Ví giặm 'buồn nhất trong kho tàng dân ca Việt Nam'

17/08/2013 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh lần 2 sẽ diễn ra từ 17 đến 19/8 tại TP Hà Tĩnh. Sự kiện lần này gây chú ý đặc biệt vì ví giặm đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị công nhận là di sản nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Chương trình  được truyển hình trực tiếp trên VTV2 vào lúc 20 giờ 17/8, từ Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh.

1. Nghệ - Tĩnh không chỉ là tên hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hồi chưa sáp nhập, mà là một vùng địa lý - văn hóa gắn kết ngàn đời. Đến giờ, nhiều người Nghệ - Tĩnh xa quê, ở trong và ngoài nước, vẫn coi nhau là đồng hương, không phân biệt. Tiêu điểm của Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh lần 2,  do UBND hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và báo Nhân dân tổ chức, là đêm nghệ thuật Đôi bờ ví giặm do người con xứ Nghệ, nhạc sĩ An Thuyên, viết kịch bản và tổng đạo diễn. Liên hoan thu hút 21 CLB dân ca của 2 tỉnh, gồm 450 người (nghệ nhân và nhân dân lao động) thi tài.

Đôi bờ ví giặm, cái tên ý nghĩa về nhiều mặt. Hai tỉnh gắn kết về không gian, văn hóa, hiện còn lưu truyền 15 điệu ví, 8 điệu giặm. Phần 1 ca cảnh Đôi bờ ví giặm diễn tả những chàng trai Nghệ An đêm trăng trốn nhà vượt sông Lam sang hát cùng các cô gái Hà Tĩnh. Phần 2 là những làn điệu sân khấu đã cải biên thành công, gồm: lẩy Kiều, ví giận thương, hát khuyên, tứ hoa. Phần này hội tụ các diễn viên nổi tiếng đang sống tại Nghệ Tĩnh: NSND Hồng Lựu, NSƯT An Phúc, ca sĩ Nguyễn Phương Thanh (SN 1978, quê Đô Lương, giải Nhì dòng nhạc Dân gian, Sao Mai 2011), ca sĩ Hồng Oanh - Nghệ An; ca sĩ Quang Hưng, Thanh Nguyên (Hà Tĩnh). Đại chúng nhất là phần 3, Mùa trăng sông Lam sông La - tên ca khúc mới được nhạc sĩ An Thuyên viết dành riêng cho sự kiện này.



GS-TS Trần Quang Hải với các nghệ nhân phường vải Trường Lưu, Hà Tĩnh. Ảnh: Võ Hồng Hải

"Mùa trăng" thực sự là "mùa sao" , hội tụ các ca sĩ thế hệ 8X, được công chúng cả nước biết đến. Họ là: Phạm Phương Thảo (SN 1981, giải Ba Sao Mai 2003) với ca khúc mới Mùa trăng sông Lam, sông La; ca sĩ opéra Vành Khuyên (1979) biểu diễn Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ); Bùi Lê Mận (1988) cất tiếng Em là điệu ví (Quốc Nam), cô từng giành giải Nhất dòng Dân gian Sao Mai 2009; Đinh Thành Lê (giải Nhất Sao Mai 2007)...

2. Đạo diễn chương trình Đôi bờ ví giặm trong bối cảnh ví giặm đang được xét di sản phi vật thể  nhân loại cần bảo vệ, nhạc sĩ An Thuyên có tâm sự, bức xúc: "Thực tâm lòng tôi trĩu nặng, cũng vì yêu Nghệ - Tĩnh và ví giặm. Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ chính kiến chung ở mức quốc gia, UNESCO công nhận di sản để bảo tồn và phát huy, không có nghĩa những di sản như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Hát xoan v.v... đẳng cấp thế giới. Trong diễn đạt, cách tuyên truyền, quảng bá của truyền thông, báo chí trung ương, địa phương và theo cách hiểu của nhiều người hiện nay, có sự ngộ nhận này. ..

Người thời đại này tôn vinh di sản cha ông để khai thác, hưởng thụ, điều ấy chính đáng. Song hầu hết là bệnh thành tích. "Lục lọi" vốn cổ của cha ông để hưởng lộc, người thời đại này đã ai đau đáu nghĩ và hành động: Cha ông để lại di sản cho con cháu, vậy chúng ta để lại gì cho thế hệ sau này? Chiến lược nào? Không ai quan tâm. Không có chiến lược, đề án hữu hiệu để phát huy".

Cũng theo nhạc sĩ, dân ca là những làn điệu gốc, cổ. Dân ca ví, giặm được truyền khẩu lúc này, là "phiên bản" 50 - 70 năm nay, còn gốc thực sự thế nào, không ai nắm rõ. Sưu tập, thu gom, bảo tồn, phải ghi băng, đĩa, để có tài liệu truyền dạy, lưu giữ. Lớp nghệ nhân già hao hụt từng năm. Lớp còn "lửa" cống hiến thì phân tâm lo cơm áo, trong khi Nhà nước và địa phương vẫn bối rối loay hoay quá lâu về chế độ, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian. Lúc nào cũng lý thuyết suông, sống theo hô hào, động viên chung chung thì chỉ là "ăn xổi", thời vụ.

Nhạc sĩ An Thuyên nhận định: "Ví giặm Nghệ Tĩnh có 3 giá trị: một, giàu, sâu sắc; hai, được đưa lên sân khấu bởi sau bài chòi, chỉ ví giặm đủ sức dựng vở kịch, có nhân vật, tính cách, tâm trạng; ba, có giá trị làm chất liệu (ví, giặm, phát triển thành ca khúc, ca cảnh đi vào lòng người lâu dài). Người Việt ở nước ngoài nhớ về đất nước, luôn xao xuyến khi nghe quan họ và dân ca Nghệ Tĩnh, đấy là vốn quý không vùng nào khác có được.

Hát xoan đơn điệu, không thể phát triển rộng. Ví giặm lan tỏa, có sức sống ra khỏi vùng gốc, vì nó buồn, sâu lắng. Vui sướng quá, người ta dễ quên. Chỉ nỗi buồn thắm đượm ở lại. Nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn mà chạm đến đáy nỗi buồn của con người, là chiếm được công chúng. Dân ca Nghệ Tĩnh thành công, bởi nó buồn nhất trong kho tàng dân ca Việt Nam".

Sông La cuối nguồn hòa vào sông Lam ra biển. Từ hai dòng sông ấy, bao lớp giai nhân tài trí xuất chúng được sinh ra, làm vinh danh quê hương, xứ sở. Đại hội đồng UNESCO sẽ họp, bỏ phiếu tháng 4/2014. Tin rằng, ví giặm sẽ được công nhận để không chỉ "tôn vinh", mà có cơ sở giữ gìn, truyền phổ, lưu danh nhiều thế hệ nữa, chứ không dừng lại ở... nỗi buồn.

VI THÙY LINH
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link