Kinh doanh truyền hình bóng đá ở VN đã, đang và sẽ lỗ

21/12/2011 11:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Không khó để nhận ra rằng truyền hình bóng đá ở VN đang ngày càng nở rộ trong những năm gần đây. Thực tế đó có thể được kiểm chứng bằng biểu đồ thống kê dưới đây về số trận đấu của V-League được truyền hình trực tiếp trong năm 2010 và 2011.

Thống kê cho thấy trong vòng 2 năm qua, trong khi số trận đấu của V-League được VTV truyền hình trực tiếp vẫn được giữ nguyên là 34 trận thì số trận đấu được VCTV truyền hình trực tiếp từ 56 trận (năm 2010) đã lên thành 69 trận (năm 2011) - tăng 23%. Sự phát triển với VTC còn nhanh chóng hơn khi từ 26 trận (năm 2010) lên 39 trận (năm 2011) - tăng 50%.


Đặc biệt sau khi AVG mua được gói bản quyền truyền hình trực tiếp V-League của VFF, năm 2011 đã “bùng nổ” thêm 35 trận đấu được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của các đài địa phương. Như vậy, nếu tính tổng cộng của tất cả các đài trung ương và địa phương thì số trận đấu của V-League được truyền hình trực tiếp trong năm 2011 lên tới 177 trận  - tăng 53% so với năm 2010 (116 trận) và chiếm tỷ lệ 97,25% tổng số trận của cả mùa giải - những con số lẽ ra có thể khiến người ta tự hào rằng truyền hình bóng đá ở VN đang “ăn nên làm ra”.

Thế nhưng đó chẳng qua chỉ là những con số để “đánh bóng” trên bàn hội nghị tổng kết mùa giải mà thôi. Bởi sự thực là bóng đá VN đang ngày càng mất đi sức hấp dẫn trong mắt người hâm mộ.

Chưa ai có thể thống kê được chính xác xem trong mỗi trận đấu được truyền hình trực tiếp trung bình có bao nhiêu khán giả ngồi trước máy thu hình. Nhưng nếu căn cứ vào số liệu thống kê trên website của VFF thì có thể thấy ngay rằng: số lượng khán giả trung bình tới sân đang có xu hướng giảm dần trong vòng 3 năm trở lại đây: từ 10.326 người/trận ở V-League 2009 xuống còn 8.297 người/trận ở V-League 2010 và giờ đây chỉ còn 7.395 người/trận ở V-League 2011 (giảm 11% và 39% so với các mùa giải trước).

Trong khi số lượng khán giả đến sân đang có xu hướng giảm đi thì số lượng thẻ phạt lại có xu hướng tăng lên trong những mùa giải gần đây, đặc biệt là số lượng thẻ đỏ (xem biểu đồ dưới).


Thống kê cho thấy V-League 2011 chính là mùa giải đậm chất bạo lực nhất trong vòng 6 năm trở lại đây khi số lượng thẻ đỏ mà các trọng tài phải rút ra tại ở mùa giải vừa qua lên tới con số 63 - nhiều hơn 11 thẻ đỏ so với “kỷ lục” 52 thẻ đỏ của V-League 2009 và nhiều hơn cả số lượng thẻ đỏ của mùa giải 2007 và 2006 cộng lại (mùa giải 2007 - 26 thẻ đỏ, mùa giải 2006 - 33 thẻ đỏ).

Bạo lực gia tăng trong khi chất lượng chuyên môn của các trận đấu chưa được tăng lên là bao, thử hỏi làm sao V-League có thể kéo được khán giả tới sân cũng như hấp dẫn được khán giả xem truyền hình, cho dù các trận đấu được có được truyền hình trực tiếp ngày càng nhiều đi chăng nữa?!

Vì thế kể cả trong trường hợp VPF thương lượng được với AVG để nâng cao giá trị bản quyền truyền hình V-League, đồng thời 100% các trận đấu của V-League được truyền hình trực tiếp thì cũng khó có thể phủ nhận được thực tế rằng việc kinh doanh truyền hình bóng đá ở VN vẫn đang lỗ, mà nguyên nhân chủ yếu là do V-League chưa hấp dẫn được khán giả.

Thành Quang


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link