16/03/2014 20:01 GMT+7 | World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ riêng tại Việt Nam mà giá bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao quốc tế lớn như World Cup đã tăng một cách chóng mặt trong vài năm trở lại đây.
Từ Việt Nam
Trong vòng mười năm trở lại đây, có lẽ không có thứ gì tăng nhanh bằng bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế tại Việt Nam. Còn nhớ cách đây 8 năm, Công ty FPT Media khi đó đã giành được độc quyền phân phối tín hiệu trực tiếp World Cup 2006 trên toàn lãnh thổ Việt Nam với giá chỉ có 2 triệu USD để rồi sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng lại bản quyền phát sóng giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh cho VTV và HTV (TP.HCM) với giá 3 triệu USD.
Bốn năm sau, VTV đã phải chi ra 2,7 triệu USD để mua trọn gói bản quyền truyền hình World Cup 2010 từ Tập đoàn Dentsu (Nhật Bản), tức là tăng gấp 1,35 lần so với World Cup 2006. Và giờ đây, sau khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh, MP&Silva đã trở thành đơn vị trúng thầu gói bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam với giá 7 triệu USD.
Điều đáng nói là ngay sau đó, tập đoàn truyền thông đến từ Italy đã quyết định nâng mức giá bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam lên mức 10 triệu USD. Như vậy mức giá này cao gấp 3,7 lần so với World Cup cách đây 4 năm và gấp 5 lần so với World Cup 8 năm trước. Với mức giá đó, mỗi trận đấu tại World Cup 2014 sẽ trị giá khoảng 156.250 USD (tương đương 3,28 tỷ đồng) - một con số kỷ lục trong lịch sử bản quyền truyền hình Việt Nam từ trước đến nay.
Không chỉ có bản quyền truyền hình World Cup mà bản quyền truyền hình EURO cũng gia tăng một cách chóng mặt trong những năm gần đây. Nếu như 6 năm trước ở EURO 2008, VTV chỉ phải bỏ ra 2 triệu USD (hơn 30 tỷ đồng) để mua bản quyền truyền hình trực tiếp 31 trận đấu của giải đấu này thì đến đầu năm 2012, sau khi đàm phán thành công với đối tác Sport Five, số tiền mà VTV bỏ ra để được sở hữu bản quyền truyền hình trực tiếp EURO 2012 đã tăng lên gấp đôi (thành 4 triệu USD).
Gần đây nhất, cách đây chưa lâu, mức giá mà CAA Eleven - công ty tiếp thị thể thao của Mỹ nắm trong tay bản quyền EURO 2016 tại Việt Nam, đưa ra chào cho bản quyền giải đấu hàng đầu châu Âu năm 2016 là 8 triệu USD nghĩa là lại gấp 2 lần so với EURO 2012 và gấp 4 lần so với EURO 2008.
Thế nhưng tăng trưởng với tốc độ phi mã nhất phải kể đến bản quyền Giải Ngoại hạng Anh - giải đấu được ưa thích nhất ở Việt Nam. Từ chỗ chỉ tốn 450.000 USD cho mùa giải 2002-2003, con số mà các nhà đài ở Việt Nam phải chi trả đã tăng thành 4 triệu USD cho giai đoạn 2007-2010, rồi tiếp đó tăng lên thành 19 triệu USD cho giai đoạn 2011-2013.
Gần đây nhất, để sở hữu toàn bộ bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam 3 mùa bóng 2013-2016, trong đó có gói độc quyền ngày Chủ nhật, Canal Plus - đối tác trong liên danh với VSTV (thương hiệu K+) đã phải bỏ ra tới 40 triệu USD. Như vậy ước tính chỉ sau khoảng 10 năm, giá bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh đã tăng đến mức chóng mặt - gấp khoảng xấp xỉ... 30 lần.
Đến thế giới
Thế nhưng không phải chỉ có Việt Nam mà dường như đâu đâu trên thế giới, bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc tế cũng đang có xu hướng tăng vùn vụt trong thời gian gần đây.
Tại Thái Lan, giá bản quyền Premier League giai đoạn 2013-2016 đã tăng gấp 6 lần từ 38 triệu bảng Anh lên 202 triệu bảng so với giai đoạn 2010-2013. Ở Mỹ nơi bóng đá không phải là số 1, tiền bản quyền Giải Ngoại hạng Anh cũng đã tăng gấp 2,73 lần. Thế nhưng mức tăng trưởng kỷ lục nhất phải kể đến một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á - đó là Myanmar.
Trong giai đoạn trước (2010-2013), Myanmar được hưởng “khuyến mãi” như Việt Nam cách đây 15 năm nên giá bản quyền chỉ ở mức “tượng trưng” là 200.000 bảng. Thế nhưng giờ đây, con số này trong giai đoạn 2013-2016 đã tăng lên gấp 125 lần thành 25 triệu bảng, tức là còn cao hơn cả Việt Nam chúng ta (khoảng 22 triệu bảng).
Ngay cả tại chính nước Anh, các hãng truyền hình của xứ sở sương mù vừa qua cũng đã phải móc hầu bao tới 3,018 tỷ bảng cho 3 mùa giải 2013-2016, tăng 1,7 lần so với 3 mùa giải trước - chỉ có 1,782 tỷ bảng Quay trở lại với bản quyền truyền hình World Cup, còn nhớ 4 năm trước, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phải chi ra tới 2 tỷ nhân dân tệ (292 triệu USD) để mua bản quyền truyền hình trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu của World Cup 2010, tăng 2,15 lần so với World Cup 2006.
Trong khi đó tại Ấn Độ, mặc dù bóng đá không phải là môn thể thao được hâm mộ nhất, nhưng cuối cùng ESPN-Star Sport cũng đã phải trả tới 40 triệu USD để giành quyền phát sóng trực tiếp các trận đấu tới khán giả Ấn Độ, với bình luận bằng cả tiếng Anh và tiếng Hindu, tăng 1,86 lần so với 4 năm trước.
Còn tại Nhật Bản, theo tờ Asahi Shimbun, tổ hợp truyền hình gồm đài Truyền hình NHK và các mạng khác cũng đã chi 17 tỷ yên (190 triệu USD) để có bản quyền truyền hình các trận đấu của giải đấu này. Trong khi giới truyền thông Singapore cho biết: Hãng Starhub và SingTel đã phải trả tổng cộng 20 triệu SGD để có được bản quyền truyền hình ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2010 nghĩa là tăng gấp hơn 3 lần so với World Cup 2006 (chỉ có 6 triệu SGD).
Chính vì vậy cho nên doanh thu từ bản quyền truyền hình World Cup cũng đã liên tục gia tăng qua từng giải đấu, từ 1,05 tỷ USD tại giải đấu ở Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2002 lên thành 1,41 tỷ USD tại giải đấu ở Đức năm 2006 (tăng thêm 34%). Con số này tiếp tục tăng thêm 53% nữa lên thành 2,15 tỷ USD ở Nam Phi cách đây 4 năm và hứa hẹn sẽ xác lập kỷ lục mới tại Brazil mùa Hè năm nay.
Bài học từ Trung Quốc Dường như việc gia tăng đến mức chóng mặt bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế đang ngày càng mở rộng phạm vi trên toàn thế giới (đặc biệt là ở những nước đam mê bóng đá như Việt Nam), bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế nhưng không phải là không có giải pháp nếu chúng ta nhìn sang các quốc gia xung quanh. Bài học của Trung Quốc vẫn còn đó khi cách đây khoảng 4 năm, nhà cung cấp bản quyền Premier League đã ra giá 160 triệu USD cho quốc gia đông dân nhất thế giới này nếu muốn theo dõi trong 3 năm (2010-2013) giải đấu hàng đầu của xứ sở sương mù. Tuy nhiên, sau khi các đài truyền hình Trung Quốc ngồi lại với nhau và đi đến thống nhất rằng sẵn sàng nói không với Premier League trong 3 mùa giải liên tiếp nếu nhà cung cấp không chịu giảm giá, kết quả cuối cùng là nhà cung cấp bản quyền Giải Ngoại hạng Anh đã phải “xuống nước” và 3 mùa bóng 2010-2013 của Giải Ngoại hạng Anh đã đến được với người hâm mộ bóng đá Trung Quốc thông qua đài WinTV “chỉ” với giá có 40 triệu USD, bằng 1/4 giá trị “chào hàng” ban đầu. Liệu lần này, các nhà đài Việt Nam có dám “bắt tay nhau” để cùng “tẩy chay” World Cup 2014 giống như các nhà đài Trung Quốc cách đây 4 năm với Giải Ngoại hạng Anh hay không? |
Hương Thùy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất