Bóng đá Scotland đòi tách khỏi Vương Quốc Anh: Phân vân nói “Không” hay “Có”?

09/09/2014 06:12 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Hai ngày trước, một nhóm huyền thoại bóng đá của Scotland đã ra thông báo, tuyên bố đứng về phía phe nói “Không” với độc lập của quốc gia này.

Nhóm cựu cầu thủ trong đó có David Moyes, Alan Hansen, Denis Law… đưa ra thông điệp: “Chúng tôi tự hào là người Scotland, tự hào được khoác lên màu áo của tổ quốc, đại diện cho đất nước quê hương đi khắp thế giới. Khi Scotland gọi, chúng tôi trả lời. Chúng tôi tự hào vì Scotland luôn đứng trên đôi chân của mình, nhưng chúng ta sẽ vươn cao hơn khi là một phần của Liên hiệp Anh”.

Mong muốn của các cựu danh thủ rất rõ ràng. Họ không muốn Scotland tách khỏi Vương Quốc Anh bởi với vị trí hiện tại, họ vẫn tham dự các giải đấu lớn với tư cách là một quốc gia độc lập. Chủ đề này lập tức được đem lên bàn tán xôn xao trên mạng xã hội Twitter. Ý kiến phân làm 2 luồng, phản đối và đồng thuận, với tỷ lệ gần như ngang bằng.

Bóng đá, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, quốc phòng… của Scotland, đang sống trong cảm giác hoài nghi về lợi ích và tác hại của kiến nghị độc lập mà Thủ hiến Salmond và đảng SNP của ông đã đệ trình.

Được gì?

Nhìn bên ngoài, tưởng như Scotland độc lập hay không chẳng mấy ảnh hưởng tới bóng đá. Scotland, dù đang là một phần của Vương quốc Anh, nhưng đã có Liên đoàn riêng (SFA), là thành viên của FIFA và UEFA. Nhưng thực tế, tác động là không hề nhỏ. Kể từ trang 600 trong tập hồ sơ của SNP, có mục dành cho bóng đá. Môn thể thao Vua sẽ phát triển như thế nào dưới một Scotland độc lập là nội dung được bàn xuyên suốt trong đó?

“Sự công bằng” là cụm từ được in đậm nhất. Người Scotland từng phàn nàn rằng trong các giải đấu quốc tế, họ thường bị trọng tài phân biệt đối xử bởi bị coi là “phần nhỏ” trong Vương Quốc Anh. Điển hình là những quyết định khó hiểu mà họ phải nhận từ “Vua áo đen” trong trận đấu tại Cardiff ở vòng loại World Cup 2014, trận gặp CH Czech trên sân Hampden ở vòng loại EURO cách đó 2 năm. Là một quốc gia độc lập, Scotland tin rằng vị thế của họ trong làng bóng đá sẽ được cải thiện, ngang bằng với “Tam sư” hiện tại.

Bóng đá Scotland từng trải qua thời hoàng kim nhưng dần dần tụt dốc không phanh. Sự sa sút của bóng đá nước này không chỉ ở ĐTQG, mà cả cấp CLB. Từ sau World Cup 1998 đến nay, họ chưa vượt qua được vòng loại giải đấu lớn nào. Bởi thế, nhiều cầu thủ Scotland là ngôi sao ở cấp độ CLB nhưng chưa bao giờ được góp mặt ở đấu trường lớn trong màu áo ĐTQG. Nhiều người Scotland tin rằng khi Scotland độc lập, bóng đá sẽ phát triển, kết nối được trí tuệ và sức mạnh tập thể.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) Greg Dyke gần đây tuyên bố: “Nếu phát triển đúng đắn, Anh sẽ vô địch World Cup năm 2022”. Người Scotland tin rằng, bóng đá nước họ, nếu đi đúng hướng, thành công không còn là thứ mơ hồ không thể chạm tới.

Mất gì?

Những lợi ích trên là kết quả mà cần chặng đường dài mới có thể kiểm chứng, trong khi những thiệt hại một khi Scotland tách ra khỏi Vương Quốc Anh thì dễ nhận ra.

Rõ ràng nhất là quá trình chuyển tới đầu quân cho các đội bóng tại Anh của cầu thủ Scotland. Sẽ không có chuyện họ được tự do chuyển đến Premier League như hiện tại. Cầu thủ Scotland cần có giấy phép lao động mới được phép chơi bóng tại xứ sương mù, giống như những cầu thủ tới từ Nam Mỹ.

Một vấn đề khác đáng quan tâm là tính hữu dụng của luật Bosman. Luật bảo vệ quyền lợi cầu thủ khi hết hạn hợp đồng với CLB chỉ được áp dụng với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Thế nên, khi Scotland tách khỏi Anh, họ sẽ ngay lập tức mất đi tư cách thành viên của EU. Nếu muốn gia nhập, họ cần có thời gian gửi kiến nghị và chờ họp bàn xét duyệt.

Bởi thế, cầu thủ Scotland sẽ không được lợi từ luật Bosman. Khi hết hạn hợp đồng, ai sẽ đảm bảo cho tương lai của họ?

Ngày 18/9 tới, Scotland mới tiến hành bỏ phiếu cho kiến nghị độc lập. Tỷ lệ nói “Không” và “Có” với vấn đề này hiện đang gần như cân bằng. Lá phiếu của người dân Scotland sẽ quyết định tất cả. Nhưng dù phe nói “Có” hay nói “Không” giành chiến thắng, lịch sử vẫn không thể quên được sự gắn bó của hai nền bóng đá. Sự kết hợp thành công của bóng đá Anh và Scotland từng giúp các CLB ở Vương quốc này thống trị các Cup châu Âu những năm 1978-1984.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link