Vì sao bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản Tư liệu thế giới?

11/04/2025 15:06 GMT+7 | Văn hoá

Việc UNESCO vinh danh bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân là một trường hợp thú vị - khi tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên "gia tài" sáng tác của một nhạc sĩ trở thành Di sản Tư liệu thế giới.

Để có thể hiểu rõ hơn về trường hợp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã liên lạc và trao đổi với TS Lê Y Linh (con gái đầu của nhạc sĩ). Bà từng bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường Sorbonne, (Pháp) về đề tài âm nhạc hầu bóng, và tập trung vào nghiên cứu lịch sử âm nhạc đương đại Việt Nam.

Sau khi Nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào 2018, bà đã cùng tập hợp, phục hồi, hệ thống hóa toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ với em trai là Nhạc trưởng Lê Phi Phi. TS Lê Y Linh là người thay mặt gia đình thực hiện hồ sơ đề cử Di sản tư liệu cho Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Từ Pháp, TS Lê Y Linh đã có những chia sẻ với báo giới:

* Nguyên do từ đâu bà đã có ý định thay mặt gia đình đề cử Bộ sưu tập cho Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ?

- Tôi có một người bạn là một nhà nghiên cứu lịch sử, khi chúng tôi trao đổi và tôi có chia sẻ về việc chúng tôi đang sưu tầm và phân loại, phân tích khối lượng tác phẩm đồ sộ của nhạc sĩ, bạn có nói tôi nên tìm hiểu Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Sau đó tôi viết thư cho GSKH Lưu Trần Tiêu, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL), là người cùng thời với cha tôi và cũng biết cha tôi, hiện là Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia để nói về ý định muốn xây dựng hồ sơ. Bác đã giới thiệu tôi với TS Vũ Thị Minh Hương, Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, và mọi việc bắt đầu từ đó.

* Bà có thể nói qua về lịch sử và nguồn gốc của Sưu tập ?

- Đây là một bộ sưu tập được hình thành trong chiều dài hơn nửa thế kỷ.

Vào năm 1960, sau 6 năm học đại học chính quy về sáng tác và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, nhạc sĩ Hoàng Vân trở về Hà Nội cùng với những nhạc sĩ đầu tiên khác được đào tạo ở nước ngoài cùng các tác phẩm giao hưởng của họ. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1960 tại Đài Phát thanh Việt Nam (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV) với tư cách là một trong những nhạc trưởng và giám đốc nghệ thuật đầu tiên của Dàn nhạc Đài Phát thanh.

Ông ngừng công tác ở Đài vào khoảng đầu 1970 và công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến những năm 1990. Nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được sáng tác trong thập kỷ này, một thập kỷ quan trọng của nền âm nhạc chuyên nghiệp đương đại Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai.

Những bản thảo, tư liệu và tổng phổ của ông sáng tác trong giai đoạn này sau khi được thu thanh đã lưu vào thư viện của Đài. Những tài liệu ấy không những phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt và tình hình chiến tranh, mà còn bị cháy rụi vì một vụ hỏa hoạn đã bùng phát trong kho lưu trữ tổng phổ của Đài vào khoảng năm 1969-1970.

Vì sao bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản Tư liệu thế giới? - Ảnh 1.

TS Lê Y Linh trong buổi ra mắt sách về nhạc sĩ Hoàng Vân năm 2022

Sau đó, kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, bối cảnh âm nhạc Việt Nam đã trải qua một thời kỳ biến động lớn, đặc biệt sự tái cấu trúc của nhiều tổ chức khác nhau trong thời gian đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường vào những năm 1990. Ngoài ra, trong thực tế, các nghệ sĩ độc tấu và nhạc trưởng nhiều khi không trả lại bản nhạc của họ sau khi chơi hoặc thu âm. Đây là những lý do chính khiến cho bản thảo và tổng phổ của tất cả các nhạc sĩ đã bị phân tán ở nhiều nơi: nhà hát và dàn nhạc, thư viện và nhà kho, các cơ quan bị sáp nhập, tách ra, hay thay đổi chức năng. Về bản thu âm, thiết bị ghi âm cũ không thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Kết quả là nhiều tài liệu âm nhạc không còn có thể phát (và nghe) được nữa vì chúng không được cập nhật về mặt công nghệ (ví dụ như số hóa).

Vào tháng 12 năm 1994, để chuẩn bị cho buổi hòa nhạc Hoàng Vân tại Paris, nhạc sĩ đã phải chép tay lại một số bản nhạc để các nghệ sĩ sử dụng. Vào tháng 8 năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Lương đã phải nghe bản thu của tác phẩm này vào năm 1976 và ghi âm lại Hồi tưởng (Reminiscence), tác phẩm đồ sộ của Hoàng Vân dành cho dàn nhạc và hợp xướng kép, bởi tổng phổ và phân phổ có thể đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn và/hoặc biến mất, đây chính là bản tổng phổ được dùng từ đó đến nay.

Nhân dịp này, Gia đình đã được cảnh báo về việc mất tài liệu. Nhận thức được những trở ngại đối với việc bảo tồn các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn quan trọng này của âm nhạc Việt Nam, Gia đình đã quyết định một kế hoạch hành động.

- Bộ sưu tập được bắt đầu vào những năm 2000 với khoảng 100 bản ghi từ VOV. Hiện nay, để có bài và tổng phổ phục vụ nhu cầu biểu diễn, nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng đã phải ghi âm lại nhiều tác phẩm từ những file audio này.

- Khoảng 100 bản ghi âm khác đã được nhiều người hâm mộ tặng từ 2018 đến nay, nâng tổng số bản ghi âm lên khoảng 200.

- Khoảng 100 bản nhạc in do các cá nhân và tổ chức tặng vào năm 2019.

- Hơn 100 video do VTV và chính các nghệ sĩ tặng.

- Khoảng 300 bản thảo chép tay và khoảng 50 bản nhạc in thuộc về kho lưu trữ cá nhân của Hoàng Vân và chưa bao giờ rời khỏi gia đình cho đến khi chúng được chuyển đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vào năm 2022.

Năm 2020, sau khi so sánh các nguồn và tài liệu khác nhau, gia đình đã liệt kê và phân loại chúng để hình thành sưu tập.

Tất cả các tác phẩm đã được thống kê, số hóa và đưa lên trang web đa ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nga) https://hoangvan.org. Trang web đã đạt được hơn một triệu lượt truy cập cho đến cuối năm 2024.

Các bản thảo giấy hiện đã được đưa vào gửi tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III từ năm 2022.

Vì sao bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản Tư liệu thế giới? - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc tại Phòng thu âm VOV (đầu những năm 1960) Ảnh: Gia đình cung cấp

* Bà có thể chia sẻ về quá trình sưu tập?

- Để sưu tầm các tài liệu, tôi đã mở từng thùng carton, lật từng trang giấy hoen ố gấp đôi gấp ba lạc trong một cuốn sách, gọi điện, viết tin nhắn, viết thư cho các cơ quan, người hâm mộ, xin từ lí lịch tự thuật của ông đến các bản phỏng vấn từ các phóng viên, ghi chép những lời kể, kí ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp, nhà báo, bạn bè của nhạc sĩ; sưu tầm các bài báo, sách in, băng, đĩa, file mềm tại thư viện, kho lưu trữ…ghi âm, ghi hình các cuộc đàm đạo, phỏng vấn. Em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi chịu trách nhiệm hiệu đính, so sánh các bản thảo, số hóa, thậm chí khôi phục lại tác phẩm bằng cách ghi âm qua các bản thu thanh.

Đặc biệt, tôi phải thật sự cảm ơn những người bạn, người quen, người yêu âm nhạc của ông, các trang web, các nhóm yêu nhạc trong đó có nhiều bạn còn rất trẻ… Lặng lẽ, ngày qua ngày, tháng qua tháng, có những nhà sưu tập đã cho tôi bản in duy nhất anh đang có, có người tặng lại chúng tôi những bản nhạc, bản thảo, cuốn sách… vẫn còn giữ qua hơn nửa thế kỷ, hay gửi cho chúng tôi những tệp tin âm thanh tưởng như không bao giờ tìm lại được... để Sưu tập trở thành một tài sản của ngày hôm nay. Và chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm, khôi phục để phát huy những giá trị của Sưu tập trong tương lai.

* Đâu là các tiêu chí chính Bộ sưu tập đã đạt để được ghi danh là Di sản tư liệu thế giới của UNESCO?

- Bản tóm tắt trích từ Hồ sơ đề cử Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân viết : "Hoàng Vân (tên khai sinh Lê Văn Ngọ, 1930-2018) là một nhà soạn nhạc ở thời điểm chuyển giao quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Các tác phẩm của Hoàng Vân và các nhạc sĩ đương thời được sáng tác vào nửa sau thế kỷ 20 theo phong cách của âm nhạc cổ điển châu Âu đã minh họa cho sự cộng sinh của truyền thống âm nhạc châu Âu và châu Á cũng như sự truyền tải và trao đổi kiến thức giữa Đông và Tây.

Các tác phẩm của Hoàng Vân thể hiện mối quan hệ đặc biệt với lịch sử văn hóa và xã hội của Việt Nam, minh chứng cho sự phát triển sâu sắc của xã hội Việt Nam lúc đó, đặc biệt là vai trò của phụ nữ và các tầng lớp yếu thế trong xã hội.

Bộ sưu tập bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc được sáng tác từ năm 1951 đến năm 2010, nổi bật với sự đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và thể loại âm nhạc, cũng như dồi dào về nội dung. Bộ sưu tập cung cấp cho các học giả quốc tế một nguồn tư liệu tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu xã hội, văn hóa và âm nhạc ở Việt Nam trong bối cảnh hậu thực dân và bối cảnh của Chiến tranh lạnh, còn ít được biết đến ở phương Tây cho đến những thập kỷ gần đây".

Qua quá trình thẩm định và xét duyệt, UNESCO đã thông qua những tiêu chí về nội dung, hình thức và ý nghĩa lịch sử cũng như ảnh hưởng quốc tế của Sưu tập Hoàng Vân, cụ thể là:

- Là một trong những nhạc sĩ đại diện cho trường phái Việt Nam, tác phẩm của ông được lan tỏa rộng rãi trong công chúng và được giới học thuật công nhận là những ví dụ xuất sắc, mới lạ và độc đáo trong nghệ thuật âm nhạc. Việc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc châu Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi giữa các dân tộc và các quốc gia.

- Nó cung cấp một bản mẫu về sự đa dạng của các hình thức, thể loại và chủ đề âm nhạc đương đại Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ.

- Tác phẩm của Hoàng Vân phá vỡ các quy tắc, thách thức nhiều định kiến, chẳng hạn như nhạc cổ điển chỉ dành riêng cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội hoặc cho những người quyền quý; hay là các quốc gia chỉ có thể (và chỉ nên) tỏa sáng bằng âm nhạc truyền thống của mỗi nước. Ông đã "Hội tụ mọi ý tưởng thẩm mỹ của thời đại" (Trần Thị Trâm) để phản ánh những cuộc sống bình thường, những số phận hàng ngày, những tầng lớp thiệt thòi trong xã hội tưởng như xa lạ với âm nhạc cổ điển hàn lâm"… Âm nhạc của Hoàng Vân có sức ảnh hưởng sâu sắc, tích cực và lâu dài đến đời sống xã hội và âm nhạc… Tác phẩm của ông phản ánh kịp thời những sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc và lịch sử tâm hồn dân tộc trong một thời kỳ đầy biến động" (Trần Thị Trâm).

- Các tác phẩm của ông không chỉ đơn thuần là những sáng tác âm nhạc, mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc phản ánh đời sống xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng, truyền tải giá trị nhân văn và góp phần thúc đẩy sự kết nối giữa Việt Nam và thế giới.

- Một phần lớn các tác phẩm của ông tôn vinh những tầng lớp thấp kém trong xã hội và đặc biệt là phụ nữ, nhấn mạnh bình đẳng giới.

- Về hình thức, đây là một bộ sự tập tương đối hoàn chỉnh, đa dạng về chất liệu, bao gồm nhiều thể loại và hình thức âm nhạc, phong cách, đề tài ; đặc biệt tính năng đa ngôn ngữ của trang web cho phép các học giả quốc tế có thể tiếp cận được dễ dàng.

Vì sao bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản Tư liệu thế giới? - Ảnh 3.

Chân dung tự họa của nhạc sĩ Hoàng Vân

* Đâu là những phần quan trọng nhất trong sưu tập?

- Trong số hơn một ngàn bản thảo, bản thu âm, bản thu hình, bản in, bản chụp… xung quanh hơn 700 tác phẩm đã được thống kê, chúng ta có thể kể tới một vài tài liệu mang tính quan trọng đặc biệt:

- Hình ảnh của bản thảo Hồi tưởng chép tay có lẽ là đầu những năm 1960, và bản tổng phổ của Hồi tưởng đã được nhạc sĩ Hoàng Lương ghi âm lại qua bản thu năm 1976 được sử dụng rộng rãi đến ngày nay,

- Hình ảnh của Tập nhạc được giải Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất in năm 1955 trong đó Hò kéo pháo đoạt giải nhất lúc nhạc sĩ Hoàng Vân đã lên đường đi sang tu nghiệp tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc).

- Bản thu vào 1959-1960, có lẽ là đầu tiên, của Thành đồng Tổ quốc, một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam, do dàn nhạc Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh biểu diễn dưới sự chỉ huy của Hoàng Phú Lập. Bản thảo viết tay của bản giao hưởng thơ này vẫn còn nguyên vẹn, và có một copy của bản in ronéo do Hội Nhạc sĩ in vào năm 1964, cũng như hình ảnh của tờ chương trình Première của Thành đồng Tổ quốc biểu diễn tại Nhà hát lớn dưới cây đũa của Thôi Long Lân, chuyên gia Triều Tiên vào tháng 9 năm 1961. Việc phân tích những tài liệu này sẽ cho chúng ta thấy được một phần hoạt động âm nhạc thời đó.

- Phần phổ của vũ kịch Chị Sứ, giải thưởng Hồ Chí Minh, một trong những vở có quy mô ballet đầu tiên của ngành múa Việt Nam,

- Khoảng 100 bài tình ca chưa từng công bố hoặc thu thanh,

- Một số bài viết của Nhạc sĩ về hoạt động âm nhạc nước nhà,

- Một số cuốn sổ tay sáng tác,

- Bản thảo viết tay cuốn « Nói chuyện về sáng tác ca khúc » (hiện chưa xác định đã được in hay chưa), 1962

* Những khó khăn chính khi đề cử hồ sơ là gì?

- Cần xây dựng hồ sơ đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của Chương trình Ký ức thế giới trên một khung chuẩn, đặc biệt là phải nêu bật ảnh hưởng quốc tế. Mặc dù hồ sơ đã đạt được nhiều tiêu chí, nhưng vì điều kiện chiến tranh, vì hoàn cảnh địa chính trị thời đó, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân và các nhạc sĩ Việt Nam chưa có điều kiện tạo nhiều tiếng vang trên trường quốc tế.

Vì sao bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản Tư liệu thế giới? - Ảnh 4.

Hội đồng chấp hành UNESCO nhất trí ghi danh bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân vào danh mục Ký ức thế giới

* Các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá như thế nào về Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân?

- GS.TS Matthew Gelbart (Đại học Fordham, Mỹ) khẳng định rằng bộ sưu tập Hoàng Vân gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ từ trường phái Việt Nam tới cộng đồng quốc tế về việc lan tỏa của âm nhạc cổ điển châu Âu: "Tôi tin chắc rằng (Bộ sưu tập) sẽ có tác dụng tích cực đối với các học giả quốc tế ở trong và ngoài lĩnh vực âm nhạc.".

Giáo sư danh dự, TS François Picard, Sorbonne Université (Paris, Pháp) khẳng định: "Song song với mối quan tâm của các nhạc sĩ hôm nay và tương lai, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng quốc tế của bộ sưu tập tác phẩm của Hoàng Vân. Bởi vì đây là kho lưu trữ cho tương lai, và vì chúng làm nổi bật tầm quan trọng của sáng tác âm nhạc trong việc xây dựng một nền văn hóa hiện đại trong bối cảnh hậu thuộc địa".

TS Dana Rappoport, giám đốc nghiên cứu tại CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia, Pháp), đứng đầu 2 dự án châu Âu về lưu trữ âm nhạc nhấn mạnh "Bộ sưu tập cũng đóng góp vào các nghiên cứu so sánh với các nền âm nhạc thế giới khác, làm phong phú thêm góc nhìn toàn cầu trong dân tộc âm nhạc học….". "Bộ sưu tập này nổi bật không chỉ vì sự phong phú về âm nhạc học mà còn vì tầm quan trọng của nó như một cơ sở dữ liệu, kho lưu trữ và tài liệu… Một trong những tài sản chính của bộ sưu tập này là việc phân phối thông qua một nền tảng kỹ thuật số đa ngôn ngữ chuyên dụng. Trang web này làm cho những nguồn tài nguyên quý hiếm này trở nên có giá trị quốc tế… Bằng cách tập hợp các bản nhạc, bản ghi âm, ghi chú và phim, nó cung cấp một nguồn tài nguyên vô giá cho các nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên và nhạc sĩ trên toàn thế giới…" "…Nó góp phần bảo tồn và thúc đẩy tính đặc thù âm nhạc của Việt Nam, một khu vực mà sự đa dạng văn hóa thường bị bỏ qua hoặc bị đe dọa bởi áp lực của toàn cầu hóa. …góp phần phản ánh mối liên hệ giữa âm nhạc, lịch sử và xã hội…".

TS Jason Gibbs (Mỹ) cho rằng "Những bộ sưu tập như vậy thực sự sẽ giúp ích cho tôi. Chúng cũng sẽ giúp ích cho các học giả khác… Điều này rất quan trọng đối với nghiên cứu âm nhạc và lịch sử cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế…".

GS TS Andrew Hardy (Pháp) nhấn mạnh từ góc nhìn lịch sử "… giá trị đặc biệt của nó đối với nghiên cứu liên ngành… một nguồn tư liệu phong phú phục vụ mục đích phát triển âm nhạc, giáo dục và nghiên cứu cho các học giả quốc tế…"

Vì sao bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản Tư liệu thế giới? - Ảnh 5.

Bài ca xây dựng - một trong những tác phẩm được biết tới nhiều nhất của nhạc sĩ

* Bà có thể tóm tắt về các tác phẩm cũng như sự nghiệp của nhạc sĩ?

- Nhạc sĩ Hoàng Vân thuộc về thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được may mắn đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng sự phát triển trong tương lai cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế.

Trong số hơn 700 tác phẩm, đông đảo quần chúng biết đến nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Nửa thế kỷ sáng tác của ông có thể chia làm ba giai đoạn lớn: cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc (1954-1973), hòa bình về (1974-1990), và những năm cuối đời (1990-2010). Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu.

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, các tác phẩm hàn lâm của Hoàng Vân chiếm một vị trí quan trọng nhưng ít được quảng đại quần chúng tiếp cận hơn. Là tác giả của một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1960, Thành đồng Tổ quốc, giới chuyên môn đánh giá cao các tác phẩm như đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Hồi tưởng (1961-1962), vở ballet Chị Sứ (1968, giải thưởng Hồ Chí Minh), tổ khúc bốn chương cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Điện Biên Phủ (2004). Ông là người sáng tạo ra một thể loại mới, thanh khí nhạc (theo GSTS Nguyễn Thụy Loan), với nhiều tác phẩm đã là "mẫu mực trong nền âm nhạc Việt Nam" (lời Nhạc sĩ Nguyễn Cường). Sưu tập cũng đã thống kê một số tác phẩm hiện chưa tìm được bản thu, cũng như nêu bật được phong cách Hoàng Vân trong việc thống kê đầy đủ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Tôn chỉ của nhạc sĩ trong cả sự nghiệp của mình là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc.

Theo TS Stan Tan-Tangbau (Singapore): "…Hoàng Vân không chỉ sáng tác một lượng lớn nhạc không lời…"; "…Nhạc thính phòng Việt Nam chính là thể loại được định nghĩa và định hình bởi nhóm người chủ chốt này trong số các nhạc sĩ tại Hội Nhạc sĩ (Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Bản thân Hoàng Vân là một nhà soạn nhạc thính phòng Việt Nam tiên phong, người đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhạc sĩ vào năm 1963." (Thư mục số 23).

TS Lonán O'Briain (Nottingham, Anh) nhận xét: "…Hoàng Vân chắc chắn là một trong những nhà soạn nhạc Việt Nam quan trọng nhất vào cuối thế kỷ 20. Sự nghiệp đồ sộ của ông trải dài từ những bài hát mang tính biểu tượng đến những bản giao hưởng lớn. Những sáng tác này đã đặt ra một chuẩn mực mới cho âm nhạc hòa tấu tại Việt Nam, có thể so sánh với các nước láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á. Điều khiến ông khác biệt so với một số nhà soạn nhạc khác cùng thời là ông không lấy danh hiệu danh dự hay chính trị làm động lực mà trước hết là tình yêu dành cho âm nhạc."

TS Jason Gibbs (Mỹ) cho hay: "Hoàng Vân là một nhạc sĩ mẫu mực cho thời đại và địa điểm của ông. Thời đại và địa điểm đó cũng hạn chế phạm vi hoạt động âm nhạc của ông."

PGS.TS. Nguyễn Thụy Loan đánh giá: "Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác, Hoàng Vân đã nhanh chóng bộc lộ tài năng khá đặc biệt trong việc thể hiện hình ảnh âm nhạc, trong việc sử dụng các yếu tố của âm nhạc truyền thống, trong cách khai thác và phát triển chặt chẽ các chất liệu âm nhạc cũng như trong nghiên cứu sáng tạo. Để vượt ra khỏi khuôn khổ được thừa hưởng từ phương Tây, vốn thường thấy trong các tác phẩm của các tác giả Việt Nam khác." "Các tác phẩm của ông rất độc đáo; phong cách của ông không ai có thể bắt chước." (Phương An), "Hoàng Vân là một huyền thoại của âm nhạc Việt Nam" (Trần Thị Trường, và VOV LIVE), "Một nhạc sĩ hàng đầu của âm nhạc Việt Nam" (PGS.TS. Trần Thị Trâm và VOV LIVE). "…Có thể nói Hoàng Vân là nhạc sĩ đa tài mà mỗi thể loại cũng làm nên tên tuổi một nhạc sĩ…" (Thế Bảo, nhạc sĩ, nhà âm nhạc học)…

"…Giá trị nghệ thuật của ba bản giao hưởng Hoàng Vân đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền âm nhạc khí nhạc Việt Nam" (Vũ Duy Hiếu) ;

"…Bốn tác phẩm hợp xướng tiêu biểu của Hoàng Vân đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam nói chung và lĩnh vực thanh nhạc nói riêng. Đó là những tác phẩm kinh điển đáng được các thế hệ tương lai nghiên cứu và tìm hiểu về mọi mặt... Những đóng góp của Hoàng Vân trong lĩnh vực này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn hình thành và phát triển của âm nhạc Việt Nam. Điều này càng khẳng định sự cống hiến của nhạc sĩ cho những sắc màu dân tộc đậm nét và sức sáng tạo vô tận đối với kho tàng âm nhạc phong phú và đa dạng của đất nước" (Trần Văn Minh).

"Tác phẩm Bài thơ gửi Thái Nguyên được thế hệ chúng tôi coi là mẫu mực của hợp xướng Việt Nam… Hoàng Vân là niềm tự hào, là nhạc sĩ được ngưỡng mộ của nền âm nhạc Việt Nam" (Nhạc sĩ Nguyễn Cường).

"Nhạc sĩ Hoàng Vân là một tài năng lớn và có sự đa dạng lớn về phong cách. Ông viết cho mọi lĩnh vực, mọi chủ đề... chúng ta có thể học hỏi nhiều từ phong cách của ông. Ông đã để lại nhiều ảnh hưởng cho các nhạc sĩ, nhạc công và nhà nghiên cứu... Ở mỗi thể loại âm nhạc, ông đều để lại dấu ấn thành công, không chỉ đối với các chuyên gia mà còn đối với công chúng nói chung." (Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Nghệ sĩ Nhân dân và Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

"Tôi tự hào về thế hệ này đã làm rạng danh nền âm nhạc Việt Nam. Là một nhạc sĩ, nhạc sĩ, tôi ngưỡng mộ anh ấy vì Hoàng Vân đã chuyển mình từ một người lính thành một nhạc sĩ tài ba. Đó là tấm gương sáng để tôi và các thế hệ sau học tập và noi theo". (Nhạc sĩ, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam).

"Ông đã tạo nên một làn sóng mới trong hoạt động nghệ thuật… ông là nhạc sĩ đầu tiên mở lớp hòa âm cho đồng nghiệp, là nhạc sĩ chính, phối khí, nhà sản xuất, nhạc trưởng của dàn nhạc VOV thời kỳ đầu" (Tạp chí nội san VOV); "Ông đã nâng tầm trình độ chung của toàn bộ dàn nhạc một cách đáng kể. Ngoài nhiều sáng tác thành công, ông còn đảm nhiệm việc hòa âm cho các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác, nhưng ông cũng là nhạc trưởng chỉ huy các buổi tập và thu âm" (Khánh Quý, 1949-1989: 40 năm Dàn nhạc VOV, ấn phẩm nội bộ VOV).

"…Tôi cũng biết rằng ông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát triển các hoạt động âm nhạc tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội, … Hoàng Vân cũng là một trong số ít nhạc sĩ đã viết các bài báo thực sự học thuật về sự phát triển của âm nhạc tại Việt Nam đương đại…" (TS Stan Tan-Tangbau).

* Bà có gặp khó khăn gì lúc đề cử bởi đây là một bộ sưu tập tư nhân hay không ?

- Việc một cá nhân đề cử là hoàn toàn đúng với thể lệ của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Lúc chúng tôi bắt đầu thực hiện bộ sưu tập điểm đầu tiên và trước hết là sự lo ngại về chuyên môn trước tình trạng tư liệu. Từ lúc bắt đầu quá trình đề cử, thật sự tôi chưa bao giờ cô đơn. Đây là một bộ sưu tập tư nhân, nhưng khi từ khi hồ sơ còn đang ở mức sơ khởi cho đến khi vào vòng chung kết, tôi đã nhận được sự hỗ trợ hết lòng cả về nội dung và về kỹ thuật từ Ủy ban quốc gia UNESCO, từ phái đoàn đại diện và hai Đại sứ của Việt Nam bên cạnh UNESCO ở Pháp là Đại sứ Lê Thị Hồng Vân và Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh. Và đặc biệt là sự hỗ trợ quý báu của TS Vũ Thị Minh Hương, chuyên gia của Ủy ban tư vấn quốc tế của Chương trình ký ức thế giới. Cũng có lúc chúng tôi rất lo lắng và dao động, và tất cả đều rất chân tình động viên : "Chị cố lên, đây không còn là vấn đề của Nhạc sĩ Hoàng Vân mà là vấn đề quốc gia rồi, chị cần bất cứ điều gì thì chúng tôi sẽ hỗ trợ". Ở Pháp, trong trường hợp một việc quá lớn thì người ta thường nói : "Je ne vous dis pas merci", ý là lời cảm ơn không có nghĩa gì cả vì nhỏ quá. Nhưng tôi vẫn muốn nói câu cảm ơn đó với tất cả, mặc dù những điều mọi người đã làm vượt qua câu cảm ơn nhiều lắm.

Vì sao bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản Tư liệu thế giới? - Ảnh 6.

Nhạc sĩ Hoàng Vân lúc sinh thời

* Bà có thể kể về một kỷ niệm đáng nhớ với bố?

- Trong những lời cha dặn, tôi nhớ và áp dụng những câu sau đây mỗi ngày: "Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay", "Việc hôm nay chớ để ngày mai". "Khi có hai con đường, nên luôn luôn chọn con đường khó hơn". "Tái ông mất ngựa", trong cái rủi lại có cái may, hay nói theo phong cách hiện nay trong thử thách sẽ có cơ hội. "Vouloir c'est pouvoir" (nếu quyết tâm thì sẽ làm được). "Tout excès est mauvais" (cái gì quá cũng không tốt). "Khiêm tốn là một trong những ưu điểm lớn nhất ". "Tầm sư học đạo". "Không thầy đố mày làm nên".

Về nghề nghiệp ? Cách chiêm nghiệm, cách tổng quát, cách phân tích, cách nhìn nhận một vấn đề. Sự nhậy cảm, tính hiếu học, tính cẩn trọng là những kỹ năng mà tôi nghĩ đã học được phần nào ở ông.

Một số kỷ niệm khác về ông cũng như cách ông giáo dục con cái tôi cũng đã nói tới trong bài "Cha tôi, Nhạc sĩ Hoàng Vân" trong cuốn sách Hoàng Vân - Cho muôn đời sau (NXB Kim Đồng, 2022).

* Bà có những tiếc nuối gì khi nghĩ đến cha ? Còn những điều gì chưa làm được?

- Cũng có tiếc nuối, tiếc nuối là ông đã không được nhìn thấy danh sách và biết (vì lúc sinh thời ông không bao giờ tìm hiểu và cần biết) mình đã sáng tác hơn 700 tác phẩm và con số này vẫn không ngừng tăng lên vì chúng tôi tìm thêm được tác phẩm. Tiếc là ông đã không được nghe bản thu của những tác phẩm đã viết mà chưa có điều kiện thu. Tiếc là ông đã không còn thời gian hoàn thành được một dự án về một bản giao hưởng lớn về loài người, về thời lập quốc như ông có mong khi đã ngoại tuổi tám mươi. Tiếc là nền giao hưởng và âm nhạc hàn lâm nước nhà với bao công sức và thành tựu của các đồng môn thế hệ ông và thế hệ sau đó hiện đã không bắt kịp nhịp phát triển của nước nhà những năm gần đây để có thể tỏa sáng và phát huy hết tác dụng của chúng.

* Bà có thông điệp và dự án gì sau khi sưu tập được ghi danh là Di sản tư liệu thế giới ?

- Càng tìm hiểu, nghiên cứu về các tác phẩm của ông và về một số nhạc sĩ cùng thời, tôi càng thấy được vai trò lớn lao của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Việc tổng hợp những tư liệu trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân là nhiệm vụ không những đối với cha tôi, nhưng nó còn là đối với lịch sử âm nhạc Việt Nam, và việc thu thập tổng phổ, tư liệu của các nhạc sĩ là một việc làm cần thiết và cấp bách. Chỉ một thế hệ nữa thôi, nếu không làm gì, những tài liệu này sẽ thất thoát phân tán và lúc ấy sẽ là quá muộn để dựng lại một giai đoạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam một cách « nói (có thu âm) có sách (tổng phổ, bản thảo), mách có chứng », chứ không phải là những dòng hồi ức, bình luận, phê bình, nghiên cứu mà người đọc không thể có dịp nghe những tác phẩm âm nhạc ấy nữa.

Tôi kỳ vọng có thể làm được một công trình sưu tầm và nghiên cứu tư liệu của các nhà soạn nhạc khác cùng thời với cha.

Và đặc biệt, chúng tôi còn rất nhiều việc làm với bộ sưu tập và với tác phẩm của cha chúng tôi sau khi ghi danh bởi UNESCO yêu cầu các đơn vị đề cử một chương trình hành động cụ thể để cho các hồ sơ ghi danh đáp ứng được sứ mệnh lan tỏa của chúng. Cụ thể là, trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục gửi vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 những tài liệu - vật mang tin khác như ảnh, đĩa, băng, sách…, cũng như một số tài liệu được sưu tập thêm sau 2022 để hoàn thiện phông lưu trữ. Sau đó chúng tôi sẽ cùng với TTLTQG3 tổ chức các hoạt động như xuất bản, trưng bày triển lãm, thực hiện triển lãm ảo, triển lãm di động để nâng cao nhận thức của cộng đồng, cá nhân, gia đình, dòng họ về tầm quan trọng của việc lưu giữ tài liệu để có thể đưa vào lưu trữ, phân loại bảo quản và phát huy phục vụ cộng đồng.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link