần cả trăm triệu euro mỗi mùa, tương tự như AC Milan và Juventus ở Italia. Tại Anh và Đức, việc phân phối nguồn thu từ bản quyền truyền hình mang tính chất “cào bằng” hơn, nhưng các đội bóng hàng đầu cũng thu về vài chục triệu euro qua mỗi mùa giải. Con số này còn kém xa doanh thu ở các trận đấu, nhưng cũng là một khoản kha khá, đủ để tuyển mộ một vài cầu thủ giỏi, hay trang trải lương cho dăm ba ngôi sao lớn.
Ngoài nguồn thu trực tiếp này, việc được lên sóng truyền hình đi khắp đất nước, hay thậm chí cả thế giới, còn giúp các đội bóng khuếch trương tên tuổi, mở đường cho những cuộc “xâm lăng” về thương mại, thông qua những chuyến du đấu mùa Hè làm “chim mồi”. Nguồn lợi từ mặt thứ hai này rõ ràng không thể đong đếm được, nhưng rất lớn.
Chính vì thế, nắm được bản quyền truyền hình cũng là nắm được “đầu vào” và “đầu ra” quan trọng của các câu lạc bộ trong thời buổi bóng đá trở thành một công cụ kinh doanh không hơn, không kém. Chưa kể, đơn vị nắm bản quyền truyền hình còn có thể khai thác nhiều dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm, như quảng cáo, tài trợ, xổ số bóng đá hợp pháp... Nhìn chung, có bản quyền truyền hình trong tay là lợi đủ đường.
Vậy nên, chẳng mấy khó hiểu khi trước mỗi mùa giải mới ở châu Âu, các cuộc chiến liên quan đến bản quyền truyền hình luôn diễn ra hết sức nóng bỏng. Tại Tây Ban Nha và Italia, giải vô địch quốc gia thậm chí thường xuyên đối mặt với nguy cơ lùi ngày khai mạc vì chưa giải quyết xong “miếng bánh” truyền hình. Tại Đức, các câu lạc bộ từng lao đao khi tập đoàn truyền thông Kirch Media, nắm giữ bản quyền truyền hình, bị “sập tiệm”.
Nhìn chung, với bóng đá hiện đại, bản quyền truyền hình chính là chiếc “chìa khóa vàng” mở ra cái két sắt chứa đầy tiền, hay chiếc “đũa vàng” có phép màu nhiệm đủ sức biến điều không thể thành có thể.
Minh Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất