Đề án cải tổ BTC V-League của Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi

03/10/2011 10:01 GMT+7 | Diễn đàn bóng đá

(TT&VH) - Sau khi TT&VH số 272 ra ngày 29/9/2011 đăng tải toàn bộ bản đề án thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN VPF (Vietnam Professional Football) do ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội, trình bày tại Hội nghị Chủ tịch các CLB do VFF tổ chức diễn ra cùng ngày, đã có không ít độc giả liên hệ với TT&VH để bày tỏ sự quan tâm đối với bản đề án cải tổ BTC giải V-League của Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi, vì lý do có nhiều ý kiến cho rằng đề án của ông Nguyễn Đức Kiên và ông Dương Nghiệp Khôi có nhiều điểm trùng hợp.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo TT&VH số 274 ra ngày 1/10/2011 vừa qua, ông Trần Duy Ly, nguyên là Phó Chủ tịch thường trực VFF nhiệm kỳ IV, nguyên trưởng BTC giải, cũng xác nhận: “Đúng như ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã nói, đề án, ý tưởng này không mới. Nhưng vào thời điểm 2005, khi ông Dương Nghiệp Khôi đưa ra ý tưởng V-League đi theo hướng hoạt động như J-League (nghĩ là tự tách ra thành lập Công ty quản lý giải vô địch quốc gia-PV), thì VFF lẫn các CLB đều không đồng thuận.

Lý do đầu tiên, VFF và các ông bầu không thích làm theo cái mới, khi những con đường cũ tạm ổn. Chưa kể, không ai chịu nghiên cứu thấu đáo và xem đề án này có hợp lý và hay ở điểm nào không? Nhưng tới thời điểm này, khi VFF và V-League bị báo động từ rất nhiều vấn đề: quản lý, tổ chức, điều hành , trọng tài, quy chế, chuyển nhượng… tất cả mới thấy việc sự thay đổi mạnh mẽ là bắt buộc”.

Để rộng đường dư luận, TT&VH xin giới thiệu với quý độc giả nội dung chủ yếu của bản đề án mà ông Khôi đã trình lên lãnh đạo VFF ngay trước khi bản đề án của ông Kiên được giới thiệu trước công luận tại Hội nghị Chủ tịch các CLB ngày 29/9 vừa qua.

Lời tác giả

Thưa quý vị

Dưới đây là văn bản tôi gửi đến lãnh đạo VFF ngày 28/9/2011, đã được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều đồng chí lãnh đạo VFF như Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng… và Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn. Ngày 29/9 tôi được nghe ông Nguyễn Đức Kiên trình bày tóm tắt đề án thành lập Công ty VPF của 6 CLB CN đề xuất và Công ty VPF hoạt động như một doanh nghiệp, sẽ thành lập BTC CN để điều hành mùa giải 2012.

Đề án do ông Nguyễn Đức Kiên trình bày hơn hẳn đề án của tôi, điểm nổi bật trong đề án của ông Kiên là đã dành cho VFF nắm quyền chủ động một cách rõ ràng hơn, thuyết phục hơn (VFF được dành 35,6%, và giữ quyền phủ quyết), các CLB CN không phải đóng phí hàng năm….

Lúc ấy tôi rất tin tưởng là VFF và Hội nghị Chủ tịch các CLB CN sẽ thông qua đề án mới này, bởi đề án này đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của chính những người tham gia cuộc chơi (28 CLB), đúng vào thời điểm mà dư luận xã hội đòi hỏi bóng đá VN phải có sự đổi mới để vươn lên tầm cao mới.

Kết quả của Hội nghị 29/9 đã mở ra một con đường mới cho bóng đá chuyên nghiệp tại VN, để con đường mới này trở thành “Đại lộ thênh thang ta bước” thì VFF và các CLB sẽ còn phải trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, cần sự nỗ lực của tất cả các bên tham gia, nhưng khi nhìn thấy sự đoàn kết, sự tự tin và lòng quyết tâm toát ra từ ánh mắt, nụ cười của tất cả những người tham dự Hội nghị, tôi rất tin vào sự thành công của đề án do 6 CLB CN khởi xướng.

Thư ngỏ

Kính gửi: Lãnh đạo LĐBĐ VN

Trong 2 tuần qua, làng bóng đá VN rất sôi động mặc dù các giải đấu quốc gia 2011 đã qua đi, rất nhiều sự bàn luận hoặc chỉ trích cũng có, nhưng tựu trung tất cả các ý kiến đều xoay quanh chủ đề cần đổi mới bóng đá VN, nói thì không khó, cái khó là phải tìm ra giải pháp thích hợp nhất để cải tổ công tác điều hành các giải đấu quốc gia. Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo VFF và các ông bầu của các CLB (HN.ACB, HA.GL, ĐT.LA. K.KH…) trong mấy ngày qua tôi nhận thấy tất cả mọi người tham gia đều muốn đổi mới thực sự.

Sau khi đọc bài viết “Cần nhà tổ chức chuyên nghiệp” trên báo Tuổi Trẻ ngày thứ bảy 17/9/2011 của tác giả Chiêu Nghi và bài “Cần thay đổi cấu trúc” ngày 18/9/2011 của tác giả Vũ Công Lập tuy 2 tác giả đều là nhà báo, nhưng đã cùng đưa ra một giải pháp thiết thực, giải pháp này không phải là mới bởi các nước có nền bóng đá tiên tiến đã thực hiện từ rất lâu rồi, nhưng “nó” rất mới với bóng đá VN, phải chăng đó là cứu cánh hữu hiệu mà VFF và các CLB cần nhanh chóng thực thi trong quá trình đổi mới hiện nay?

Ông Dương Nghiệp Khôi (trái) nhận xét rằng đề án xây dựng VPF của ông Nguyễn Đức Kiên là quá hoàn hảo và có một số điểm hợp lý hơn nhiều so với đề án của ông Khôi

Tôi xin phép được trình bày và đóng góp một số điểm cụ thể hoá giải pháp này với mong muốn được đóng góp ý kiến với quý vị, những ý kiến này có thể còn chưa đầy đủ hoặc thiếu sót, nhưng đó là những vấn đề  mà một số nước tiên tiến đã áp dụng, rất mong có nhiều ý kiến đóng góp để ý tưởng chung của chúng ta có thể thực hiện.

Trước hết chúng ta hiểu khái niệm “Ban tổ chức chuyên nghiệp” (BTC CN) là gì? BTC CN thực chất là một doanh nghiệp-Công ty cổ phần-hoạt động trong khuôn khổ luật pháp VN dưới sự giám sát của VFF mà các cổ đông chính là VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp: BTC CN có tài khoản riêng, độc lập về mặt tài chính với VFF. BTC CN là thành viên của VFF (trích điều 19 Điều lệ VFF: “CLB, cơ quan tổ chức giải đấu quốc gia, LĐBĐ các tỉnh, thành phố tự nguyện gia nhập VFF là thành viên trực thuộc và được VFF công nhận”).

Mục tiêu của BTC CN

Các giải bóng đá chuyên nghiệp (V-League) nằm dưới sự quản lý của VFF với tiêu chí chung: bóng đá chuyên nghiệp được coi là một ngành kinh doanh, các CLB thuộc tổ chức này là những người thực hiện công việc kinh doanh đó và được coi là những thành viên chính thức của tổ chức, để cải thiện trình độ bóng đá VN và phổ cập bóng đá nhằm phát huy văn hoá thể thao, góp phần đem lại sự phát triển thể chất và tinh thần cho người dân VN, góp phần vào việc giao lưu xã hội và đem lại một hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế.

BTC CN thực hiện các hoạt động sau nhằm đạt được mục tiêu vừa nêu trên:

(1)    Tổ chức các trận đấu bóng đá chuyên nghiệp và ghi nhận kết quả của các trận đấu đó.

(2)    Đề ra các quy định và điều lệ liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp

(3)    Chịu trách nhiệm về các điều kiện và cấp giấy chứng nhận cho các trang thiết bị để tổ chức các trận đấu bóng đá chuyên nghiệp.

(4)    Quảng bá và tuyên truyền cho các trận đấu bóng đá chuyên nghiệp thông qua phát thanh, truyền hình v.v...

(5)    Khảo sát, nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật và công nghệ liên quan đến bóng đá

(6)    Tạo ra các chương trình phúc lợi xã hội cho các cầu thủ bóng đá, HLV và những người liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp.

(7)    Thực hiện việc giao lưu quốc tế và các dự án quốc tế liên quan đến bóng đá.

(8)    Quảng bá và ủng hộ bóng đá cũng như các môn thể thao khác

(9)    Quảng bá và tuyên truyền cho bóng đá chuyên nghiệp thông qua các ấn phẩm như bản tin chính thức của V-League...

(10)    Các dự án khác nhằm đạt được những mục tiêu trên.

VFF và các CLB CN sẽ tổ chức “Đại hội các CLB BĐCN” để thông qua điều lệ hoạt động của Công ty, thành lập Hội đồng quản trị công ty (HĐQT), ban giám đốc… sau đó làm thủ tục với các cơ quan chức năng để chính thức thành lập Công ty. Đại hội các CLB BĐCN mỗi năm họp một lần (thông thường là sau khi kết thúc mùa bóng cũ để chuẩn bị cho mùa bóng mới).

Thỏa ước vì một nền bóng đá VN sạch

Một điểm rất quan trọng trong chương trình của Đại hội các CLB BĐ CN lần đầu tiên là thông qua: “THỎA ƯỚC” với một tiêu chí xuyên suốt quá trình chuyên nghiệp hóa bóng đá VN mà CLB CN nào muốn tham gia giải đấu đều phải tuân theo: ví dụ “Làm bóng đá sạch-đẹp vì người hâm mộ”.

Nội dung của thỏa ước này có thể như sau:

- Tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh Luật, Điều lệ và các quy định của FIFA, AFC và VFF.

- Thi đấu trung thực, không cho điểm, nhường điểm.

-  Không móc ngoặc, “đi đêm” với cầu thủ của CLB khác, không nhận cầu thủ đang vi phạm kỷ luật của CLB khác;

-  Không hối lộ hoặc tặng quà biếu đối với trọng tài và các quan chức

-  Phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đảm bảo an ninh, an toàn cho tất cả các thành viên tham dự trận đấu

-  Không nhận chuyển nhượng cầu thủ trẻ dưới 21 nếu không được CLB đang đào tạo cầu thủ đồng ý;

- Phát huy hình ảnh đẹp của CLB trong suốt quá trình xây dựng CLB: quan chức và cầu thủ của CLB phải tuân thủ tinh thần Fair-Play của FIFFA, không phát biểu thiếu tính chất xây dựng, không chỉ trích trọng tài…

- Không đổi tên CLB sau khi đã chính thức đăng ký với BTC CN (ở các nước tiên tiến thông thường người ta sử dụng tên địa phương gắn với một hậu tố, ít khi người ta cho gắn tên đội bóng với nhà tài trợ của CLB vì sẽ không bền vững, trường hợp đặc biệt muốn đổi tên phải được sự chấp thuận của…. )

- Nắm giữ cổ phần của V-League phải là doanh nghiệp của VN…

Các CLB có thể đưa ra nhiều điểm nữa trong thoả ước này để bóng đá VN sạch và đẹp hơn.

Vị lãnh đạo cao nhất của CLB BĐ CN (những ông chủ các CLB BĐCN) phải ký và cam kết thực hiện thoả ước này trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển CLB CN. Những CLB nào vi phạm thoả ước này sẽ phải rời bỏ cuộc chơi.


 Theo ông Khôi, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ (trái) chính là người đã chỉ đạo ông Khôi viết lại bản đề án cải tổ BTC giải trước khi bầu Kiên trình bày đề án VPF tại Hội nghị Chủ tịch các CLB vừa qua

Thành phần cơ bản của BTC CN do Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty thành lập gồm: Ban giám đốc và các ban (phòng) chức năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt…Giám đốc điều hành giải (GĐ ĐH-được hiểu là trưởng BTC giải hiện nay) sẽ do Đại hội các CLB CN giới thiệu (bầu) để Hội đồng quản trị Công ty bổ nhiệm hoặc thuê. GĐĐH phải là người trung gian (không thuộc CLB thành viên của giải đấu), có phẩm chất và năng lực để đảm đương chức vụ. GĐĐH là người đứng đầu và chịu trách nhiệm trước HĐQT về các mặt trong công tác điều hành giải, GĐĐH không nhất thiết phải là người do VFF trực tiếp quản lý.

Về tài chính: VFF và các CLB phải đóng phí gia nhập V-League, VFF nắm giữ số cổ phần cao nhất (ví dụ: VFF 25%; 50% cổ phần chia cho 14 CLB ở giải VĐQG-V-League1; 25% còn lại chia đều cho 14 CLB giải hạng Nhất QG-V-League2). Hàng năm mỗi CLB phải đóng thêm phí thành viên của V-League (ở J-League của Nhật Bản: phí gia nhập của một CLB J-League1: 60 triệu Yên; CLB J-League2: 20 triệu Yên; Phí thành viên hàng năm J-League1: 40 triệu Yên; J-League2: 20 triệu Yên. BTC CN có nhiều nguồn thu khác: bản quyền truyền hình, tài trợ giải đấu, quảng cáo…BTC CN sẽ phải trích từ nguồn thu hàng năm để nộp về cho VFF theo thoả thuận (hoặc theo số X% định sẵn) để VFF chi cho các hoạt động khác của VFF. Còn lại là để BTC CN chi trả cho các hoạt động tổ chức thi đấu và phát triển các giải đấu lên tầm cao mới.

Một số điểm mà nhiều người vẫn còn băn khoăn và có thể vẫn bị nhầm lẫn

Về công tác điều hành trọng tài, tôi xin trích dẫn từ quy chế hoạt động trọng tài mẫu của FIFA gửi các LĐBĐ thành viên và yêu cầu phải thực hiện từ ngày 11/4/2011 (mục II, mục 3, điểm 1 và điểm 2): “Ban Trọng tài: Mỗi LĐ thành viên có nghĩa vụ thiết lập một ban Trọng tài dưới sự quản lý trực tiếp của LĐ quốc gia dựa trên điều 13 đoạn 1(e) của Quy chế FIFA; ban Trọng tài phải là một thành phần không thể thiếu trong cơ cấu của LĐ thành viên. Việc tổ chức trọng tài, các quy định và việc phát triển trọng tài phải dưới sự quản lý duy nhất của LĐ thành viên, và trong bất cứ hoàn cảnh nào những hoạt động này không chịu sự giám sát của bất cứ cơ quan-tổ chức nào khác như các giải vô địch”.

Như vậy, công tác điều hành trọng tài tại V-League là do ban Trọng tài nắm trọng trách, BTC CN không có quyền can thiệp vào, tránh tình trạng vừa “đá bóng vừa thổi còi”, BTC CN sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí cho các trọng tài và những người điều hành công tác trọng tài.

Về kỷ luật trong mùa giải: trích điều 5, mục 4 của quy chế tổ chức và hoạt động của ban Kỷ luật VFF về thẩm quyền xử lý kỷ luật: “Đối với những vi phạm phát sinh từ các giải đấu do VFF tổ chức, để xử lý một cách kịp thời, trưởng ban Kỷ luật có thể phân công một số uỷ viên ban Kỷ luật cùng với trưởng ban, thư ký ban làm nhiệm vụ thường trực để xử lý”.

Theo cách nghĩ trước đây, nhiều người hiểu rằng: BTC giải phải chịu mọi trách nhiệm từ công tác tổ chức giải, tổ chức các trận đấu, phân công trọng tài, kỷ luật các thành viên khi có vi phạm, hay nói cách khác: ông trưởng giải có một quyền lực quá lớn và đồng thời phải chịu một “gánh nặng” khó có thể kham nổi. Công tác điều hành bóng đá chuyên nghiệp cần có sự đổi mới: có sự phân nhiệm rõ ràng hơn, chuyên nghiệp hơn và đúng với các quy định của tổ chức bóng đá quốc tế mà VFF là một thành viên.

Nếu được như vậy thì rõ ràng quyền điều hành giải đấu được trao lại cho đúng những người tham gia cuộc chơi, các CLB CN (các doanh nghiệp) có quyền cùng điều hành trên khuôn khổ nhất định của luật lệ do chính họ thông qua, sẽ bớt đi nhiều tiêu cực, tranh cãi và bất đồng. VFF cũng có nhiều thời gian hơn để lo cho những mảng quan trọng khác của bóng đá VN như các ĐTQG, công tác đào tạo trẻ…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải lường trước bằng các quy định thật cụ thể để tránh một số tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình đổi mới: ví dụ có doanh nghiệp chỉ bỏ tiền ra mua hoặc đầu tư vào một CLB cụ thể nào đó, chơi một hai năm lại bán đi hoặc giải thể vì bị xuống hạng chẳng hạn, như vậy tính bền vững của bóng đá chuyên nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, hoặc có cá nhân thao túng BTC CN bằng cách chiếm dụng nhiều cổ phần Công ty (BTC CN)…vấn đề này sẽ phải được thảo luận kỹ trong Đại hội các CLB CN mà thành phần tham dự phải có các “ông chủ” của CLB CN và phải được sự hỗ trợ của các chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm. Nếu cần thiết, VFF phối hợp với các CLB CN hiện nay cử đoàn công tác đi nước ngoài tham quan và học tập kinh nghiệm từ các nước tiên tiến đã và đang áp dụng mô hình này, sau đó tuỳ thời điểm thích hợp khi tất cả các CLB CN ở VN đã phát triển bền vững lúc đó chúng ta có thể thành lập BTC CN hoạt động theo hình thức doang nghiệp như mong muốn .

Trên đây, tôi chỉ xin trình bày tóm tắt một số vấn đề cụ thể hơn về việc đổi mới “cấu trúc của BTC giải” thành BTC CN, với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của bóng đá nước nhà vì một nền bóng sạch-đẹp đáp ứng lòng mong mỏi của quần chúng hâm mộ.

Trân trọng

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2011

DƯƠNG NGHIỆP KHÔI

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link